Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 21 tháng 11 năm 2024,
Bình Định với khát vọng phát triển, đột phá mạnh mẽ
Phú Dương - 04/09/2024 09:03
 
Bình Định đang dần trở thành điểm đến hấp dẫn. Song để thực hiện mục tiêu trở thành tỉnh phát triển thuộc nhóm dẫn đầu miền Trung theo quy hoạch, Bình Định kỳ vọng vào các dự án mang tính đột phá, thu hút được những “đại bàng” lớn.
Ký kết thỏa thuận hợp tác xây dựng, phát triển ngành trí tuệ nhân tạo, bán dẫn và an ninh mạng tại tỉnh Bình Định
Ký kết thỏa thuận hợp tác xây dựng, phát triển ngành trí tuệ nhân tạo, bán dẫn và an ninh mạng tại tỉnh Bình Định

Trí tuệ nhân tạo mở ra cơ hội đột phá

Ngày 18/8/2024, tại Khu đô thị mới Long Vân (TP. Quy Nhơn), Liên danh FPT Quy Nhơn tổ chức Lễ động thổ khởi công Dự án Trung tâm Trí tuệ nhân tạo - Đô thị phụ trợ. Dự án có quy mô hơn 93,2 ha, tổng vốn đầu tư 4.362 tỷ đồng, do 3 đơn vị tham gia, gồm Công ty cổ phần Đô thị FPT Đà Nẵng, Công ty TNHH Đầu tư FPT, Công ty TNHH Phần mềm FPT.

Đánh giá sự kiện này, ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho rằng, đây không chỉ là một bước ngoặt trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, mà còn là một minh chứng sống động cho quyết tâm của tỉnh Bình Định trong việc nắm bắt và ứng dụng những thành tựu khoa học công nghệ vào thực tiễn đời sống.

Thực tế, Bình Định có xuất phát điểm về kinh tế thấp, quy mô kinh tế của tỉnh còn rất nhỏ, nhiều chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội mới đạt ở mức trung bình của cả nước, tỉnh chưa thu hút được các dự án có quy mô đầu tư lớn, mang tính động lực, dẫn dắt nền kinh tế phát triển...

Bình Định là tỉnh có tiềm năng để phát triển công nghệ số nhờ vào vị trí địa lý, hạ tầng, nguồn nhân lực, đặc biệt là ứng dụng công nghệ số trong các ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh, như du lịch, nông nghiệp và chế biến.

- Ông Bùi Hoàng Phương, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông

Trong những năm qua, nhiều thế hệ lãnh đạo của tỉnh Bình Định luôn trăn trở để tìm một hướng đi khác biệt, tạo sự đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Để sớm đưa tỉnh phát triển nhanh và bền vững, Bình Định đã tập trung phát huy hiệu quả các nguồn lực, tiềm năng, lợi thế riêng có, đẩy mạnh phát triển công nghiệp, dịch vụ, du lịch, nông nghiệp công nghệ cao.

“Đặc biệt, từ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 18, nhiệm kỳ 2010-2015 đến nay, tỉnh luôn xác định phát triển khoa học và công nghệ là hướng đi có tính đột phá của địa phương”, ông Tuấn cho biết.

Thời gian qua, tỉnh Bình Định nhận được sự quan tâm hỗ trợ, đồng hành của các nhà khoa học, các doanh nghiệp công nghệ để hiện thực hóa khát vọng phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ.

Có thể kể đến như Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành (ICISE), Trung tâm Khám phá khoa học và Đổi mới sáng tạo, gắn liền với tâm huyết, sự hỗ trợ tích cực của vợ chồng GS. Trần Thanh Vân và GS. Lê Kim Ngọc; Dự án Công viên sáng tạo TMA do Công ty TNHH Giải pháp phần mềm Tường Minh (TMA Solutions) làm chủ đầu tư, gắn liền với sự đồng hành của TS. Nguyễn Hữu Lệ; Tập đoàn Viettel, VNPT với 2 dự án cáp quang biển dung lượng cao SJC2 và ADC cập bờ TP. Quy Nhơn…

Trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, Tập đoàn FPT đã xây dựng và đưa vào hoạt động Phân hiệu Đại học FPT tại Quy Nhơn, đào tạo chuyên sâu về trí tuệ nhân tạo; hình thành và đưa vào hoạt động Chi nhánh FPT Software tại Khu công viên Phần mềm Quang Trung - Bình Định; triển khai Dự án Tổ hợp Trung tâm nghiên cứu, sản xuất và đào tạo chuyên gia công nghệ FPT Software tại Khu đô thị Khoa học và Giáo dục Quy Hoà...

“Dự án Trung tâm Trí tuệ nhân tạo - Đô thị phụ trợ không chỉ có quy mô lớn, mà còn đánh dấu một bước tiến mới trong việc ứng dụng công nghệ cao, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo, để thúc đẩy đổi mới sáng tạo và phát triển kinh tế địa phương”, Chủ tịch tỉnh Bình Định cho hay.

Ông Tuấn cũng chia sẻ, Bình Định xem Dự án Trung tâm Trí tuệ nhân tạo - Đô thị phụ trợ của FPT là “một trong những động lực chính, khởi nguồn để thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, góp phần hiện thực hóa các mục tiêu đã đề ra trong Chương trình Hành động số 10 của tỉnh”.

Bên cạnh đó, dự án này sẽ là một trong những hạt nhân thúc đẩy phát triển đô thị thông minh, hiện đại và bền vững; giúp Bình Định đạt được mục tiêu trở thành trung tâm khoa học, công nghệ đổi mới sáng tạo của vùng và cả nước; là điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư công nghệ trong và ngoài nước.

Đánh giá tầm quan trọng của công nghệ, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT FPT cho biết: “Công nghệ có thể giúp các công ty, các thành phố, các tỉnh và thậm chí là một quốc gia phát triển vượt trội. Tôi tin rằng, Bình Định sẽ nhanh chóng trở thành trung tâm trí tuệ nhân tạo, bán dẫn của khu vực, thậm chí của thế giới”.

Theo ông Bình, điều này xuất phát từ thực tiễn hiện nay, Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng trí tuệ nhân tạo của Tập đoàn FPT tại Bình Định đang triển khai các dự án có quy mô hàng trăm, hàng ngàn, thậm chí hàng triệu USD cho khách hàng Mỹ, Nhật Bản, châu Âu.

Và để Bình Định có thể nhanh chóng trở thành trung tâm trí tuệ nhân tạo, bán dẫn của khu vực, Chủ tịch HĐQT FPT khẳng định sẽ song hành cùng tỉnh đào tạo, phát triển nguồn nhân lực trí tuệ nhân tạo và thu hút các chuyên gia trí tuệ nhân tạo hàng đầu của Việt Nam và thế giới tới Bình Định.

Khao khát đón “đại bàng”

Trong chuyến làm việc với lãnh đạo tỉnh Bình Định vào đầu tháng 8/2024, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên đánh giá, Bình Định có nhiều lợi thế phát triển về kinh tế biển, công nghiệp chế biến nông, thuỷ sản; phát triển năng lượng tái tạo và thương mại, dịch vụ logistics, du lịch biển...

Điều này xuất phát từ hệ thống hạ tầng giao thông kết nối thuận lợi cả về đường bộ, đường sắt, đường biển và đường hàng không; quỹ đất dành cho phát triển công nghiệp khá lớn (gồm 15.300 ha đất tại khu kinh tế, khu công nghiệp và gần 3.000 ha cụm công nghiệp); bờ biển dài (trên 130 km), vùng lãnh hải rộng (36.000 km2); nhiều tài nguyên khoáng sản quý và tiềm năng phát triển năng lượng (thủy điện, điện gió)…

Bộ trưởng Bộ Công thương cũng ghi nhận, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền tỉnh Bình Định đã nắm rõ và khai thác khá tốt các tiềm năng, lợi thế để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ.

Song bên cạnh những kết quả đạt được, Bộ trưởng Bộ Công thương thẳng thắn chỉ ra, sản xuất công nghiệp của Bình Định tuy tăng trưởng cao, nhưng quy mô còn nhỏ, đặc biệt còn chiếm tỷ trọng chưa cao trong cơ cấu kinh tế của tỉnh.

Cùng với đó, tỉnh chưa có dự án quy mô lớn, công nghệ hiện đại, có tính động lực phát triển theo chuỗi để dẫn dắt các ngành khác, mà chủ yếu vẫn là công nghiệp của địa phương và tập trung vào các ngành sản xuất đồ gỗ, dệt may, vật liệu xây dựng.

TS. Trần Du Lịch cũng đánh giá, hơn 10 năm qua, Bình Định là một trong những địa phương điển hình vươn lên từ khó khăn. Những gì Bình Định làm được cho đến nay là rất ấn tượng, đặc biệt trong đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế.

“Tuy nhiên, Bình Định chưa tạo được một làn sóng, một dòng đầu tư mới mạnh mẽ để khai thác tất cả thế mạnh của mình. Cho đến thời điểm này, chưa có nhiều doanh nghiệp lớn, những con sếu đầu đàn, mặc dù tỉnh cố gắng tạo điều kiện, mời gọi đầu tư. Tất cả còn đang kỳ vọng”, TS. Trần Du Lịch nhìn nhận.

Trong buổi làm việc với Bộ Công thương, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Hồ Quốc Dũng nêu thực tế, hơn 7.600 doanh nghiệp của tỉnh đều là doanh nghiệp nhỏ và vừa, nên rất khó tạo được cú hích.

Theo Bí thư Tỉnh ủy Bình Định, Tập đoàn PNE (Đức) đăng ký nghiên cứu, khảo sát để đầu tư Dự án Nhà máy điện gió ngoài khơi Hòn Trâu ở tỉnh này, với quy mô công suất 2.000 MW, vốn đầu tư khoảng 4,6 tỷ USD. Bình Định đề nghị Bộ Công thương xem xét điều chỉnh, bổ sung dự án này với công suất giai đoạn thí điểm là 750 MW do PNE đăng ký đầu tư theo Đề án Thí điểm phát triển điện gió ngoài khơi, để tỉnh có cơ sở và thuận lợi trong thu hút đầu tư.

Ông Dũng khẳng định, Tập đoàn PNE thể hiện quyết tâm đồng hành với Bình Định để thực hiện dự án và địa phương đã đeo đuổi tìm cơ chế thí điểm cho dự án này từ năm 2019.

“Đến nay, Bình Định chưa có doanh nghiệp nào đủ lớn để tạo cú hích tăng trưởng kinh tế cho tỉnh. Vì vậy, dự án này là niềm hy vọng rất lớn với Bình Định”, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định bày tỏ và mong muốn Bộ Công thương quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi giúp địa phương triển khai thí điểm dự án mới này.

Trước đề xuất của tỉnh Bình Định, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, đối với Dự án Điện gió ngoài khơi do Tập đoàn PNE (Đức) đề xuất, Bộ Công thương ủng hộ việc đầu tư và phát triển dự án trên cơ sở gắn với an ninh - quốc phòng quốc gia.

Do đó, nhà đầu tư và tỉnh Bình Định có thể cân nhắc thiết lập liên kết với tập đoàn kinh tế nhà nước của Việt Nam để quá trình đầu tư, triển khai dự án đảm bảo hiệu quả, thuận lợi.

Chủ tịch tỉnh Bình Định yêu cầu đẩy nhanh tính giá đất nhiều dự án
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định tiếp tục yêu cầu xác định giá khởi điểm Khu đất K200 và Khu đất số 72B đường Tây Sơn để sớm đưa ra đấu...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư