Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 23 tháng 12 năm 2024,
Bộ Quốc phòng: Nâng hạn tuổi phục vụ tại ngũ đã tiệm cận mức cao nhất
Nguyễn Lê - 05/11/2024 11:05
 
Bộ Quốc phòng khẳng định, Dự thảo luật sửa đổi, bổ sung Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam sẽ nâng hạn tuổi phục vụ tại ngũ đã tiệm cận cao nhất từ trước đến nay so với quy định của Bộ luật Lao động.
.
Phiên họp sáng 5/11 của Quốc hội.

Tiếp tục Kỳ họp thứ tám, sáng 5/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam.

Trước đó, Dự thảo luật đã được Quốc hội thảo luận tại tổ chiều 28/10. Một trong những vấn đề được đại biểu Quốc hội quan tâm là nâng tuổi nghỉ hưu của sĩ quan quân đội.

Có ý kiến đại biểu đề nghị phân biệt tuổi giữa nam và nữ cấp đại tá và cấp tướng; quy định lộ trình tăng tuổi tương tự như Điều 169 Bộ luật Lao động.

Báo cáo dự kiến tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội, cơ quan soạn thảo dự án luật - Bộ Quốc phòng nêu, sĩ quan quân đội công tác ở nhiều ngành đặc thù khác nhau như phi công, tàu ngầm, đặc công, hóa học…

Họ phải thường xuyên trực tiếp chỉ huy, quản lý, huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu trong điều kiện khó khăn, gian khổ, các đơn vị đóng quân làm nhiệm vụ ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, biển đảo...

Theo Bộ Quốc phòng, nếu tăng tuổi bằng tuổi nghỉ hưu theo Bộ luật Lao động hoặc bằng tuổi nghỉ hưu của sĩ quan công an sẽ không bảo đảm cho sĩ quan, nhất là sĩ quan ở các đơn vị đủ quân, sẵn sàng chiến đấu có đủ sức khỏe để hoàn thành nhiệm vụ.

Mặc khác, do cơ cấu, tổ chức biên chế, quân đội hằng năm vẫn phải tuyển sinh quân sự để sắp xếp và trẻ hóa đội ngũ cán bộ cấp phân đội, nếu tăng thêm tuổi so với dự thảo luật sẽ gây ùn tắc, dôi dư trong đội ngũ sĩ quan.

Bộ Quốc phòng khẳng định, dự thảo luật sửa đổi, bổ sung lần này nâng hạn tuổi phục vụ tại ngũ đã tiệm cận cao nhất từ trước đến nay so với quy định của Bộ luật Lao động.

Với ý kiến đề nghị phân biệt tuổi giữa nam và nữ cấp đại tá và cấp tướng, Bộ Quốc phòng giải thích, hiện nay, toàn quân có 1 nữ sĩ quan bậc thiếu tướng (là Phó giáo sư, Tiến sĩ y học) và khoảng 2% nữ sĩ quan cấp đại tá so với tổng số sĩ quan cấp đại tá.

Những nữ sĩ quan đại tá này chủ yếu công tác ở cơ quan cấp chiến lược, các học viện, nhà trường, trung tâm nghiên cứu khoa học, bệnh viện, đơn vị văn hóa nghệ thuật và có trình độ cao (Phó giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ chuyên khoa II, nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú), cơ bản thuộc đối tượng kéo dài thời hạn phục vụ tại ngũ 5 năm theo quy định của dự thảo luật.

Độ tuổi cao nhất trong số nữ sĩ quan cấp đại tá hiện nay có 13 người 53 tuổi, nên đến năm 2029 là 58 tuổi, phù hợp với tuổi nghỉ hưu theo quy định của Bộ luật Lao động.

Theo Bộ Quốc phòng, thực tiễn từ khi thành lập quân đội nhân dân Việt Nam đến nay, quân đội mới có 7 nữ là sĩ quan cấp tướng, trong đó có 4 tiến sĩ, bác sĩ (thời kỳ cao nhất có 3 nữ sĩ quan cấp tướng cùng công tác, hiện tại chỉ có 1 người đang công tác).

Dự thảo luật không phân biệt tuổi phục vụ tại ngũ giữa nam với nữ và không quy định lộ trình tăng hạn tuổi phục vụ cao nhất đối với nữ sĩ quan có quân hàm đại tá là phù hợp với thực tiễn, Bộ Quốc phòng khẳng định.

Theo lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu (Điều 4, Nghị định số 135 ngày 18/11/2020 của Chính phủ), tuổi nghỉ hưu của lao động nữ năm 2024 là 56 tuổi 4 tháng, sau đó mỗi năm tăng 4 tháng, đến năm 2029 là 58 tuổi, năm 2035 là 60 tuổi.

Hiện nay, hạn tuổi phục vụ tại ngũ của nữ sĩ quan cấp thượng tá trở xuống (chủ yếu là sĩ quan có trình độ chuyên môn cao: Phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ chuyên khoa II…, đào tạo chuyên sâu, đặc thù) theo quy định tại dự thảo luật vẫn thấp hơn tuổi nghỉ hưu của Dự thảo luật vẫn thấp hơn tuổi nghỉ hưu của lao động nữ nên không cần thiết quy định lộ trình tăng tuổi.

Dự thảo luật đề xuất nâng hạn tuổi phục vụ tại ngũ của sĩ quan quân đội cấp úy, cấp tá lên 1- 4 năm. Cụ thể, với cấp úy, hạn tuổi cao nhất của sĩ quan tại ngũ (tuổi nghỉ hưu) tăng từ 46 tuổi lên 50 tuổi. Thiếu tá từ 48 tuổi lên 52 tuổi. Trung tá từ 51 tuổi lên 54 tuổi. Thượng tá từ 54 lên 56 tuổi. Đại tá từ 57 tuổi (đối với nam) và 55 tuổi (đối với nữ) lên 58 tuổi (không phân biệt nam, nữ)

Cấp tướng vẫn giữ nguyên là 60 tuổi đối với nam, đối với nữ tăng từ 55 tuổi lên 60 tuổi. Khi quân đội có nhu cầu, sĩ quan có đủ phẩm chất về chính trị, đạo đức, giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ, sức khỏe tốt và tự nguyện thì có thể được kéo dài tuổi phục vụ tại ngũ không quá 5 năm.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư