Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Bộ Công Thương: Nhập siêu 2,1 tỷ USD không đáng lo
Hải Yến - 01/10/2021 07:47
 
Đại diện Bộ Công thương cho rằng, mức nhập siêu 2,1 tỷ USD không đáng lo ngại, bởi sau các tháng 6,7 và 8 nhập siêu, cán cân thương mại đã xuất siêu 500 triệu USD trong tháng 9.
Phó cục trường Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho rằng, nhập siêu hơn 2,1 tỷ USD trong 9 tháng là không đáng lo ngại.
Phó cục trường Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho rằng, nhập siêu hơn 2,1 tỷ USD trong 9 tháng là không đáng lo.

Theo báo cáo của Bộ Công Thương tại buổi họp báo thường kỳ được Bộ Công Thương tổ chức chiều ngày 30/9, do ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid -19 khi dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch theo Chỉ thị 16, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất và chuỗi cung ứng nên kim ngạch xuất khẩu trong tháng 9 ước đạt 27 tỷ USD, giảm 0,8% so với tháng 8, giảm 0,6% so với cùng kỳ năm trước.

Dù chịu ảnh hưởng mạnh trong hai tháng gần đây, tuy nhiên, tính chung 9 tháng, kim ngạch xuất khẩu vẫn đạt 240,5 tỷ USD, tăng 18,8% so với cùng kỳ năm trước.

9 tháng đầu năm, cả nước có 31 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 92,5% tổng kim ngạch xuất khẩu (6 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 63,2%). 

Nhóm hàng công nghiệp chế biến tiếp tục đóng vai trò quan trọng, đóng góp chính vào tăng trưởng xuất khẩu chung của cả nước khi chiếm tỷ trọng 86,27% trong tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong 9 tháng năm 2021, kim ngạch xuất khẩu của nhóm hàng này ước đạt 207,5 tỷ USD, tăng 20,8% so với cùng kỳ năm trước.

Các mặt hàng "tỷ đô" đóng góp lớn vào mức tăng trưởng có thể kể đến như: sắt thép các loại, ước đạt 8,23 tỷ USD, tăng 125,4% so với cùng kỳ năm trước; máy móc thiết bị dụng cụ phụ tùng ước đạt 26,25 tỷ USD, tăng 44,5%, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện ước đạt 36,4 tỷ USD, tăng 13,1%; điện thoại các loại và linh kiện ước đạt 41,33 tỷ USD, tăng 12,4%.

Cán cân thương mại hàng hóa tháng 9 ước xuất siêu 500 triệu USD. Tính chung 9 tháng năm 2021, cán cân thương mại hàng hóa ước nhập siêu 2,13 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 16,66 tỷ USD).

Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 20,9 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 18,87 tỷ USD. 

Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu cho hay, hoạt động xuất nhập khẩu gắn chặt với sản xuất, gồm sản xuất công, nông nghiệp, khai  thác các mặt hàng nguyên nhiên liệu khoáng sản. Đậc điểm của năm 2021, từ quý 2 và 3 là dịch bệnh bùng phát rất mạnh, đặc biệt là tác động trực tiếp đến các trung tâm sản xuất công nghiệp lớn của cả nước, như Bắc Ninh, Bắc Giang cho đến các tỉnh thành phía Nam. (TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu, Long An…).

"Nếu nhìn riêng 19 tỉnh thành phía Nam, đã tương đương 45% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, điều đó cho thấy dịch bệnh tác động lớn đến khu vực này khi phải áp dụng Chỉ thị 16, thậm chí hơn cả chỉ thị 16, đã khiến hoạt động sản xuất, xuất khẩu bị ảnh hưởng nghiêm trọng", ông Hải nêu rõ.

Về con số nhập siêu hơn 2,1 tỷ USD trong 9 tháng, đại diện Cục Xuất nhập khẩu cho rằng, đây là con số không đáng lo và so với mức nhập siêu của các tháng trước đó, thì trong tháng 9, cán cân thương mại đã chuyển sang xuất siêu 500 triệu USD. Đặt trong bối cảnh vừa sản xuất vừa phòng chống dịch thì con số xuất siêu của tháng 9 là đáng mừng.

Và trên bình diện chung, xuất khẩu vẫn đạt 18,8% so với cùng kỳ năm trước, trong khi đó, cả năm 2020, kim ngạch xuất khẩu cả nước chỉ tăng khoảng 7%. 

"Chúng ta còn 3 tháng quý IV, nếu không có biến động lớn về kiểm soát dịch bệnh, hy vọng rằng 3 tháng cuối năm là thời điểm các địa phương phía Nam sẽ lấy lại đà tăng trưởng và kết thúc cả năm 2021 ở cán cân cân bằng", ông Trần Thanh Hải cho hay.

Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến nhập siêu trong 9 tháng năm 2021 là do: kinh tế thế giới phục hồi nhu cầu tăng, các doanh nghiệp của ta đã tăng lượng nhập khẩu nguyên vật liệu để phục vụ cho sản xuất, thêm vào đó, giá cả hàng hóa thế giới tăng nên giá nhập khẩu nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất tăng cao, góp phần tăng kim ngạch nhập khẩu nước ta.

Ngoài ra, giá cước vận tải biển tăng cũng làm tăng chi phí, tăng trị giá nhập khẩu. Xuất khẩu lại giảm tốc từ tháng 6 đến nay. Trong đó, tháng 6 do dịch Covid-19 tác động mạnh đến xuất khẩu của các doanh nghiệp ở Bắc Giang, Bắc Ninh; còn trong các tháng 7, 8, 9 dịch Covid-19 tác động mạnh đến xuất khẩu của các doanh nghiệp tại các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam.

Bộ Công Thương

 

Ảnh hưởng Covid-19, xuất khẩu tăng trưởng chậm lại, nhập siêu vẫn ở mức cao
Tháng 9, kim ngạch xuất khẩu giảm 2% so với tháng trước, 9 tháng tăng 24,4%. Như vậy, tốc độ tăng đã chậm lại, trong khi nhập siêu vẫn ở mức cao -...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư