Thứ Sáu, Ngày 02 tháng 05 năm 2025,
Bổ sung điều kiện để hạn chế rủi ro thanh toán của trái phiếu riêng lẻ
Nguyễn Lê - 02/05/2025 10:19
 
Với tinh thần thận trọng nhưng không làm mất cơ hội của doanh nghiệp, tại Dự thảo sửa đổi một số điều Luật Doanh nghiệp, Bộ Tài chính đề xuất bổ sung điều kiện doanh nghiệp chỉ được phát hành trái phiếu riêng lẻ nếu tổng nợ phải trả không quá 5 lần vốn chủ sở hữu.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến sửa đổi Luật Doanh nghiệp.

Tổng nợ phải trả không được quá 5 lần vốn chủ sở hữu

Chuẩn bị trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ chín, Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Doanh nghiệp đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trong Phiên họp thứ 44. Ở lần sửa đổi này, Dự thảo bổ sung quy định siết việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ.

Theo Dự thảo, doanh nghiệp chỉ được phát hành trái phiếu riêng lẻ khi tổng nợ phải trả không quá 5 lần vốn chủ sở hữu (theo báo cáo tài chính gần nhất). Quy định này không áp dụng với tổ chức phát hành là doanh nghiệp nhà nước, đơn vị phát hành trái phiếu để làm dự án bất động sản, ngân hàng, bảo hiểm, công ty môi giới bảo hiểm, chứng khoán, quản lý quỹ đầu tư.

Bộ Tài chính, cơ quan chủ trì soạn thảo Dự án luật, trong báo cáo phục vụ phiên thẩm tra của Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội vừa qua, giải thích rằng, việc giới hạn khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ của công ty không phải công ty đại chúng là nhằm đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư và tính công khai minh bạch. Quy định này không áp dụng đối với trường hợp doanh nghiệp nêu trên, do tính chất đặc thù của từng ngành có quy định riêng về các chỉ tiêu an toàn tài chính hệ số nợ và hoạt động của các doanh nghiệp này đều được điều chỉnh bởi hệ thống pháp luật riêng.

Thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội, ông Phan Văn Mãi đề nghị báo cáo rõ cơ sở đề xuất và tác động của quy định điều kiện khống chế với tổ chức phát hành trái phiếu.

Trình bày ý kiến tham gia thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, ông Trần Văn Khải, đại biểu hoạt động chuyên trách (vừa có quyết định bổ nhiệm làm Phó chủ nhiệm Ủy ban hôm 25/4) nêu rõ, quy định giới hạn tỷ lệ nợ trên vốn thực chất đã được áp dụng tại Nghị định 81/2020/NĐ-CP. Nhờ giới hạn này, đã giảm bớt tình trạng doanh nghiệp “vốn mỏng” (vốn nhỏ, nợ lớn) phát hành ồ ạt - từng có trường hợp dư nợ trái phiếu gấp 50 lần, thậm chí 100 lần vốn chủ, khiến nhà đầu tư hết sức lo ngại. Do đó, đưa quy định “5 lần vốn chủ” vào luật sẽ nâng hiệu lực pháp lý, ràng buộc các doanh nghiệp giữ mức đòn bẩy tài chính an toàn hơn khi huy động vốn từ trái phiếu.

Tuy nhiên, ông Khải cho biết, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cũng lưu ý khả năng thực thi và tác động thị trường của điều kiện này. Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp (đặc biệt trong lĩnh vực bất động sản, xây dựng) có hệ số nợ cao hơn 5 lần vốn chủ, nếu bị chặn huy động trái phiếu, có thể mất kênh vốn quan trọng, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất - kinh doanh và khả năng trả nợ ngân hàng.

“Sau đợt siết chặt vừa qua, quy mô phát hành trái phiếu doanh nghiệp đã sụt giảm đáng kể (có ước tính giảm tới khoảng 50% sau các quy định hạn chế), thị trường rơi vào trầm lắng. Do vậy, cần cân nhắc lộ trình áp dụng để không gây sốc cho thị trường”, đại biểu Khải nêu ý kiến.

Hài hòa rủi ro và nhu cầu vốn

Tham gia thảo luận, Phó chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Dân nguyện và Giám sát của Quốc hội, bà Lê Thị Nga đồng ý với ý kiến của cơ quan chủ trì thẩm tra về việc cần đưa ra cơ sở quy định số nợ phải trả không vượt quá 5 lần vốn chủ sở hữu, bởi sự ổn định của doanh nghiệp còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như khả năng cạnh tranh trên thị trường, rủi ro hoạt động, không chỉ bao gồm chỉ số nợ.

“Bản chất của trái phiếu là một hình thức đầu tư, trước khi quyết định đầu tư, người mua trái phiếu cần đánh giá và chịu trách nhiệm về rủi ro khi mua trái phiếu riêng lẻ. Mặt khác, quy định cứng hệ số nợ gây thiệt thòi đối với các doanh nghiệp lớn, đa ngành do những doanh nghiệp này thường có vốn điều lệ lớn, hệ số nợ cao hơn các doanh nghiệp nhỏ”, bà Nga phát biểu.

Bên cạnh đó, với các điều kiện về chào bán trái phiếu riêng lẻ đã được thắt chặt hơn, kiểm soát rủi ro tốt hơn, cơ quan thẩm tra cũng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, cân nhắc, xem xét việc có thể mở đối tượng được tiếp cận với trái phiếu riêng lẻ của công ty cổ phần không phải là công ty đại chúng, bao gồm cả “cá nhân” (vẫn khống chế số lượng nhà đầu tư).

Việc này để mở rộng nguồn cung vốn cho doanh nghiệp khi điều kiện thực tế cho phép, bảo đảm phát triển bền vững thị trường trái phiếu, bảo đảm sự thống nhất của các quy định pháp luật về trái phiếu.

Từ góc độ này, đại biểu Trần Văn Khải cho biết, để hài hòa rủi ro và nhu cầu vốn của doanh nghiệp, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đề xuất xem xét mở rộng đối tượng nhà đầu tư được phép tham gia mua trái phiếu riêng lẻ một cách thận trọng. Hiện nay, trái phiếu riêng lẻ chủ yếu giới hạn cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, dẫn tới nguồn cầu hạn chế.

Có thể nghiên cứu cho phép nhà đầu tư cá nhân đủ điều kiện được mua trái phiếu riêng lẻ với các điều kiện bảo vệ như doanh nghiệp phát hành phải có xếp hạng tín nhiệm độc lập, có tài sản bảo đảm và có bảo lãnh thanh toán từ ngân hàng. “Việc mở rộng có điều kiện này sẽ giúp doanh nghiệp huy động vốn hiệu quả hơn, đồng thời đảm bảo nhà đầu tư nhỏ lẻ được sàng lọc kỹ, giảm thiểu rủi ro”, ông Khải tham gia ý kiến.

Thận trọng, nhưng cũng không làm mất cơ hội của doanh nghiệp

Báo cáo giải trình, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng nói, quy định phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ được sửa đổi, bổ sung để đảm bảo tương thích với các quy định của Luật Chứng khoán. Luật Chứng khoán đã xác định: “Trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ của công ty đại chúng hay công ty không đại chúng đều là các sản phẩm tài chính tiềm ẩn rủi ro cao hơn so với trái phiếu doanh nghiệp phát hành ra công chúng được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp phép”.

“Do đó, trái phiếu riêng lẻ chỉ phù hợp với những nhà đầu tư có năng lực tài chính, đặc biệt phải có kiến thức, kinh nghiệm trong đầu tư, trong đó có khả năng phân tích rủi ro và rất nhiều các yếu tố khác”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng giải thích.

Ngoài ra, theo Bộ trưởng, quy định tại Dự thảo cũng phù hợp với thông lệ quốc tế và đáp ứng yêu cầu của Ủy ban Kiểm tra Trung ương về việc quản lý thị trường trái phiếu riêng lẻ là “cần giới hạn phạm vi nhà đầu tư được tham gia thị trường, bao gồm cả sơ cấp và thứ cấp”.

Về cơ sở đề xuất điều kiện đối với tổ chức phát hành trái phiếu riêng lẻ có nợ phải trả “không vượt quá 5 lần vốn chủ sở hữu của tổ chức phát hành”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nêu rõ, Luật Chứng khoán đã sửa đổi và bổ sung quy định về điều kiện giới hạn tỷ lệ hệ số nợ giá trị phát hành trên vốn chủ sở hữu đối với trái phiếu doanh nghiệp phát hành ra công chúng, do đó cần thiết phải bổ sung điều kiện giới hạn nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu với doanh nghiệp không đại chúng và phát hành trái phiếu riêng lẻ, để hạn chế rủi ro thanh toán của trái phiếu riêng lẻ.

Đối với mức đề xuất 5 lần, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, Bộ Tài chính đã nhiều lần làm việc, xin ý kiến, cũng như trao đổi, thảo luận với các doanh nghiệp, các bộ, ngành để có mức đề xuất này. “Sau khi làm việc với các doanh nghiệp, với tinh thần thận trọng nhưng cũng không làm mất cơ hội của doanh nghiệp, Bộ Tài chính đề xuất mức 5 lần, tương tự đối với doanh nghiệp chào bán cổ phần ra công chúng”, Bộ trưởng giải thích thêm.

Phó chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh đề nghị, Chính phủ chỉ đạo cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát, nghiên cứu, tiếp thu hoặc giải trình đầy đủ, thuyết phục các ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, để hoàn thiện hồ sơ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ chín.

Nhiều quy định rất tốt được bổ sung.

- Ông Đậu Anh Tuấn, Phó tổng thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam

Dự thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi lần này vẫn giữ được rất nhiều quy định có tính cải cách của Luật Doanh nghiệp từ trước đến nay. Đặc biệt, Dự thảo đã bảo vệ những quy định cải cách này bằng việc đẩy mạnh công tác hậu kiểm, kiểm soát tình trạng vốn ảo, khai khống vốn điều lệ, tăng tính minh bạch của doanh nghiệp.

Điều chúng tôi ấn tượng không phải quy định thêm nghĩa vụ, mà gắn với trách nhiệm hậu kiểm của rất nhiều cơ quan quản lý nhà nước. Chẳng hạn, bổ sung phạm vi trách nhiệm thực hiện quản lý nhà nước của UBND cấp tỉnh về việc thực hiện hoạt động hậu kiểm, sửa đổi, bổ sung một số khái niệm như kê khai khống vốn điều lệ hay tình trạng pháp lý của doanh nghiệp.

Những quy định này rất tốt cho xu hướng hiện tại. Chúng tôi đánh giá đây là một hướng tiếp cận phù hợp, mà không làm gia tăng rào cản gia nhập thị trường.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư