Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 10 tháng 12 năm 2024,
Bộ Công thương đề xuất Nghị quyết họp thường kỳ Chính phủ giao Petrovietnam khảo sát biển
Thanh Hương - 11/11/2024 14:47
 
Nêu những thách thức trong triển khai dự án điện gió ngoài khơi, Bộ Công thương kiến nghị, việc Petrovietnam thực hiện công tác nghiên cứu, khảo sát, phát triển dự án điện gió ngoài khơi sẽ được lồng ghép trong Nghị quyết phiên họp thường kỳ của Chính phủ.

Liên quan đến việc khảo sát biển phục vụ dự án điện gió ngoài khơi thí điểm của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) cũng như chỉ đạo của Chính phủ về vấn đề này, Bộ Công thương vừa có báo cáo, kiến nghị giao Bộ Tài nguyên và Môi trường tham mưu, xây dựng nội dung lồng ghép trong Nghị quyết phiên họp thường kỳ của Chính phủ giao Petrovietnam thực hiện công tác nghiên cứu, khảo sát dự án điện gió ngoài khơi.

Công trường thi công chân đế điện gió ngoài khơi tại cảng PTSC.

Đồng thời Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng được đề nghị làm nhiệm vụ tham mưu, báo cáo việc khảo sát để nghiên cứu, phát triển hoặc thực hiện dự án điện gió ngoài khơi thuộc hay không thuộc trường hợp “khai thác, sử dụng tài nguyên biển” theo khoản 2 Điều 45 Luật Biển Việt Nam và Dự án Nhà máy điện gió ngoài khơi thuộc hay không thuộc “dự án đầu tư khai thác, sử dụng tài nguyên biển” quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 8 Nghị định số 11/2021/NĐ-CP.

Bộ Công thương cũng kiến nghị giao Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chủ trì, tham mưu với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các nội dung về quốc phòng, an ninh liên quan đến việc triển khai thực hiện khảo sát của Petrovietnam.

Đối với Petrovietnam, Bộ Công thương đề nghị giao đơn vị này làm rõ mục đích khảo sát khi giao Petrovietnam thực hiện (khảo sát phục vụ giai đoạn nào của dự án đầu tư: lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, lập Báo cáo khả thi, lập thiết kế xây dựng).

Công trường thi công chân đế điện gió ngoài khơi tại cảng PTSC. 

Petrovietnam cũng sẽ được đề nghị thực hiện phân tích, đánh giá sơ bộ để luận chứng và xác định khu vực biển dự kiến phát triển dự án điện gió ngoài khơi; đánh giá sự phù hợp của cơ sở hạ tầng cảng, biển của khu vực dự kiến khảo sát khi phát triển dự án điện gió ngoài khơi; kế hoạch, phương án thực hiện khả sát khi được cấp có thẩm quyền cho phép.

Về phần mình, Bộ Công thương cũng đề nghị được giao khẩn trương cập nhật các dự án điện gió ngoài khơi vào Kế hoạch thực hiện Quy hoạch Điện VIII trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, làm cơ sở triển khai thực hiện.

Trước đó, Bộ Công thương cũng nhận xét, pháp luật hiện hành về biển, về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo chưa quy định rõ về trình tự, thủ tục và hồ sơ để xem xét việc thực hiện khảo sát phát triển điện gió ngoài khơi khi dự án chưa có quy hoạch.

Đối với dự án đã được phê duyệt quy hoạch, việc khảo sát vẫn phải thực hiện theo quy định của pháp luật về xây dựng, pháp luật về biển và nhà đầu tư được lựa chọn thực hiện.

Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng thừa nhận pháp luật hiện hành chưa quy định về trình tự, thủ tục, thời hạn giao hoặc chấp nhận tổ chức thực hiện nghiên cứu, khảo sát trên biển, không phát triển dự án điện gió ngoài khơi có vướng mắc mà còn các lĩnh vực khác (trừ khai thác dầu khí).

Hiện Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng trình Chính phủ sửa đổi bổ sung Nghị định số 11/2021/NĐ-CP, nhưng hiện Chính phủ chưa xem xét, thông qua.

Cũng liên quan đến các đề xuất của Petrovietnam về thực hiện dự án khảo sát biển, thực hiện dự án điện gió ngoài khơi thí điểm, Bộ Công thương cho rằng, tại Thông báo số 442/TB-VPCP có chỉ đạo “xem xét việc giao Petrovietnam thực hiện khảo sát điện gió ngoài khơi tại dự án cụ thể”, không đề cập đến “dự án thí điểm”. Ngoài ra, hiện tại pháp luật chưa quy định rõ việc giao Petrovietnam tổ chức thực hiện nghiên cứu hay khảo sát tại dự án điện gió ngoài khơi.

Trong kiến nghị của mình, Petrovietnam cũng đề nghị được miễn các loại thuế, phí liên quan đến việc giao khu vực biển dự kiến khảo sát; dữ liệu khảo sát sẽ được Petrovietnam toàn quyền sử dụng cho mục tiêu phát triển dự án theo chỉ đạo của cấp có thẩm quyền; chi phí thực hiện khảo sát sẽ được hạch toán và chi phí quản lý của Petrovietnam và được đưa vào tổng mức đầu tư dự án nếu được cấp có thẩm quyền phê duyệt Petrovietnam là chủ đầu tư dự án.

Tại Thông báo 442/TB-VPCP, Phó thủ tướng Bùi Thanh Sơn cũng đã kết luận, theo Quy hoạch Điện VIII, tiềm năng kỹ thuật điện gió ngoài khơi của Việt Nam là rất lớn, lên đến 600.000 MW. Mục tiêu đến năm 2030, công suất điện gió ngoài khơi phục vụ nhu cầu điện trong nước đạt khoảng 6.000 MW.
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, Kế hoạch thực hiện Quy hoạch Điện VIII (Quyết định số 262/QĐ-TTg ngày 1/4/2024) mới chỉ phân bổ phát triển điện gió ngoài khơi theo vùng là Bắc Bộ (2.500 MW); Trung Trung Bộ (500 MW); Nam Trung Bộ (2.000 MW) và Nam Bộ (1.000 MW). Kế hoạch chưa xác định dự án điện gió ngoài khơi cụ thể nào và cũng chưa có dự án nào được triển khai.
Thời gian từ nay đến 2030 không còn nhiều, do đó việc sớm triển khai các dự án điện gió ngoài khơi là rất cần thiết để bảo đảm thực hiện được mục tiêu Quy hoạch điện VIII đề ra.
Phó thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Công thương:
1. Khẩn trương phối hợp với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam để có báo cáo, đề xuất Thủ tướng Chính phủ về các nội dung, thủ tục cần thiết để xem xét việc Petrovietnam thực hiện việc khảo sát điện gió ngoài khơi tại dự án cụ thể theo Thông báo kết luận 412/TB-VPCP cuộc họp Thường thực Chính phủ ngày 12/9/2024, báo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 5/10/2024.
2. Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, tổng hợp ý kiến về các vướng mắc, vấn đề cần sửa đổi, bổ sung Luật Điện lực và các quy định pháp luật khác có liên quan để hoàn thiện dự án Luật điện lực (sửa đổi) hoặc gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, đề xuất trong dự án một Luật sửa nhiều luật, trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, tháng 10 năm 2024, củng cố hành lang pháp lý triển khai thực hiện các dự án về năng lượng, trong đó có dự án điện gió ngoài khơi.
Mông lung 6.000 MW điện gió ngoài khơi vào năm 2030
Đề án nghiên cứu thí điểm phát triển điện gió ngoài khơi phục vụ nhu cầu điện trong nước mà Bộ Công thương xây dựng cho thấy, tới năm 2030...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư