Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 26 tháng 04 năm 2024,
Biểu quyết thông qua Nghị quyết xử lý nợ xấu: Bấm nút đưa hàng trăm ngàn tỷ đồng trở lại nền kinh tế
Hà Tâm - 21/06/2017 07:44
 
Theo chương trình nghị sự, hôm nay (21/6), Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Với những cơ chế chưa từng có, nếu được Quốc hội thông qua, Nghị quyết sẽ giúp hàng trăm ngàn tỷ đồng hồi sinh, quay trở lại nền kinh tế.

Đã có những cơ chế sống còn

Ngành ngân hàng đang “nín thở” chờ Quốc hội bấm nút thông qua Nghị quyết xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng sáng nay. 

TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế cho hay, điểm mới lớn nhất và có ý nghĩa lớn nhất với các ngân hàng mà dự thảo Nghị quyết đưa ra, đó là, cho phép các tổ chức tín dụng được phân bổ dần số lãi dự thu đã ghi nhận của các khoản nợ xấu lên tới 10 năm (Điều 16). 

Nghị quyết xử lý nợ xấu được thông qua, ngân hàng sẽ có dũng khí để xử lý hàng trăm ngàn tỷ đồng nợ xấu. Ảnh: Đức Thanh
Nghị quyết xử lý nợ xấu được thông qua, ngân hàng sẽ có dũng khí để xử lý hàng trăm ngàn tỷ đồng nợ xấu. Ảnh: Đức Thanh

“Đây là cơ chế sống còn, sẽ cứu nhiều ngân hàng thoát khỏi chỗ chết”, TS. Nghĩa nhận định.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, Phó tổng giám đốc một ngân hàng TMCP thừa nhận, hiện nay, nhiều ngân hàng mỗi năm chỉ lãi vỏn vẹn vài chục tỷ đồng. Thế nhưng, nếu xử lý một khoản nợ xấu, có khi ngân hàng đã lỗ ngay 50 tỷ đồng (bán tài sản đảm bảo bị lỗ). 

“Biết rằng, nếu kéo dài tình trạng này, nợ xấu sẽ ngày càng trầm trọng thêm, nhưng nếu xử lý nợ, ngân hàng sẽ rơi vào khủng hoảng. Nếu có cơ chế giãn thời gian hoàn nhập khoản lãi dự thu đó trong vòng 10 năm, thay vì bắt buộc phải hạch toán ngay lập tức, ngân hàng sẽ có dũng khí để xử lý nợ xấu”, vị lãnh đạo này nói.

Một điểm mới nữa của Nghị quyết cũng sẽ khiến các ngân hàng hết sức vui mừng, đó là sự công nhận bước đầu về quyền chủ nợ - vướng mắc lớn nhất của các ngân hàng trong xử lý nợ xấu thời gian qua.

Theo Điều 7 của Nghị quyết, các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu được quyền thu giữ tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của bên bảo đảm, bên giữ tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu khi đáp ứng đầy đủ một số điều kiện.  

Sau 15 ngày, kể từ ngày phải giao tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu để xử lý theo thỏa thuận tại hợp đồng bảo đảm và quy định pháp luật về giao dịch bảo đảm mà bên bảo đảm, bên giữ tài sản không giao tài sản bảo đảm cho tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu để xử lý thì tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu được thu giữ tài sản bảo đảm theo quy định.

Thực tế triển khai tái cơ cấu ngân hàng vừa qua cho thấy, nếu thiếu sự đồng hành, chia sẻ và cùng tháo gỡ của các cấp, ngành thì nợ xấu ngành ngân hàng nói chung và Agribank nói riêng có thể sẽ tiếp tục tăng.
Ông Phạm Toàn Vượng, Phó tổng giám đốc Agribank

Đặc biệt, Nghị quyết ghi rõ trách nhiệm của chính quyền địa phương trong đảm bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội trong quá trình thu giữ tài sản bảo đảm theo đề nghị của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu. Việc thu giữ tài sản đảm bảo vẫn được phép triển khai ngay cả khi bên bảo đảm không có mặt. Quy định này giúp các tổ chức trút được gánh nặng bấy lâu nay.

Ông Hà Sỹ Vịnh, Phó giám đốc Trung tâm Phòng ngừa và Xử lý rủi ro Agribank cho rằng, nếu được thông qua, những quy định trên sẽ giúp các ngân hàng đẩy nhanh tốc độ xử lý nợ xấu hơn rất nhiều.

Thị trường sẽ đón dòng tiền mới

Bên cạnh 2 cơ chế quan trọng nhất như đã nói ở trên, Dự thảo Nghị quyết xử lý nợ xấu của Quốc hội cũng đưa ra rất nhiều cơ chế hỗ trợ việc xử lý nợ xấu như: cho phép bán nợ xấu theo giá thị trường (có thể cao hơn hoặc thấp hơn giá trị ghi sổ của khoản nợ); áp dụng thủ tục rút gọn trong giải quyết tranh chấp liên quan đến tài sản đảm bảo tại tòa án...

Tất cả những quy định này, dù chưa thể gỡ hết các vướng mắc, song cũng sẽ tạo đột phá nhất định giúp các ngân hàng đẩy nhanh tốc độ xử lý nợ xấu hiện nay.

Ông Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch HĐQT VietinBank kỳ vọng, Nghị quyết ra đời sẽ giúp khơi thông được một lượng lớn vốn đang nằm chết trong nền kinh tế. Luồng vốn này sẽ giúp giảm lãi suất, giúp doanh nghiệp tiếp cận vốn tốt hơn, từ đó hỗ trợ cho tăng trưởng nền kinh tế.

Ước tính, nợ xấu thực của nền kinh tế hiện nay là 10,8%, tức hơn 600.000 tỷ đồng. Việc để nợ xấu kéo dài, không chỉ gây thiệt hại cho các ngân hàng, mà theo nhiều đại biểu quốc hội, có thể làm tổn hại đến nền an ninh tài chính quốc gia.

Với sự đồng thuận cao của Quốc hội, khả năng Nghị quyết xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng sẽ được thông qua vào sáng nay và sẽ có hiệu lực ngay từ ngày 1/7 tới.

Không chỉ đối với ngành ngân hàng, mà toàn thể thị trường, nhất là giới đầu tư đang rất lạc quan về Nghị quyết này. Không phải ngẫu nhiên mà cổ phiếu ngân hàng tăng vọt thời gian và liên tục lập đỉnh nhiều năm.

Phó Tổng Giám đốc Agribank: Nợ xấu sẽ tăng, nếu...
Theo Phó Tổng giám đốc Agribank Phạm Toàn Vượng, thực tế triển khai tái cơ cấu ngân hàng vừa qua cho thấy, nếu thiếu sự đồng hành, chia sẻ và...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư