Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Bình Định xin chuyển hàng trăm ha đất rừng để làm điện mặt trời
Việt Hương - 22/10/2020 11:56
 
UBND tỉnh Bình Định vừa trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xin chuyển mục đích sử dụng đất rừng để xây dựng dự án điện mặt trời.

Theo đó, UBND tỉnh Bình Định gửi tờ trình đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng gần 155 ha rừng để triển khai xây dựng nhà máy điện mặt trời Phù Mỹ 1, Phù Mỹ 2 và Phù Mỹ 3.

Dự án Nhà máy điện mặt trời Cát Hiệp (công suất 49,5MWp) đã đóng điện vận hành chạy nghiệm thu và đấu nối vào lưới điện quốc gia
Dự án Nhà máy điện mặt trời đầu tiên tại tỉnh Bình Định được hòa lưới điện quốc gia. Ảnh Nhà máy điện mặt trời Cát Hiệp, Phù Cát (công suất 49,5 MWp).

Cụ thể, để xây dựng nhà máy điện mặt trời Phù Mỹ 1, UBND tỉnh Bình Định đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét, báo cáo Thủ tướng quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng 83,72 ha rừng để triển khai dự án này.

Dự án được thực hiện tại xã Mỹ Thắng và xã Mỹ An, huyện Phù Mỹ với công suất 120 MWp, diện tích đất sử dụng 123 ha và tổng mức đầu tư dự án là hơn 3.000 tỷ đồng. 

Sau khi điều tra rừng thuộc khu vực triển khai dự án, UBND tỉnh Bình Định cho biết đất trồng rừng phòng hộ được đầu tư bằng vốn ngân sách nhà nước là rừng trồng phi lao do Ban quản lý rừng phòng hộ Phù Mỹ quản lý với diện tích 80,42 ha.

Còn đất trồng rừng phòng hộ được đầu tư bằng vốn khác là do người dân đầu tư và đang sử dụng với diện tích 3,3 ha.

Đối với dự án nhà máy điện mặt trời Phù Mỹ 2, UBND tỉnh này cũng đề nghị xem xét, báo cáo Thủ tướng quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng 43,13 ha rừng để triển khai dự án.

Điện mặt trời Phù Mỹ 2 được thực hiện tại xã Mỹ Thắng, huyện Phù Mỹ với công suất 110 MWp, diện tích 106 ha và tổng mức đầu tư dự kiến 2.253 tỷ đồng. 

Hiện đất trồng rừng phòng hộ do Ban quản lý rừng phòng hộ Phù Mỹ quản lý và đang trồng phi lao với diện tích 30,95 ha và 12,18 ha đất rừng do người dân đầu tư và đang sử dụng.

Cả 2 dự án này đã có phương án trồng rừng thay thế được chủ tịch UBND tỉnh Bình Định phê duyệt vào tháng 9/2020 và đều do Công ty Cổ phần phát triển năng lượng sạch làm chủ đầu tư. Tổng vốn cả 2 dự án lên tới trên 5.000 tỷ đồng.

Đối với dự án điện mặt trời Phù Mỹ 3, Bình Định cũng xin trung ương được chuyển mục đích sử dụng 28,29 ha rừng để triển khai xây dựng nhà máy điện mặt trời.

Dự án nhà máy điện mặt trời Phù Mỹ 3 do Công ty cổ phần Phát triển năng lượng sạch làm chủ đầu tư, thực hiện tại 2 xã Mỹ Thắng và Mỹ An (huyện Phù Mỹ).

Nhà máy có công suất 100 MWp, diện tích đất sử dụng là 94,36 ha với tổng mức đầu tư dự kiến hơn 2.048 tỷ đồng. Dự án được chia làm 2 giai đoạn gồm: giai đoạn 1 thực hiện trên diện tích 56,84 ha; giai đoạn 2 thực hiện trên diện tích 37,52 ha.

Theo lãnh đạo UBND tỉnh Bình Định, việc đầu tư xây dựng dự án năng lượng điện mặt trời Phù Mỹ 1, 2, 3 với quy mô công suất lớn là hết sức cần thiết, bởi đây là dự án sử dụng năng lượng tái tạo và sạch, không phát thải khí nhà kính, không gây ra chất gây ô nhiễm môi trường.

Cuộc đua chốt giá điện mặt trời
Mặc dù còn 3 tháng nữa mới tới đích 31/12/2020, nhưng cuộc đua của các dự án điện mặt trời nối lưới để hưởng giá cố định theo Quyết...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư