Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 04 tháng 05 năm 2024,
Bỏ Thông tư 20 nhưng cần có biện pháp thay thế để quản lý tốt hơn
Thanh Hương - 31/08/2016 23:17
 
Theo ý kiến của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khi thảo luận tại phiên họp thường kỳ Chính phủ vừa diễn ra, Thông tư 20 (Thông tư 20/2011/TT-BCT) có những việc không tốt và bỏ Thông tư 20 thì phải có biện pháp thay thế để quản lý tốt hơn các vấn đề thị trường và xã hội phát sinh.

Thông tư 20 được Bộ Công thương ban hành năm 2011 có quy định, các doanh nghiệp và thương nhân nhập khẩu xe ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống phải có giấy ủy quyền nhà nhập khẩu hay nhà phân phối. Đồng thời, doanh nghiệp phải có cơ sở bảo hành, bảo dưỡng theo tiêu chuẩn được Bộ Giao thông Vận tải cấp.

Trước những tranh luận thời gian qua liên quan đến Thông tư 20, tại cuộc họp thường kỳ của Chính phủ vừa diễn ra, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo, cần mở ra không gian mới cho việc phát triển, tạo điều kiện kích thích kinh doanh của người dân, doanh nghiệp trong các ngành và lĩnh vực. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần có biện pháp quản lý tốt hơn về thị trường và xã hội, đặc biệt tạo điều kiện cho sản xuất trong nước phát triển tốt nhất nhằm đảm bảo lợi ích đất nước.

“Thông tư 20 có những việc không tốt nhưng nếu bỏ đi thì phải có biện pháp thay thế để quản lý tốt hơn", Thủ tướng chỉ thị.

Thủ tướng khẳng định, vấn đề đặt ra xung quanh Thông tư có nhiều ý kiến trong đó việc mở cửa biến nước ta thành thị trường tiêu thụ hay bảo hộ sản xuất trong nước. Quan điểm của Chính phủ là không biến nước ta thành thị trường tiêu thụ ô tô toàn thế giới được.

"Biến đất nước mình là đất nước tiêu dùng hay đất nước sản xuất. Đây là vấn đề của chính sách quản lý. Ô tô còn là bộ mặt của nền kinh tế quốc gia, nước Mỹ trong đợt suy thoái trầm trọng cũng phải bỏ ra hàng tỷ đô la để giải cứu hãng ô tô GM", Thủ tướng nói.

"Nói vậy để thấy rõ, mở cơ hội kinh doanh nhưng cũng phải có biện pháp khuyến khích sản xuất trong nước phát triển. Không thể biến hàng chục triệu hộ gia đình thành các hộ kinh doanh ô tô được. Ngoài ra, chúng ta cũng phải quản lý tốt được thị trường và các điều kiện bảo hành, bảo dưỡng, giá cả và các hoạt động trốn thuế nếu phát sinh", Thủ tướng nêu rõ.

Vào ngày 18/8, Bộ Công Thương trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý bãi bỏ Thông tư 20 nhưng đề nghị Chính phủ giao Bộ Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và các Bộ, ngành liên quan ban hành sớm các quy định trong nước có tác dụng tương đương Thông tư 20, áp dụng tại khâu đăng ký lưu hành và áp dụng chung cho tất cả các loại phương tiện tham gia giao thông đường bộ, bảo đảm các loại phương tiện này được bảo hành, bảo dưỡng hoặc sửa chữa theo đúng thông lệ quốc tế và đáp ứng các tiêu chuẩn về an toàn của Việt Nam.

Tại Dự thảo Thông tư mới về việc kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới nhập khẩu là điều kiện bắt buộc, Bộ Giao thông Vận tải cũng yêu cầu các doanh nghiệp nhập khẩu xe phải có bản chính Giấy đăng ký kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới nhập khẩu. Đây được xem là một trong những biện pháp bảo vệ người tiêu dùng khi ô tô là mặt hàng có gắn với an toàn của người sử dụng và cộng đồng.

Thực tế thời gian qua cũng cho thấy, khi các hãng sản xuất ô tô thế giới đưa ra các chương trình triệu hồi, nhằm khắc phục lỗi trên sản phẩm, chỉ có các doanh nghiệp được ủy quyền chính hãng tại Việt Nam mới tiến hành các hoạt động triệu hồi công khai, sau khi đăng ký với các cơ quan chức năng. Bởi vậy, việc đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người tiêu dùng cũng điều cần thiết mà bất cứ quốc gia nào cũng chú trọng.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư