Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 10 tháng 12 năm 2024,
Bỏ quy định phòng cháy chữa cháy là ngành kinh doanh có điều kiện
Thùy Liên - 29/11/2024 09:26
 
Sáng nay (29/11), Quốc hội đã thông qua Luật PCCC và CNCH. Luật đã bãi bỏ quy định phòng cháy chữa cháy là ngành kinh doanh có điều kiện và cắt giảm tới 27/37 thủ tục hành chính trong lĩnh vực này, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.
TIN LIÊN QUAN
f
Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới trình bày Báo cáo giải trình

Với 448/450 đại biểu tán thành, sáng nay, Quốc hội thông qua Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC và CNCH). 

So với dự thảo Luật trình Quốc hội cho ý kiến đầu Kỳ họp thứ 8 thì dự thảo Luật trình Quốc hội thông qua có 55 điều (giảm 04 điều).

Trong báo cáo giải trình, tiếp thu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, dự thảo Luật trình Quốc hội thông qua đã bổ sung một số quy định so với dự thảo Luật do Chính phủ trình nhằm giải quyết vấn đề thực tiễn đặt ra trong thời gian dài mà chưa có giải pháp xử lý hoặc chưa được xử lý dứt điểm.

Cụ thể, Luật bổ sung quy định phòng cháy đối với công trình xây dựng trong quá trình thi công, quy định về PCCC, CNCH tình nguyện.

Luật cũng bổ sung quy định đối với nhà ở tại thành phố trực thuộc trung ương mà thuộc khu vực không bảo đảm hạ tầng giao thông hoặc nguồn nước phục vụ chữa cháy theo quy định của pháp luật, quy chuẩn kỹ thuật trong hoạt động PCCC thì phải trang bị bình chữa cháy, thiết bị truyền tin báo cháy kết nối với hệ thống cơ sở dữ liệu về PCCC, CNCH và truyền tin báo cháy theo lộ trình do Chính phủ quy định; đối với nhà ở tại khu vực khác thì khuyến khích trang bị thiết bị truyền tin báo cháy, kết nối với hệ thống cơ sở dữ liệu về PCCC, CNCH và truyền tin báo cháy.

Ngoài ra, Luật còn bổ sung quy định chuyển tiếp tại Điều 55 để cho phép thực hiện chuyển tiếp các nội dung sau khi Luật này có hiệu lực thi hành có liên quan đến giấy tờ đã cấp, các hoạt động đang thực hiện, các thủ tục có liên quan; bổ sung quy định về xử lý đối với các cơ sở không bảo đảm yêu cầu về phòng cháy và chữa cháy và không có khả năng khắc phục theo các tiêu chuẩn quy chuẩn kỹ thuật tại thời điểm đưa vào hoạt động đến trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành.

Ủy ban Thường vụ cũng đã chỉ đạo rà soát, lược bỏ những quy định về hành vi bị nghiêm cấm trong dự thảo trình Quốc hội đầu Kỳ họp thứ 8 mà không hoặc khó bảo đảm tính khả thi, không phù hợp với thực tiễn, ví dụ như các hành vi: không báo cháy; không tham gia chữa cháy và CNCH khi có khả năng... 

Đặc biệt, Luật PCCC và CNCH được thông qua sáng nay đã cắt giảm mạnh thủ tục hành chính, điều kiện đầu tư sản xuất, kinh doanh, giảm chi phí tuân thủ, tạo thuận lợi cao nhất cho người dân và doanh nghiệp.

Cụ thể, Luật  đã cắt giảm 27 thủ tục hành chính trong lĩnh vực PCCC và CNCH (từ 37 thủ tục hành chính đang thực hiện xuống còn 10 thủ tục hành chính). 

Đối với hoạt động thẩm tra thiết kế về PCCC, UBTVQH đã chỉ đạo bãi bỏ các quy định liên quan đến thẩm tra thiết kế về PCCC tại Điều 14 dự thảo Luật do Chính phủ trình nhằm cắt giảm bớt khâu trung gian, tạo thuận lợi, thông thoáng hơn cho người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục thẩm định thiết kế về PCCC.

Thực hiện chủ trương của Đảng về việc “đẩy mạnh xã hội hóa công tác phòng cháy, chữa cháy”, tạo điều kiện thông thoáng hơn nữa cho cơ sở, doanh nghiệp trong hoạt động tư vấn, thiết kế, thi công, sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh phương tiện, thiết bị phòng cháy chữa cháy, khuyến khích cá nhân, tổ chức tham gia các hoạt động PCCC và CNCH, trong dự thảo Luật trình Quốc hội thông qua sáng nay, UBTVQH đã chỉ đạo bỏ quy định kinh doanh dịch vụ PCCC là ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện trong dự thảo Luật này, đồng thời đề nghị sửa đổi Luật Đầu tư số 61/2020/QH14 nhằm bỏ quy định này tại mục số 11 Phụ lục IV của Luật Đầu tư.

Luật PCCC và CNCH được Quốc hội thông qua sáng nay có 24 nội dung giao Chính phủ quy định, 7 nội dung giao Bộ trưởng Bộ Công an quy định, 1 nội dung giao Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định, 1 nội dung giao Bộ Giáo dục Đào tạo, Bộ Lao động, Thương binh - Xã hội quy định.  

Đối với những vấn đề mới, thực tiễn biến động thường xuyên, chưa ổn định thì Luật chỉ quy định khung, mang tính nguyên tắc và giao Chính phủ, các Bộ, chính quyền địa phương quy định để bảo đảm linh hoạt trong điều hành, phù hợp với thực tiễn.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư