Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 06 tháng 08 năm 2024,
Bộ GD&ĐT chỉ đạo sĩ số tiểu học không quá 35 học sinh/lớp: Thực tế khó thực hiện
Hưng Anh - 05/08/2024 15:00
 
Bộ GD&ĐT vừa ra công văn chỉ đạo nhiệm vụ giáo dục tiểu học năm 2024-2025 trong đó có nội dung không xếp quá 35 học sinh/lớp. Thực tế ở các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM rất khó thực hiện.

Công văn số 3898/BGDĐT-GDTH của Bộ GD&ĐT gửi các Sở GD&ĐT về việc thực hiện nhiệm vụ giáo dục tiểu học năm học 2024-2025, trong đó yêu cầu các trường đảm bảo sĩ số không quá 35 học sinh/lớp và có đủ trang thiết bị dạy học tối thiểu. 

Nội dung công văn khiến các chuyên gia giáo dục vô cùng e ngại bởi tình hình thực tế nhiều trường tiểu học ở các thành phố lớn như Hà Nội hay TP.HCM luôn trong tình trạng quá tải. Vấn đề này đã và đang khiến nhiều bậc phụ huynh và những người làm giáo dục đau đầu trong nhiều năm nay.

Năm ngoái, toàn quốc có gần 9 triệu học sinh bậc tiểu học, giảm hơn 313.000 em so với năm học trước. Sĩ số trung bình học sinh/lớp của toàn quốc là 32 học sinh/lớp, ổn định so với năm học trước. 

Tuy nhiên, một số địa phương, khu đô thị và các thành phố lớn do áp lực tăng dân số quá nhanh dẫn đến số học sinh/lớp vượt tỷ lệ quy định của Bộ GD&ĐT như: TP. Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Bình Dương... và một số thành phố, trung tâm của các tỉnh.

Việc xếp hàng từ đêm hoặc sáng sớm để xin được vào trường công cho con hoặc vào lớp chọn. Có lớp số lên đến 50, 60 học sinh không còn lạ. Vì hết quy định năm học tới bậc tiểu học không được xếp quá 35 học sinh/lớp, nhiều giáo viên, chuyên gia giáo dục cho rằng, yêu cầu này rất khó thực hiện cho dù điều đó là ước mơ của nhiều người. 

Anh Nguyễn Công Bắc (Hà Nội) cho biết con anh bước vào lớp 1, sĩ số là 46 bạn/lớp. Năm nay, số học sinh tăng thêm 4 bạn. Các lớp khác sĩ số học sinh đều không dưới 45 học sinh/lớp. 

Anh chia sẻ: “Các cháu còn nhỏ, cần không gian rộng rãi để học tập và vui đùa nhưng các trường công đều như thế, vì vậy chúng tôi cũng quen với việc lớp đông và chật chội”. 

Từng công tác tại một trường tại quận Cầu Giấy, cô giáo Thu Trang cho biết, mấy năm nay, lớp cô chủ nhiệm chưa khi nào dưới 48 học sinh, có những năm sĩ số trên 50.

Theo cô Trang, ở Hà Nội không hiếm gặp những lớp tiểu học hơn 50 học sinh, thậm chí có lớp lên tới 60. Với diện tích phòng học như hiện nay, các dãy bàn chật kín cả lối đi, gây khó khăn cho việc dạy và học. Lớp đông, giáo viên cũng không thể kiểm soát và uốn nắn kịp thời từng học sinh trên lớp. 

"Vì thế, năm học tới nếu chỉ có 35 học sinh/lớp sẽ là mơ ước của giáo viên và phụ huynh. Tuy nhiên, quy định là một việc còn thực tế lại là việc khác. Với sĩ số quá đông như hiện nay, muốn giảm buộc phải có thêm phòng học, xây thêm trường, có thêm giáo viên mới có thể san sẻ sĩ số, tách lớp. Nhưng hiện nay chỉ còn 1 tháng nữa là năm học mới bắt đầu, liệu có kịp để chuẩn bị?", cô Trang băn khoăn.

Theo cô, việc giảm sĩ số học sinh cần có lộ trình cụ thể mới có thể thực hiện. Việc áp dụng luôn trong năm học tới là rất khó.

Ý kiến của cô Trang cũng là ý kiến chung của các thầy cô giáo hiện đang giảng dạy các trường tiểu học khối công lập. Bởi để thực hiện được việc đảm bảo sĩ số 35 học sinh/lớp còn phụ thuộc rất lớn vào cơ sở vật chất và sự phân chia, chỉ đạo của nhà trường cũng như Sở GD&ĐT. 

Một điểm đáng lo ngại nữa đó là học sinh phân tách làm nhiều lớp hơn, sẽ kéo theo việc phải nhiều giáo viên hơn hoặc có sự phân bổ dạy học khác hiện tại. Tuy nhiên thực tế tại các cơ sở giáo dục còn đang thực hiện tinh giản biên chế. Vậy quyết định 35 học sinh/ lớp dường như khó thực hiện trong thời gian tới đây?. 

Trao đổi với báo chí, bà Phạm Thị Lệ Hằng - Trưởng phòng GD&ĐT quận Hà Đông (Hà Nội), cho biết, những năm trước, quận chịu nhiều áp lực về tuyển sinh ở khu đô thị mới đông dân cư nhưng không có trường học. Ví dụ như Khu đô thị Thanh Hà, theo phân tuyến tuyển sinh thuộc huyện Thanh Oai nhưng do không có trường học nên trẻ “tràn” sang quận Hà Đông. Trong kế hoạch, phải đảm bảo 100% trẻ 6 tuổi được vào lớp 1 nên có nơi, trường học phải nhận hơn 55 học sinh/lớp, điều này gây khó cho giáo viên lẫn học sinh.

Gần đây, các trường tiểu học tại quận đa số sĩ số dưới 50 học sinh/lớp, cũng đỡ áp lực về sĩ số do trường học đã được xây dựng trong khu đô thị.

“35 học sinh/lớp là điều mong muốn của nhiều trường, mơ ước của tất cả chúng ta. Tôi tin là thế. Nhưng, thực tế để làm được rất khó do quỹ đất Hà Nội có hạn, dân cư càng ngày càng tăng, các quận cũng đang cố gắng giảm sĩ số tối đa nhưng khó. Tôi mong thành phố có thể dành thêm quỹ đất cho giáo dục để đạt sĩ số lý tưởng như theo quy định hoặc thay đổi quy định số tầng với trường học, cho phép xây cao tầng hơn để có nhiều phòng học cho các trường”, bà Hằng cho hay.

Không chỉ quận Hà Đông mà các quận Thanh Xuân, Cầu Giấy, Hoàng Mai… hằng năm cũng chịu áp lực rất lớn về tuyển sinh đầu cấp do tăng dân số cơ học. Đa số các trường đều có sĩ số 40-50 học sinh/lớp, một số trường quá tải, sĩ số hơn 50 em/lớp. Nhiều năm trở lại đây, các quận đã đầu tư xây mới, sửa chữa, cơi nới thêm phòng học, tách trường, tuy nhiên sĩ số lớp học giảm chưa đáng kể.

Theo Sở GD&ĐT Hà Nội, quy hoạch mạng lưới trường học đang được cập nhật vào quy hoạch chung của thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó, trường mầm non, tiểu học, THCS đã được phân bố đủ ở các xã, phường, thị trấn. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn một số phường trong các quận nội thành thiếu trường công lập do hết quỹ đất…

Không chỉ ở Hà Nội, mà tại các tỉnh phía nam, đặc biệt là các thành phố lớn như TP.HCM để giải quyết bài toán đạt chỉ tiêu 35 học sinh/ lớp cấp tiểu học còn là chặng đường khá xa bởi còn nhiều vấn đề cần giải quyết. 

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư