Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Bò giống “cõng” niềm vui về bản nghèo
Nhã Nam - 08/05/2015 10:41
 
Chương trình “Bò giống giúp người nghèo biên giới” đã và đang được triển khai mạnh mẽ, mang lại niềm vui cho người nghèo vùng cao, giúp họ có cơ hội lớn thoát nghèo bền vững.

Với vốn tiếng Kinh chưa sõi, anh Lý A Kho, 31 tuổi, ở xã Vàng Ma Chải, huyện Phong Thổ tỉnh Lai Châu kể, năm ngoái gia đình anh được tặng một con bò và giờ đang rất khỏe mạnh. “Nó giúp tôi làm nương”, Lý A Kho cười, ánh mắt sáng lên niềm vui.

Nhà nghèo, lại có tới 3 người con, Lý A Kho bao lâu nay vất vả đủ đường. Anh chẳng mấy khi có tiền mua phân bón và giống cây trồng, cũng chẳng có vốn để chăn nuôi lợn, gà, trâu bò. Nhà không có tài sản nào quý, bốn bề trống huơ trống hoác. Nhưng giờ, nhà Lý A Kho đã có con bò, một tài sản quý mà có nằm mơ anh cũng chưa bao giờ nghĩ có một ngày mình được sở hữu nó. Mỗi con bò có giá 15 triệu đồng, nhưng quan trọng hơn, bò đã thay Lý A Kho làm sức kéo, bò giúp Lý A Kho làm nương và mang lại niềm vui cho cả gia đình Lý A Kho.

Chương trình “Bò giống giúp người nghèo biên giới” đã trao cho những hộ dân nghèo “chiếc cần câu” để họ sớm thoát nghèo
Chương trình “Bò giống giúp người nghèo biên giới” đã trao cho những hộ dân nghèo “chiếc cần câu” để họ sớm thoát nghèo

 

Không chỉ gia đình Lý A Kho, mà Thào A Chơ, 30 tuổi, ở bản Chóp Ly, xã Keo Lôm, huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên cũng thế. Nhà nghèo, chẳng có tài sản nào quý, Thào A Chơ cũng làm gì có tiền để mua phân, giống chăn nuôi, trồng trọt? Nhưng cũng giống như nhà Lý A Kho, nhờ có Chương trình Bò giống giúp người nghèo biên giới, do Chủ tịch nước Trương Tấn Sang phát động và Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) là đơn vị đảm bảo kinh phí mua bò, nhà Thào A Chơ đã được tặng một con bò để chăn nuôi, đem lại hy vọng thoát nghèo cho cả gia đình anh. “Có bò, nương rẫy cho thóc nhiều hơn. Con bò đó cũng vừa đẻ thêm 1 con bò giống nữa. Được hơn một tháng rồi”, Thào A Chơ khoe.

Còn ông Nguyễn Văn Vàng, Chủ tịch xã Xín Cái (huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang) thì bảo, chẳng cứ người dân vui sướng, mà cán bộ xã cũng thấy sướng vì dân được tặng bò. “Tặng bò là thiết thực lắm. Ở dưới xuôi, con trâu là đầu cơ nghiệp, thì ở trên này, con bò cũng như vậy. Dân nghèo có bò để làm sức kéo, phát triển kinh tế gia đình nên ai cũng phấn khởi”. Ông Vàng nói kể thêm, ở Xín Cái đã có 19 gia đình được tặng bò, ai cũng mừng. “Bò của nhà Phàn Vàng Páo ở xóm Lùng Thàng cũng đẻ được 1 con bò nữa rồi đấy”, Chủ tịch xã Nguyễn Văn Vàng hồ hởi.

Khó nói hết được niềm vui của bà con nghèo vùng cao khi được tặng bò. Và cũng khó nói hết được ý nghĩa của Chương trình Bò giống giúp người nghèo biên giới. Mỗi con bò được trao tặng là thêm niềm vui, từ người nhận, người trao, từ các nhà hảo tâm và các lãnh đạo địa phương... Bởi không chỉ tặng cho con cá (là thực phẩm, giống cây trồng, quần áo...), “Bò giống giúp người nghèo biên giới” đã trao cho những hộ dân nghèo “chiếc cần câu” để họ sớm thoát nghèo.

Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng Giám đốc Viettel cho biết, Tập đoàn đặt mục tiêu hoàn thành chương trình trao tặng 24.000 con bò giống (trị giá 360 tỷ đồng) cho hộ nghèo 11 tỉnh biên giới ngay trong năm 2015 này, rút ngắn một nửa thời gian thực hiện so với dự kiến ban đầu.

Hiện tại, sau 10 tháng thực hiện, Chương trình đã hình thành được quỹ bò lên tới hơn 13.000 con, trong đó hơn 7.000 con đã được trao tận tay người nghèo biên giới - những con số thực sự ấn tượng, phải nói là thần tốc. Cách làm mới, lấy kinh phí từ phát triển và phổ cập các dịch vụ viễn thông được cho là bước đi hợp lý giúp chương trình thành công hơn dự kiến. Theo đó, mỗi khách hàng tự nguyện đăng ký 01 dịch vụ di động trả sau của Viettel, dù chưa thu về đồng doanh thu nào, Tập đoàn vẫn trích ngay 1 triệu đồng để mua bò tặng đồng bào nghèo biên giới”.

Chương trình trao tặng bò giống được xem là một cách thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp sáng tạo, hiệu quả. Bởi cách làm này không chỉ khuyến khích được cả xã hội chung tay làm điều tốt, mà về lâu dài giúp doanh nghiệp phát triển bền vững. Đối tượng thụ hưởng là hộ nghèo vùng biên giới- những người trực tiếp gìn giữ phên dậu của quốc gia. Cách làm này, trên thực tế đã được nhiều doanh nghiệp áp dụng và đều thành công, bền vững.

Được biết, không chỉ tặng bò cho hộ nghèo, Viettel còn hỗ trợ xi măng để bà con láng chuồng trại, cải tạo nơi ở; tặng chăn, bạt che chuồng giúp giữ ấm cho đàn bò trong mùa đông giá rét tại một số địa phương. Đầu tháng 3 vừa rồi, 13.000 tấn xi măng đã được trao cho người dân tại 6 tỉnh Tây Bắc (gồm Quảng Ninh, Lạng Sơn, Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên, mỗi tỉnh 2.000 tấn) và Cao Bằng (1.000 tấn). Trước đó, vào tháng 12/2014, tỉnh Cao Bằng cũng đã được Viettel hỗ trợ 2.000 tấn xi măng.

Đó cũng chính là cách thực hiện trách nhiệm xã hội thực sự có tâm, “nhìn thấy ở đâu có khó khăn cũng muốn giúp” như chia sẻ của một vị lãnh đạo cấp cao của Viettel trong một lần gặp gỡ báo giới.

Tổng giám đốc Viettel: Không chấp nhận sự trung bình
 Chiều 11/3/2015, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương đã có cuộc làm việc với lãnh đạo Tập đoàn Viễn...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư