Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Bộ NN&PTNT: Dự kiến tháng 10 tiền đền bù của Formosa sẽ đến các địa phương
Thùy Liên - 01/09/2016 22:57
 
Sau khi Formosa hoàn thành việc chuyển 500 triệu USD tiền bồi thường, bao giờ số tiền này sẽ đến tay người dân? Trả lời báo chí chiều nay, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn cho hay, Bộ NN&PTNT đang yêu cầu các địa phương khẩn trương thống kê xong thiệt hại trước 15/9 để Bộ tổng hợp và trình Chính phủ phân bổ kinh phí. Khoảng đầu tháng 10, số tiền đền bù sẽ được chuyển về cho các địa phương để đền bù cho người dân.

Cuối tháng 8/2016, Thứ trưởng Tài chính Nguyễn Hữu Chí cho biết, Formosa đã chuyển vào kho bạc Nhà nước 250 triệu USD tiền bồi thường, 250 triệu USD còn lại Formosa cam kết sẽ chuyển trong ngày 28/8. Như vậy, đến thời điểm này, Formosa đã hoàn tất chuyển 500 triệu USD do đã gây ra sự cố môi trường nghiêm trọng ở 4 tỉnh miền Trung, khiến đời sống của người dân ở các địa phương này bị thiệt hại nặng nề.

Câu hỏi được dư luận quan tâm nhất hiện nay là bao giờ số tiền đền bù này sẽ đến được tay người dân ?

Trả lời câu hỏi của báo chí chiều nay (1/9), ông Nguyễn Ngọc Oai, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sảncho hay, để có căn cứ bồi thường, Bộ NN&PTNT đã sớm gửi văn bản đề nghị các địa phương yêu cầu thống kê thiệt hại. Ngày 29/8 vừa qua, lãnh đạo Bộ NN&PTNT cũng đã họp bàn với lãnh đạo 4 tỉnh miền Trung, lắng nghe các địa phương báo cáo về công tác thống kê thiệt hại. Các địa phương đánh giá cao về văn bản hướng dẫn khá chi tiết của Bộ NN&PTNT. Tuy nhiên, công tác thống kê gặp nhiều khó khăn vì có nhiều đối tượng liên quan.

“Theo kế hoạch, đến ngày 15/9, các địa phương phải thống kê xong thiệt hại để gửi về Bộ NN&PTNT. Cuối tháng 9, Bộ sẽ tổng hợp xong, trình Chính phủ để phân bổ kinh phí đền bù cho các địa phương. Chúng tôi đang hết sức khẩn trương, dự kiến đầu tháng 10 kinh phí bồi thường sẽ được đưa đến các địa phương để chuyển cho người dân”, ông Oai cho hay.

Liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Hà Công Tuấn cho biết thêm, quan tâm đến đời sống của người dân là trách nhiệm của Chính phủ. Ai cũng muốn tiền đền bù đến tay người dân một cách nhanh nhất, tuy nhiên, cái khó là làm sao phải vừa nhanh, vừa đảm bảo công bằng. Trong quá trình thực hiện phải đảm bảo các tổ chức, cá nhân, đặc biệt là những tổ chức, cá nhân bị thiệt hại trực tiếp do môi trường biển phải được kê khai, xác định không sót đối tượng, những thiệt hại đều phải được bồi thường, hỗ trợ đúng theo quy định và đảm bảo công khai, minh bạch. 

“Trách nhiệm của Bộ NN&NT là làm nhanh nhưng không để xảy ra những hệ lụy khác. Tổng cục Thủy sản khẩn trương xây dựng Đề án hỗ trợ. Trong đó có phương thức, đối tượng hỗ trợ và đề xuất các tiêu chí về mức hỗ trợ. Còn việc tổ chức hỗ trợ là do chính quyền địa phương thanh toán trực tiếp với người dân. Trách nhiệm của Bộ hiện nay là đẩy nhanh hơn việc sớm có Đề án để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tiếp tục đôn đốc các địa phương rà soát các hộ thuộc đối tượng được hỗ trợ, đảm bảo công bằng.  Kỳ vọng đặt ra là tháng 10/2016, song cũng cần phải đợi các địa phương hoàn thành công tác thống kê thiệt hại”, Thứ trưởng Hà Công Tuấn nói.

Lãnh đạo Bộ NN&PTNT cũng cho biết thêm, căn cứ kiến nghị của các địa phương và kết quả rà soát đối tượng hỗ trợ, Bộ đã bổ sung thêm 4 đối tượng được nhận hỗ trợ theo văn bản vừa được Bộ ký ban hành ngay trong hôm nay. 

Theo đó, các đối tượng được bổ sung thêm gồm: chủ tàu và người lao động trên tàu có công suất 90 CV trở lên; Chủ cơ sở thu mua có kho đông lạnh và người làm thuê tại các cơ sở này; Các chủ ao đầm nuôi thủy sản mà trong thời gian sự cố môi trường biển xảy ra đang phải sửa chữa hoặc chờ lấy nước vào nuôi thủy sản và cuối cùng là người làm nước mắm, muối.

Được biết, cùng với việc đẩy nhanh thống kê thiệt hại của người dân, ngay sau khi nhân được văn bản của Bộ Tài nguyên và Môi trường, xác nhận môi trường nước biển 4 tỉnh miền trung đủ an toàn cho nuôi trồng thủy sản (ngày 22/8), Bộ NN&PTNTcũng đã lập tức văn bản chỉ đạo các tỉnh nuôi trồng thủy sản trở lại bình thường.

Báo cáo của Chính phủ về vụ Formosa: Giám sát FDI từ góc độ bảo vệ môi trường là rất cấp bách
Đó là khẳng định trong báo cáo của Chính phủ vừa gửi đến các vị đại biểu Quốc hội Báo cáo tình hình, nguyên nhân, hậu quả và giải pháp...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư