Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 29 tháng 12 năm 2024,
Bình Dương giải bài toán “bẫy thu nhập trung bình”
Thanh Huyền - 14/03/2024 13:36
 
Quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đặt mục tiêu Bình Dương trở thành tỉnh có thu nhập cao vào năm 2030 và là trung tâm phát triển năng động, toàn diện.

Thách thức vượt bẫy thu nhập trung bình

Hội đồng Thẩm định quy hoạch tỉnh đã thông qua Quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với điều kiện chỉnh sửa, bổ sung. Theo các chuyên gia, thành quả 25 năm qua đã tạo ra tiền đề quan trọng giúp Bình Dương xây dựng một bản quy hoạch tích hợp giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 có chất lượng, nhằm khắc phục được những tồn tại của quá trình phát triển và khơi thông nguồn lực, tạo động lực tổng thể đưa tỉnh phát triển trong thời kỳ mới.

Từ năm 2019 đến nay, kinh tế Bình Dương chính thức vươn lên vị trí thứ 3 cả nước, chỉ đứng sau 2 thành phố trực thuộc trung ương là Hà Nội và TP.HCM. GRDP bình quân đầu người của tỉnh năm 2023 đạt 172 triệu đồng, cao gấp 1,7 lần bình quân chung của cả nước. Địa phương này đóng góp 25% kim ngạch xuất khẩu của vùng và chiếm 10% của cả nước...

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, Phó chủ tịch Hội đồng Thẩm định quy hoạch tỉnh, bên cạnh những lợi thế, kết quả đạt được, Bình Dương vẫn còn một số khó khăn, thách thức và “điểm nghẽn” cần giải quyết. Trước hết là bẫy thu nhập trung bình, cơ cấu kinh tế dịch vụ chiếm tỷ trọng thấp; sản xuất còn thâm dụng lao động.

Cùng với đó là thách thức về mô hình tổ chức không gian lãnh thổ, sự quá tải của hạ tầng giao thông; việc phát triển đô thị và hạ tầng quá tải ở khu vực phía Nam, kém hấp dẫn ở phía Bắc; cạnh tranh nội vùng và trong nước ngày một gay gắt; sự biến động quốc tế khó lường…

Thứ trưởng Trần Quốc Phương lưu ý, kịch bản phát triển xác định trong Quy hoạch cần phải đáp ứng được mục tiêu và khát vọng của tỉnh là “vượt bẫy thu nhập trung bình” và đưa Bình Dương lên tầm vóc mới trong mối tương quan vùng, quốc gia và quốc tế.

Để đạt được khát vọng trên, Bình Dương cần trở thành điểm sáng về công nghệ sáng tạo, công nghệ cao, tham gia sâu rộng các chuỗi cung ứng toàn cầu; cần xác định rõ vị thế, vai trò của Bình Dương trong mối tương quan, liên kết phát triển với các địa phương trong vùng Đông Nam bộ, Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long…

Tiên phong đổi mới sáng tạo

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh, Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 hướng tới mục tiêu đưa tỉnh sớm vượt qua các thách thức của bẫy thu nhập trung bình, tiên phong trong đổi mới sáng tạo, kết hợp với các tỉnh vùng Đông Nam bộ trở thành trung tâm động lực phát triển kinh tế của quốc gia, vươn tầm quốc tế.

Theo đó, đến năm 2030, tỉnh Bình Dương sẽ trở thành trung tâm phát triển năng động, toàn diện, là trung tâm công nghiệp dịch vụ hiện đại, đô thị phát triển bền vững theo mô hình tăng trưởng xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu; là khu vực vững chắc về quốc phòng - an ninh và hợp tác, cạnh tranh kinh tế quốc tế. Đồng thời, đưa Bình Dương vượt bẫy thu nhập trung bình, trở thành tỉnh có thu nhập cao vào năm 2030.

Đến năm 2050, Bình Dương trở thành vùng đô thị, công nghiệp, dịch vụ hiện đại, là một trong những đầu tàu thúc đẩy phát triển kinh tế quốc gia với động lực tăng trưởng chính là công nghiệp, dịch vụ, đổi mới sáng tạo, có cơ sở kinh tế vững chắc, sức cạnh tranh cao; người dân có thu nhập tương đương các nước phát triển cũng như kinh tế phát triển bao trùm, hài hòa giữa các khu vực.

Để đạt được mục tiêu trên, giai đoạn 2021 - 2030, Quy hoạch tỉnh Bình Dương đề ra 6 đột phá nhằm duy trì tăng trưởng và thực hiện kịch bản phát triển. Đó là: hoàn thành hạ tầng giao thông kết nối vùng; triển khai đồng bộ đô thị thông minh; xây dựng vùng đổi mới sáng tạo; thiết lập chính sách và phương án tái định cư; xây dựng chiến lược thương mại điện tử xuyên biên giới; xây dựng tổ hợp quy mô lớn về công nghiệp - đô thị - dịch vụ.

Góp ý cho bản Quy hoạch, TS. Nguyễn Đình Cung, chuyên gia kinh tế cho rằng, Bình Dương có thể cân nhắc, bổ sung định hướng phát triển các ngành dịch vụ về văn hóa, khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, đào tạo nhân lực chất lượng cao, vui chơi, giải trí... thành một ngành kinh tế chính trong định hướng phát triển kinh tế của tỉnh.

Ông cũng đề nghị bổ sung định hướng phát triển các khu công nghiệp chuyên ngành dành cho các ngành công nghiệp mới; bổ sung định hướng phát triển các khu công nghiệp, cụm công nghiệp gắn với phát triển tương ứng các đô thị và hạ tầng dịch vụ để hình thành hệ sinh thái công nghiệp - đô thị - dịch vụ hay đô thị - công nghiệp - dịch vụ...

Bình Dương đưa ra nhiều chính sách ưu đãi để di dời doanh nghiệp
Bình Dương đưa ra nhiều chính sách ưu đãi cho cả doanh nghiệp và người lao động nằm ngoài khu công nghiệp khi phải di dời lên khu vực phía Bắc của...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư