Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Bitexco có được thoái vốn Idico?
Thu Hương - 05/06/2021 11:00
 
Việc Công ty TNHH Tập đoàn Bitexco công bố dự kiến thoái vốn khỏi Tổng công ty Idico dù nhà đầu tư chiến lược này đã cam kết nắm giữ 10 năm là sự việc chưa có tiền lệ.

Bitexco vừa đăng ký bán toàn bộ 67,5 triệu cổ phiếu của Idico (HNX: IDC), tương ứng tỷ lệ sở hữu 22,5% sau 3 năm nắm giữ. 

Vào thời điểm năm 2017, Bitexco là một trong 2 nhà đầu tư cùng với Tập đoàn SSG đủ điều kiện trở thành cổ đông chiến lược của Idico. Theo Quyết định 866/QĐ - BXD, ngày 21/8/2017 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng, nhà đầu tư chiến lược của Idico phải đáp ứng các tiêu chuẩn khá cao như tổng tài sản tối thiểu 2.500 tỷ đồng (hoặc 115 triệu USD đối với nhà đầu tư nước ngoài) vào thời điểm kết thúc niên độ tài chính 2016; vốn chủ sở hữu hợp pháp tối thiểu 1.500 tỷ đồng (hoặc 68 triệu USD đối với nhà đầu tư nước ngoài) vào niên độ tài chính năm 2016; lợi nhuận tối thiểu bằng 5% doanh thu trong 3 năm gần nhất trước thời điểm đăng ký làm nhà đầu tư chiến lược, cam kết duy trì ngành nghề kinh doanh chính trong 10 năm…

Theo đề án cổ phần hóa, Idico có số cổ phần dự kiến là 300 triệu đơn vị, tương ứng vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng. Trong đó, số cổ phần Nhà nước là 108 triệu, tương ứng tỷ lệ sở hữu 36% vốn điều lệ; cổ phần ưu đãi bán cho người lao động 1,69 triệu (0,54%); còn 55,3 triệu cổ phần sẽ được bán đấu giá công khai (tương đương tỷ lệ 18,44% vốn điều lệ); chào bán 135 triệu cổ phần (45% vốn điều lệ) cho nhà đầu tư chiến lược.

Đặc biệt, trong trình tự thủ tục lựa chọn nhà đầu tư chiến lược có quy định rõ, nhà đầu tư phải cam kết “không chuyển nhượng số cổ phần đã mua trong thời hạn tối thiểu 10 năm kể từ ngày công ty cổ phần được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu”.

Theo các tiêu chí này, Bộ Xây dựng đã thống nhất kết quả lựa chọn nhà đầu tư chiến lược CTCP Tập đoàn SSG và Công ty TNHH Tập đoàn Bitexco. Còn Tổng công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc - CTCP (KBC) bị loại do không đáp ứng đủ yêu cầu.

Báo cáo thường niên năm 2020 ghi rõ, SSG và Bitexco nắm giữ số lượng cổ phiếu bằng nhau (là 67,5 triệu cổ phần) và “bị hạn chế chuyển nhượng theo quy định pháp luật” từ ngày 1/3/2018 (là ngày thành lập công ty cổ phần).

Nhưng Đại hội đồng cổ đông thường niên của Idico ngày 28/4 vừa qua đã thông qua sửa đổi Điều lệ, trong đó bỏ quy định hạn chế chuyển nhượng cổ phiếu 10 năm với cổ đông chiến lược và các quy định về hạn chế chuyển nhượng, theo đó, các cổ đông chiến lược được chuyển nhượng cổ phần     tự do.

Chỉ 1 tháng sau khi Nghị quyết này được thông qua, Bitexco đã chuyển nhượng toàn bộ cổ phần của mình.

Câu hỏi đặt ra là liệu Đại hội đồng cổ đông Idico có quyền phủ quyết Quyết định của Bộ Xây dựng về tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư chiến lược hay không.

Theo một luật sư trong lĩnh vực chứng khoán, thỏa thuận nắm giữ cổ phần 10 năm là thỏa thuận giữa bên mua (nhà đầu tư chiến lược) và bên bán là Bộ Xây dựng  - đại diện chủ sở hữu nhà nước tại thời điểm cổ phần hóa Idico. Vì thế, sửa đổi thỏa thuận này thuộc thẩm quyền của Bộ Xây dựng. Đại hội đồng cổ đông Idico không có thẩm quyền xóa bỏ cam kết này.

Điều đáng nói, khi biểu quyết thông qua một quyền lợi có liên quan thì cổ đông chiến lược của Idico đều bỏ phiếu thông qua điều khoản sửa đổi Điều lệ có lợi cho mình. Theo Biên bản Đại hội đồng cổ đông Idico, có 89 cổ đông tham dự, đại diện cho 82,7% cổ đông có quyền biểu quyết (trên tổng số 300 triệu cổ phần, tương đương 3.000 tỷ đồng vốn điều lệ). Tỷ lệ phiếu thông qua sửa đổi điều lệ chiếm 99,994%. Như vậy, với sở hữu 45% vốn cổ phần, chỉ cần hai cổ đông chiến lược biểu quyết, thì về cơ bản, tờ trình sửa đổi Điều lệ đã được thông qua.

Tổng giám đốc một doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa bình luận rằng, thỏa thuận nắm giữ cổ phiếu Idico trong thời gian 10 năm của Bitexco là thỏa thuận với chủ sở hữu, nên về mặt logic, nếu không có điều khoản nào khác thì thỏa thuận này vẫn có hiệu lực. Đại hội đồng cổ đông Idico, gồm các cổ đông khác và cả cổ đông chiến lược không thể quyết vấn đề này.

Ông Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương bình luận, khi thời gian nắm giữ cổ phiếu là thỏa thuận mua bán, bên bán có thể khởi kiện để hủy bỏ giao dịch bán trước thời hạn của bên mua. Một luật sư khác cũng cảnh báo, rủi ro của bên mua cổ phần của Bitexco là giao dịch sẽ bị khởi kiện vô hiệu vì Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông Idico không phải là cơ sở pháp lý phù hợp.

Trong trường hợp Bitexco viện dẫn Nghị định 126/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định nhà đầu tư chiến lược chỉ bị giới hạn chuyển nhượng trong vòng 3 năm, thì Quyết định của Bộ Xây dựng không phù hợp với Nghị định khi đưa ra yêu cầu cam kết nắm giữ 10 năm cho nhà đầu tư chiến lược, hay Bộ Xây dựng có quyền đưa ra những yêu cầu cam kết khắt khe hơn quy định về thời gian tối thiểu trong Nghị định 126?

Trong tình huống này, Bộ Xây dựng mới có quyền quyết định về một thoả thuận mua bán đã có hiệu lực pháp lý tại thời điểm cổ phần hóa Idico.

Theo thông tin công bố, Bitexco dự kiến bán cổ phiếu IDC từ ngày 28/5 đến ngày 25/6, theo hình thức khớp lệnh trên sàn hoặc thỏa thuận. Hiện chưa rõ bên mua là ai, nhưng nếu giao dịch này được thực hiện, thì toàn bộ tiêu chí điều kiện như số vốn, về thời gian nắm giữ cổ phần, thời gian duy trì ngành nghề kinh doanh cốt lõi, sử dụng người lao động sau cổ phần hoá… mà Bộ Xây dựng ban hành trong Quyết định 866/QĐ - BXD ngày 21/8/2017 để tuyển chọn cổ đông chiến lược cho Idico sẽ bị vô hiệu hóa, do bên mua mới không chịu ràng buộc bởi các cam kết nói trên.

Thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp: Nhà đầu tư nước ngoài có phải là một mục tiêu?
Kế hoạch thoái vốn nhà nước của nhiều doanh nghiệp đang không thể đưa nhà đầu tư nước ngoài vào tầm ngắm. Khúc mắc nằm ở cả quy định,...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư