Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 04 năm 2024,
Bình Dương đưa ra nhiều chính sách ưu đãi để di dời doanh nghiệp
Lê Quân - 05/03/2024 22:03
 
Bình Dương đưa ra nhiều chính sách ưu đãi cho cả doanh nghiệp và người lao động nằm ngoài khu công nghiệp khi phải di dời lên khu vực phía Bắc của tỉnh (giáp tỉnh Bình Phước).

Ngày 5/3, ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương chủ trì cuộc họp để nghe báo cáo tình hình thực hiện việc di dời các doanh nghiệp nằm xen kẽ trong các khu dân cư để di dời vào các khu công nghiệp tập trung ở phía Bắc của tỉnh.

Bình Dương hiện có nhiều doanh nghiệp sản xuất nằm xen kẽ trong các khu dân cư, những doanh nghiệp này sẽ phải di dời vào khu công nghiệp tập trung ở phía Bắc của tỉnh.

Báo cáo về Dự thảo kế hoạch xây dựng chính sách hỗ trợ, ông Nguyễn Thanh Toàn, Giám đốc Sở Công thương Bình Dương cho biết sẽ có các nhóm chính sách hỗ trợ người lao động và hỗ trợ doanh nghiệp.

Trong đó, chính sách hỗ trợ người lao động bao gồm: hỗ trợ trong thời gian doanh nghiệp ngừng sản xuất; chi trả trợ cấp mất việc làm cho người lao động phải nghỉ việc do di dời; hỗ trợ đào tạo nghề đối với công nhân tại địa điểm mới; chính sách về bảo hiểm xã hội; chính sách đặc thù hỗ trợ về nhà ở xã hội đối với người lao động bị ảnh hưởng.

Chính sách hỗ trợ đối với doanh nghiệp gồm: hỗ trợ về khuyến công; hỗ trợ xúc tiến thương mại; chính sách ưu đãi đầu tư đối với dự án trong khu công nghiệp (KCN); phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; hỗ trợ vay vốn; hỗ trợ tiền thuê đất, nhà xưởng tại địa điểm mới.

Một số chính sách mới cũng được Sở Công thương đề xuất như: hỗ trợ chuyển đổi mục đích sử dụng mặt bằng, nhà xưởng, sử dụng đất phù hợp với quy hoạch tỉnh; chính sách cho nợ, giãn thời gian nộp tiền chuyển đổi mục đích sử dụng đất; hỗ trợ lãi vay đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất mới; hỗ trợ phí, lệ phí thực hiện các thủ tục hành chính.

Góp ý thêm về chính sách di dời cho doanh nghiệp, ông Nguyễn Trung Tín, Trưởng Ban Quản lý các Khu công nghiệp Bình Dương đề xuất, cần có chính sách vay vốn với mức lãi vay ưu đãi cho các doanh nghiệp phải di dời. Đối với các doanh nghiệp chưa thuộc diện bắt buộc phải di dời tỉnh cũng nên có chính sách hỗ trợ để khuyến khích doanh nghiệp di dời. Ngoài ra, các tiêu chí bắt buộc di dời cần phải liệt kê cụ thể để có cơ sở áp dụng.

Phát biểu tại cuộc họp, ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương nhấn mạnh, việc di dời, chuyển đổi công năng của các doanh nghiệp nằm ngoài khu công nghiệp phía Nam lên phía Bắc là định hướng lớn của tỉnh để xây dựng Bình Dương theo hướng phát triển bền vững, đô thị thông minh.

Đồng thời, việc di dời nhằm tái thiết lại các đô thị của tỉnh. Ông Minh yêu cầu các sở, ngành nghiên cứu xây dựng các giải pháp, công cụ khuyến khích doanh nghiệp di dời, chuyển đổi công năng, thực hiện từng bước theo lộ trình và hỗ trợ là chính, hạn chế tối đa việc cưỡng chế di dời.

Tỉnh Bình Dương có chủ trương di dời các doanh nghiệp nằm ngoài khu công nghiệp ở phía Nam (giáp TP.HCM, Đồng Nai) lên các khu công nghiệp tập trung ở phía Bắc (giáp tỉnh Bình Phước).

Theo Đề án Di dời doanh nghiệp nằm rải rác trong khu dân cư, TP. Thuận An di dời từ tháng 1/2020 đến tháng 12/2028; TP. Dĩ An từ tháng 1/2024 đến tháng 6/2030; TP. Thủ Dầu Một từ tháng 1/2024 đến tháng 6/2030; TX. Tân Uyên từ tháng 1/2024 đến 12/2029; TX. Bến Cát từ tháng 1/2024 đến 12/2030.

Có tổng cộng 2.888 doanh nghiệp thuộc diện phải di dời, với tổng số lao động là 288.481 lao động.

Số lượng các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp nằm ngoài khu công nghiệp ở Bình Dương chiếm trên 71% tổng số lượng các cơ sở sản xuất công nghiệp (không tính hộ cá thể).
Doanh nghiệp Bình Dương lo đình trệ sản xuất khi chuyển vào KCN
Nhiều doanh nghiệp thuộc diện phải di dời vào các khu, cụm công nghiệp tại Bình Dương lo lắng sẽ đình trệ sản xuất do không tuyển được lao...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư