Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Bộ GTVT muốn giao ACV đầu tư mở rộng cảng hàng không Điện Biên
Anh Minh - 23/08/2019 08:53
 
Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam – CTCP (ACV) có khả năng vượt qua hãng hàng không Vietjet để được chọn là nhà đầu tư Dự án mở rộng cảng hàng không Điện Biên.
Cảng hàng không Điện Biên hiện chỉ đón được tàu bay ATR72
Cảng hàng không Điện Biên hiện chỉ đón được tàu bay ATR72

Bộ GTVT vừa có thông báo số 298/TB – BGTVT thông báo kết luận của Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể tại cuộc họp về việc triển khai đầu tư mở rộng Cảng hàng không Điện Biên. Cuộc họp này diễn ra vào ngày 9/8 với sự tham gia của cả Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên; đại diện Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Theo đó, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đề nghị Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo ACV khẩn trương có văn bản báo cáo Bộ GTVT phương án triển khai đầu tư mở rộng Cảng hàng không Điện Biên trên cơ sở các tài liệu, nghiên cứu trước đây, trong đó làm rõ những thuận lợi, khó khăn và đề xuất giải pháp cụ thể.

ACV cũng được yêu cầu triển khai ngay các thủ tục chuẩn bị đầu tư mở rộng Cảng hàng không Điện Biên để trình duyệt theo quy định song song với việc Bộ GTVT trình Thủ tướng Chính phủ xem xét giao ACVđầu tư.

“ACV phải phối hợp với các cơ quan của Bộ (Vụ Kế hoạch - Đầu tư, Cục Hàng không Việt Nam) khẩn trương xây dựng kế hoạch tổng thể triển khai đầu tư mở rộng Cảng hàng không Điện Biên, phấn đấu khởi công xây dựng vào cuối năm 2020”, Bộ trưởng Thể chỉ đạo.

Người đứng đầu Bộ GTVT cũng phân công Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn trên cơ sở báo cáo của ACV chỉ đạo việc xin ý kiến thống nhất của tỉnh Điện Biên và Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, để Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét giao Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam đầu tư Cảng hàng không Điện Biên theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Bộ trưởng Thể cũng yêu cầu tỉnh Điện Biên sớm có văn bản chính thức gửi Bộ GTVT khẳng định sự cần thiết đầu tư mở rộng Cảng hàng không Điện Biên và cam kết bố trí nguồn kinh phí của tỉnh cho thực hiện công tác giải phóng mặt bằng để Bộ có căn cứ pháp lý báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Trước đó, cả Vietjet và ACV cùng gửi đề xuất tới Bộ GTVT, UBND tỉnh Điện Biên xin đầu tư mở rộng cảng hàng không Điện Biên.

Theo lãnh đạo ACV, doanh nghiệp này đã cân đối đủ vốn để đầu tư đồng bộ cảng hàng không Điện Biên, bao gồm cả khu bay và khu hàng không dân dụng, sẵn sàng đầu tư theo quy hoạch.

Trong khi đó, vào tháng 2/2019, ông Mùa A Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên vừa ký công văn số 242/UBND – TH đề nghị Bộ GTVT tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ phương án đầu tư nâng cấp, cải tạo Cảng hàng không Điện Biện do Vietjet đề xuất.

Theo đó, Cảng hàng không Điện Biên hiện chỉ đón được tàu bay ATR72 sẽ được đầu tư đồng bộ các công trình kết cấu hạ tầng, khu bay, đường giao thông kết nối, đường nội bộ, hàng rào cảng và xây mới Khu Nhà ga hành khách.

Những điểm nhấn quan trọng nhất trong đề xuất nâng cấp, cải tạo sân bay Điện Biên của hãng hàng không tư nhân lớn nhất Việt Nam là sẽ xây dựng mới 1 Nhà ga hành khách hiện đại, 2 cao trình, diện tích sàn khoảng 16.000 m2, công suất 2 triệu hành khách/năm, 800 hành khách/giờ; xây dựng mới đường cất hạ cánh kích thước 2.400m x 45 m, kết cấu bê tông xi măng có thể đón được tàu bay A320/B737; xây mới sân đỗ tàu bay có diện tích 21.000 m2, đảm bảo đỗ cùng lúc 4 tàu bay A320/B737.

Tổng mức đầu tư Dự án là 4.465 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng là 2.242 tỷ đồng (nhà ga hành khách 693,8 tỷ đồng, khu bay 807 tỷ đồng...); chi phí thiết bị 394 tỷ đồng; GPMB là 1.101 tỷ đồng; chi phí QLDA là 21 tỷ đồng; lãi vay 103 tỷ đồng...

Vietjet đề xuất Nhà nước sẽ tham gia vào Dự án khoảng 2.610 tỷ đồng, tương đương 58,5% tổng mức đầu tư; phần Nhà đầu tư góp vốn là 1.855 tỷ đồng, tương đương 41,5% tổng mức đầu tư.

Liên quan đến hình thức đầu tư, Vietjet đề nghị công tác GPMB, tái định cư sẽ do UBND tỉnh Điện Biện sắp xếp, bố trí vốn; các công trình khu bay (đường cất hạ cánh, sân đỗ máy bay, đường lăn nối) sẽ sử dụng 100% ngân sách. Trong điều kiện ngân sách khó khăn, Vietjet sẵn sàng thu xếp phần vốn để đầu tư các công trình khu bay nhưng không tham gia vào các hạng mục này để đảm bảo sự chủ động, đáp ứng tiến độ đề ra (hoàn thành dự án vào năm 2021). Đài kiểm soát không lưu cũng sẽ được xây mới bằng nguồn vốn ngân sách.

Đối Khu nhà ga hành khách, Vietjet đề xuất áp dụng theo hình thức BOT, thời gian thực hiện hợp đồng là 55 năm.

Đặc biệt, Vietjet khẳng định ACV vẫn sẽ tiếp tục là người khai thác cảng tại Cảng hàng không Điện Biên và thực hiện đầy đủ trách nhiệm quản lý, vận hành, khai thác sân bay này theo các quy định pháp luật có liên quan. Riêng đối với Nhà ga hành khách, ACV sẽ phối hợp với nhà đầu tư được lựa chọn và sử dụng đội ngũ cán bộ, nhân viên đang làm việc tại Nhà ga hiện hữu. Nhà đầu tư sẽ trả cho ACV một khoản phí nhượng quyền hàng năm trên cơ sở thỏa thuận giữa các bên.

UBND tỉnh Điện Biên đề xuất Vietjet đầu tư Cảng hàng không Điện Biên
Cảng hàng không Điện Biên sẽ được đầu tư lớn để cải tạo, nâng cấp đồng bộ để có thể đón được tàu bay A320/B737.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư