Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Bình Định: Cửa ngõ giao thương với Tây Nguyên và CLV
Sơn Thắng - 31/10/2014 09:46
 
() Thông qua Quốc lộ 19 kéo dài từ Nam Lào, qua Tây Nguyên đến cảng Quy Nhơn, Bình Định được đánh giá là cánh cửa giao thương quan trọng cho Tây Nguyên và các tỉnh biên giới thuộc Tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam (CLV).
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Bình Định: Địa chỉ mới cho nhà đầu tư
Siêu dự án Lọc hóa dầu Victory Nhơn Hội: Từ hồ nghi đến hy vọng
Định kỳ tổ chức Diễn đàn đối tác Tam giác phát triển CLV
Hiện thực hóa tiềm năng khu vực Tam giác phát triển CLV
Khơi dậy tiềm năng phát triển Tam giác CLV

Triển vọng hợp tác quốc tế

Ngày 2/11, Tọa đàm Hợp tác kinh tế các tỉnh Tây Nguyên, Nam Trung Bộ của Việt Nam với các tỉnh Trung, Nam Lào lần thứ hai sẽ chính thức khai mạc tại Bình Định.

Tọa đàm được đánh giá là bước đi quan trọng nhằm tăng cường quan hệ hợp tác phát triển kinh tế giữa các tỉnh Nam Trung Bộ, Tây Nguyên với các tỉnh biên giới thuộc Tam giác phát triển CLV, trong đó có Nam Lào. Đây cũng là dịp để Bình Định giới thiệu lợi thế của tỉnh trong chuỗi liên kết phát triển, thông qua hệ thống hạ tầng kết nối giao thương quan trọng của địa phương.

  Bình Định: Cửa ngõ giao thương với Tây Nguyên và CLV  
 

Cảng Quy Nhơn là điểm cuối quan trọng cho cánh cửa Tây Nguyên và Nam Lào

 

Về việc hợp tác phát triển kinh tế với Nam Lào cũng như các tỉnh biên giới thuộc Tam giác phát triển CLV, ông Hồ Quốc Dũng, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bình Định nhìn nhận, với tiềm lực kinh tế biển của Bình Định, Quảng Ngãi; với ưu điểm nằm ở ngã ba biên giới ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia, Kon Tum là nơi hội tụ và giao thương của các tuyến đường Quốc lộ 40, 14, 24; với thế mạnh về trồng cây công - nông nghiệp và du lịch của các tỉnh Nam Lào, nếu biết đánh thức tiềm năng của chúng, Trục hợp tác Đông Tây hứa hẹn sẽ đóng vai trò quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh thành viên và của cả khu vực trong tương lai không xa nữa.

“Nội dung hợp tác nên tập trung vào những lĩnh vực hết sức thiết thực, cụ thể mà các bên có thế mạnh, hỗ trợ cho nhau. Các tỉnh thành viên phải vận động nhiều doanh nghiệp lớn cùng tham gia hợp tác”, ông Dũng nói.

Cũng theo ông Dũng, nếu Trục hợp tác Đông Tây nối từ Bình Định, Quảng Ngãi, Gia Lai, Kon Tum (Việt Nam) với Attapu, Sekong, Salavan, Champasak (Lào) và một số tỉnh của Thái Lan được Chính phủ các nước công nhận thành lập, thì Bình Định sẽ ủng hộ và làm hết sức mình để Trục hợp tác Đông Tây sớm được hình thành và phát huy tiềm lực của nó trong phát triển kinh tế - xã hội của cả khu vực.

Cửa ngõ quan trọng

Bình Định là tỉnh thuộc vùng Duyên hải Nam Trung Bộ, có tổng diện tích tự nhiên 6.025 km2, phía Bắc giáp tỉnh Quảng Ngãi, phía Nam giáp tỉnh Phú Yên, phía Tây giáp tỉnh Gia Lai, phía Đông giáp Biển Đông, cách Thủ đô Hà Nội 1.065 km, cách TP.HCM 686 km, cách Cửa khẩu Quốc tế Bờ Y (tỉnh Kon Tum) 300 km, cách tỉnh Champasak (CHDCND Lào) 600 km, cách Ubon Ratchathani (Vương quốc Thái Lan) 700 km.

Năm 2008, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung, xác định một trong những ưu tiên là xây dựng TP. Quy Nhơn - Bình Định thành trung tâm tăng trưởng kinh tế phía Nam của Vùng, là đầu mối giao thông đường bộ và cảng biển phục vụ trực tiếp Tây Nguyên.

Không những vậy, Bình Định nằm ở trung tâm của trục Bắc - Nam (trên cả 4 tuyến Quốc lộ 1A, đường sắt xuyên Việt, đường hàng hải và đường hàng không nội địa), là cửa ngõ ra biển gần nhất và thuận lợi nhất của Tây Nguyên, Nam Lào, Đông Bắc Campuchia và Thái Lan (qua Cảng biển quốc tế Quy Nhơn và Quốc lộ 19). Trong tương lai gần, cảng biển Nhơn Hội thuộc Khu kinh tế Nhơn Hội sẽ hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng giao thông vận tải, tạo cho Bình Định một lợi thế vượt trội trong giao lưu khu vực và quốc tế.

Đồng thời, tỉnh Bình Định có bờ biển dài 134 km, diện tích vùng lãnh hải khoảng 2.500 km2 và trên 40.000 km2 vùng đặc quyền kinh tế, cùng với nguồn lợi hải sản phong phú có giá trị kinh tế cao và các đặc sản quý hiếm như: cá thu, cá ngừ đại dương, tôm, mực, yến sào, tôm hùm, cua huỳnh đế..., được thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng.

Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt Quy hoạch Phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Theo đó, cảng Quy Nhơn (Bình Định) là cảng tổng hợp quốc gia phục vụ chủ yếu các khu công nghiệp và trung chuyển các sản phẩm dầu.

Hiện tại Quy Nhơn đã có hai cảng biển hoạt động rất hiệu quả là cảng Quy Nhơn (7 triệu tấn/năm) và cảng Thị Nại (1 triệu tấn/năm), đang được tiếp tục đầu tư nâng cấp để tăng công suất.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Hồ Quốc Dũng cho rằng, trong tầm nhìn mới từ sau khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), vai trò của Biển Đông trong phát triển kinh tế của Việt Nam và khu vực đã được khẳng định là chiếc cầu nối cực kỳ quan trọng.

“Việt Nam nằm án ngữ trên các tuyến hàng hải huyết mạch thông thương giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, giữa châu Âu, Trung cận Đông với Trung Quốc, Nhật Bản và các nước trong khu vực Biển Đông. Trong đó, cảng biển Bình Định là cầu nối không thể thiếu của cả khu vực rộng lớn”, ông Dũng nói.

Theo ông Dũng, trong thời gian không xa nữa, cảng biển của Bình Định đóng vai trò hết sức quan trọng nhằm phục vụ quá trình phát triển kinh tế - xã hội của Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung và khu vực Tây Nguyên, là đầu mối quan trọng trên trục hợp tác Đông - Tây, cửa ngõ ra Biển Đông của Tiểu vùng sông Mê Kông.

Đi trước một bước

Liên quan đến tình hình thu hút đầu tư, bà Huỳnh Thị Thanh Thủy, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Định cho biết, nhờ công tác đầu tư cơ sở hạ tầng và quy hoạch đi trước một bước, nên hoạt động kêu gọi đầu tư phát triển du lịch biển trên địa bàn tỉnh trong những năm gần đây trở nên sôi động hơn, thu hút nhiều nhà đầu tư trong nước và quốc tế.

Theo bà Thủy, hàng loạt khu du lịch, khách sạn cao cấp ven biển đã và đang mọc lên và dần khẳng định thương hiệu như: Avani Quy Nhơn Resort & Spa (Bãi Dài), resort Hoàng Gia - Quy Nhơn, khách sạn Sài Gòn - Quy Nhơn, khách sạn Hải Âu, Hoàng Yến…, cùng nhiều khu du lịch nghỉ biển cao cấp đang triển khai xây dựng như: Khu du lịch Vĩnh Hội, Khu du lịch Vinpearl Quy Nhơn...

“Khi các dự án đầu tư phát triển du lịch nói trên được đưa vào khai thác, chắc chắn sẽ đưa du lịch Bình Định lên một tầm cao mới, trở thành một trong những trung tâm du lịch nghỉ dưỡng biển hấp dẫn của cả nước, góp phần đưa ngành du lịch trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của Bình Định”, bà Thủy nhận định.

Bên cạnh đó, Bình Định cũng đang đẩy mạnh xây dựng hạ tầng và thu hút đầu tư vào Khu kinh tế Nhơn Hội. Theo ông Man Ngọc Lý, Trưởng ban quản lý Khu kinh tế Bình Định, Khu kinh tế Nhơn Hội có diện tích đất tự nhiên khoảng 12.000 ha, được quy hoạch phát triển thành khu kinh tế tổng hợp, đa ngành, đa lĩnh vực.

Trong đó, Khu phi thuế quan có diện tích 530 ha, được chia ra nhiều phân khu chức năng, gồm Khu cảng và hậu cần cảng; Khu trung tâm điều hành, giao dịch và hành chính; Khu sản xuất cho các xí nghiệp sản xuất hàng hoá xuất khẩu; Khu kho tàng để lưu giữ hàng hoá và trung chuyển.

Khu thuế quan bao gồm Khu công nghiệp 1.324 ha, Khu phong điện 283 ha, Khu đô thị mới 650 ha, Khu cảng tổng hợp 120 ha, Khu hậu cần cảng 51 ha, luồng vào cảng đáp ứng cho tàu có tải trọng đến 30.000 tấn và sẽ nâng cấp lên 50.000 tấn.

Ông Lý có biết, hiện nay, tại Khu kinh tế Nhơn Hội, Dự án Tổ hợp lọc, hóa dầu với tổng vốn đầu tư 22 tỷ USD, công suất 400.000 thùng dầu/ngày đang được xúc tiến các bước cần thiết để triển khai. Mới đây, dự án này đã được Hội đồng Thẩm định do Bộ Công thương chủ trì bỏ phiếu thông qua báo cáo nghiên cứu khả thi.

“Đây là cơ sở quan trọng để các bộ, ngành chức năng trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc bổ sung dự án này vào Quy hoạch Phát triển ngành dầu khí Việt Nam giai đoạn đến năm 2015 và hướng đến năm 2025”, ông Lý nhìn nhận.

Về quan hệ hợp tác giữa tỉnh Bình Định và Lào trong thời gian qua, ông Nguyễn Bay, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư tỉnh Bình Định cho biết, những năm qua, tỉnh Bình Định và các tỉnh Nam Lào đã trao đổi các đoàn cấp cao bàn bạc và ký kết các văn bản thoả thuận, ghi nhớ hợp tác trong các chương trình hợp tác nông nghiệp, công thương, y tế, giáo dục và đào tạo, văn hóa - thể thao và du lịch… và nhiều dự án đầu tư khác.

Theo ông Bay, Bình Định và các tỉnh Nam Lào đã tổ chức nhiều lượt đoàn cán bộ cấp cao sang thăm và làm việc, trao đổi kinh nghiệm với nhau, qua đó đã nâng tình hữu nghị và hợp tác, đầu tư giữa Bình Định với các tỉnh Nam Lào lên tầm cao mới.

“Nhìn chung, các nội dung hợp tác đã thực hiện đều thiết thực, vừa đáp ứng được nhu cầu của các tỉnh Nam Lào, vừa phù hợp với khả năng của tỉnh Bình Định. Các dự án đầu tư tại Công ty Dược phẩm CBF (Champasak) và trồng cao su và cây công nghiệp tại các tỉnh Nam Lào được các doanh nghiệp Bình Định triển khai thực hiện bước đầu có kết quả khả quan, củng cố quyết tâm và lòng tin cho nhà đầu tư khác”, ông Bay nói.
 

Tọa đàm Hợp tác kinh tế các tỉnh Tây Nguyên, Nam Trung Bộ của Việt Nam với các tỉnh Trung, Nam Lào lần thứ hai dự kiến tổ chức vào ngày 2/11/2014 tại Quy Nhơn, Bình Định.

* Chương trình được tổ chức nhằm kiểm điểm đánh giá hợp tác kinh tế, đầu tư, thương mại, du lịch giữa hai nước vào khu vực Trung Nam Lào trong giai đoạn 2011 - 2014; Tăng cường quan hệ hợp tác Việt Nam - Lào, thúc đẩy các doanh nghiệp đầu tư vào các tỉnh Trung Nam Lào.

* Đây là diễn đàn để cơ quan chức năng hai nước giới thiệu về tiềm năng, cơ hội và các cơ chế chính sách khuyến khích đầu tư vào khu vực Trung Nam Lào, đồng thời, là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam tại các tỉnh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên và các doanh nghiệp Lào tại các tỉnh Trung, Nam Lào gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm, tìm kiếm cơ hội đầu tư và đối thoại với Chính phủ hai nước nhằm đẩy mạnh hợp tác đầu tư tại các tỉnh Trung, Nam Lào.

* Tọa đàm do Hiệp hội Các nhà đầu tư Việt Nam sang Lào (AVIL) phối hợp với Phân ban Hợp tác Việt Nam - Lào và Phân ban Hợp tác Lào - Việt đồng tổ chức

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư