Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 28 tháng 06 năm 2024,
Bộ trưởng Bộ Công thương: Khó quản lý livestream bán hàng trên thương mại điện tử
Thế Hải - 04/06/2024 15:42
 
Bộ trưởng Bộ Công thương thừa nhận khó quản lý livestream bán hàng trên thương mại điện tử, việc quản lý này muốn hiệu quả phải có sự tham gia của nhiều bộ, ngành liên quan.
Bộ trưởng Công thương trả lời chất vấn, chiều 4/6.
Bộ trưởng Bộ Công thương trả lời chất vấn, chiều 4/6. (Ảnh: QH).

Phiên chất vấn Trưởng ngành Công thương chiều 4/6, có 107 đại biểu quốc hội đăng ký chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên xung quanh 3 nhóm vấn đề, gồm: Công tác quản lý, giám sát, bảo vệ người tiêu dùng trong hoạt động thương mại điện tử; Giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu, thúc đẩy các hiệp định thương mại tự do và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; Chính sách và giải pháp phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, cơ khí, nhất là trong phục vụ chế biến nông, lâm, thủy sản, phát triển nông nghiệp.

Phát biểu trước khi trả lời chất vấn, Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, trước khó khăn và thách thức chưa từng có, nhiều tồn tại lũy kế của ngành chưa được giải quyết triệt để, ngành Công thương liên tục thiếu lãnh đạo Bộ và nhân lực có kinh nghiệm, nhưng dưới sự lãnh đạo chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, sự ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp, ngành đã nỗ lực phấn đấu đạt kết quả trên các mặt.

Sản xuất công nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn sau đại dịch, từng bước phục hồi và phát triển, có sự bứt phá là động lực tăng trưởng. Thương mại trong nước tăng trưởng mạnh, là trụ đỡ cho nền kinh tế, hàng hóa dồi dào, giá cả ổn định.

Xuất khẩu tăng trưởng cao, 8 năm liên tục xuất siêu, trong đó năm 2023 xuất siêu hơn 28 tỷ USD.

Đặc biệt, thương mại điện tử đã và đang phát triển mạnh mẽ, trở thành xu hướng lớn trong thương mại toàn cầu. Năm 2023, hoạt động thương mại điện tử tại Việt Nam tiếp tục tăng trưởng mạnh với tốc độ tăng 25% so với năm 2022, được xếp vào nhóm 5 quốc gia có tốc độ tăng trưởng hàng đầu thế giới.

Quy mô thị trường thương mại điện tử bán lẻ Việt Nam năm 2023 đạt 20,5 tỷ USD, tăng khoảng 4 tỷ USD so với năm 2022, đưa Việt Nam vào nhóm 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử hàng đầu thế giới.

Tuy nhiên, việc nở rộ kinh doanh online, livestream bán hàng cũng khiến việc quản lý hàng giả, nhái, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên mạng xã hội... trở nên khó khăn.

Đại biểu Nguyễn Minh Hoàng (TP.HCM) chất vấn: "Thương mại điện tử thúc đẩy kinh tế số của Việt Nam, nhưng hoạt động này bị các đối tượng lợi dụng để lừa đảo, kinh doanh hàng cấm, hàng giả, mức độ ngày càng tinh vi về quy mô, địa bàn hoạt động, giải pháp nào để phát triển thương mại điện tử lành mạnh?".

Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, Việt Nam đối mặt nhiều thách thức trong thương mại điện tử, người tiêu dùng đối mặt với mất an toàn dữ liệu cá nhân. Hàng giả, hàng kém, chất lượng... đổ bộ vào nước ta, ảnh hưởng tới doanh nghiệp sản xuất, tiêu dùng. 

"Khó quản lý hoạt động livetreams bán hàng trên thương mại điện tử", Bộ trưởng Diên nói, đồng thời khẳng định, việc quản lý này muốn hiệu quả phải có sự tham gia của nhiều bộ, ngành liên quan.

Đối với câu hỏi của Đại biểu Lê Thị Thanh Lam (Hậu Giang) về việc quản lý các giao dịch trong thương mại điện tử, Bộ trưởng Bộ Công thương cho rằng, Bộ đang thường xuyên rà soát và cắt giảm thủ tục hành chính cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

"Trong thương mại thông thường, quản lý đã khó nên quản lý xuất nhập khẩu qua thương mại điện tử càng khó hơn nhiều. Theo đó, Bộ Công thương đã tham mưu Chính phủ trình Quốc hội ban hành Luật Bảo vệ người tiêu dùng, phê duyệt đề án chống hàng giả và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tham mưu chính sách quản lý thông tin giao dịch thương mại điện tử với hàng xuất nhập khẩu", Bộ trưởng nói.

Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa (Phú Yên) đặt câu hỏi về các phiên livestream bán hàng doanh thu hàng trăm tỷ đồng có đúng không và quản lý chất lượng sản phẩm ra sao.

Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Diên cho biết, để kiểm soát hàng nước ngoài ồ ạt thống lĩnh thị trường, Bộ Công thương đã khuyến nghị các doanh nghiệp nâng cao chất lượng sản phẩm, đủ sức cạnh tranh với hàng ngoại nhập. 

Để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong không gian thương mại điện tử, thời gian qua, Bộ đã thường xuyên theo dõi, giám sát, phát hiện, xử lý các vi phạm thông qua bán hàng online, livestream.

Năm 2023, Bộ  đã yêu cầu các sàn, các website tiến hành rà soát, ngăn chặn và gỡ bỏ/khóa 6.254 gian hàng với 23.359 sản phẩm vi phạm. Lực lượng quản lý thị trường đã kiểm tra 834 vụ, xử lý 764 vụ, phạt tiền 12 tỷ đồng.

Tuy vậy, Bộ trưởng cho rằng, còn nhiều tồn tại hạn chế và thách thức lớn nên tới đây sẽ tiếp tục có giải pháp để bảo vệ tốt hơn quyền lợi người tiêu dùng.

"Thời gian tới, Bộ Công thương sẽ bổ sung các quy định xác thực tài khoản người bán hàng là cá nhân trên các trang thương mại điện tử, mạng xã hội. Đồng thời tích cực rà soát các trang mạng, ứng dụng thương mại điện tử trong việc tuân thủ pháp luật", Bộ trưởng khẳng định.

Bộ Tài chính: Bán hàng online, livestream sẽ phải nộp thuế
Thời gian qua, cơ quan thuế đã tập trung truyền thông với tất cả những người tham gia bán hàng online để hiểu rõ các quy định về thuế, từ đó...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư