Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 28 tháng 03 năm 2024,
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh: Không thay đổi về chất, không thể tăng trưởng 7 - 8%
Mạnh Hà - 24/10/2014 06:33
 
() Các động lực cho tăng trưởng đã tới hạn, nếu không thay đổi về chất thì không thể tăng trưởng 7 - 8%. Do vậy, theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, phải đổi mới thể chế để tạo động lực tăng trưởng mới.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Không nóng vội, nhưng không được trì trệ
Thúc đẩy mạnh hơn tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế
Tạo đột phá về thủ tục đầu tư, kinh doanh

“Cách đây vài ba năm, lần nào Quốc hội thảo luận tình hình kinh tế - xã hội cũng rất căng thẳng bởi lạm phát cao; hàng loạt tồn tại, hạn chế, khó khăn của các lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực ngân hàng - nóng lên từng ngày. Nhưng giờ thì tình hình vĩ mô 2014 không còn bức xúc nữa”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh phát biểu khi thảo luận tại Kỳ họp thứ tám Quốc hội khóa XIII về tình hình kinh tế - xã hội.

  Bộ trưởng Bùi Quang Vinh: Không thay đổi về chất, không thể tăng trưởng 7 - 8%  
  Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, phải đổi mới thể chế để tạo động lực tăng trưởng mới  

Để chứng minh thêm cho nhận định của mình, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh đã viện dẫn số liệu về lạm phát năm nay ở mức thấp (sau 9 tháng đang ở mức 2,25%, cả năm dự kiến dưới 5%); lãi suất ngân hàng đang giảm mạnh, quay trở lại thời điểm cách đây 10 năm (lãi suất cho vay hiện tại khoảng 6-7%/năm); đồng nội tệ ổn định; chuyện quản lý giá vàng, ngoại tệ không còn được tranh cãi dữ dội trên nghị trường như cách đây hai năm…

“Các cân đối lớn đều được giữ khá ổn định. Việc xuất siêu tạo điều kiện để cân đối ngoại tệ ở mức thặng dư tương đối lớn. Dự trữ ngoại tệ tăng rất mạnh trong thời gian qua và hiện đã đạt mức kỷ lục từ trước đến nay”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nói và tiếp tục dẫn các số liệu về sự hồi phục trong sản xuất công nghiệp, nông nghiệp... để khẳng định, nền kinh tế đang tiếp tục xu hướng hồi phục.

Tuy nhiên, nhìn thực trạng vào nền kinh tế, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cũng chỉ ra hàng loạt khó khăn, thách thức, hạn chế, như số doanh nghiệp ngừng hoạt động, thu hẹp sản xuất vẫn tăng, dư nợ tín dụng ngân hàng thấp, thậm chí rất thấp...

“Nếu như trước đây, bình quân dư nợ tín dụng tăng trưởng trên 30%/năm, thì năm 2014 khả năng chỉ tăng khoảng 10% (thấp hơn mục tiêu của Ngân hàng Nhà nước là tăng trưởng 12-14%). Lãi suất thấp mà dư nợ tín dụng không tăng cho thấy hai điều: một là sản xuất gặp khó khăn; hai là nợ công chưa được giải quyết. Ngân hàng nói sẵn sàng cho vay mà doanh nghiệp không vay thì rõ ràng sản xuất rất khó, không đầu tư được. Cục nợ xấu chưa giải quyết được khiến ngân hàng không dám cho vay”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nhận định.

Chưa bao giờ tiền đầu tư phát triển thấp như hiện nay Chưa bao giờ tiền đầu tư phát triển thấp như hiện nay

() Thảo luận ở tổ (ngày 21/10), tại Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lai Châu, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh lo ngại, chưa bao giờ tiền dành cho đầu tư phát triển lại ở mức thấp như hiện nay, chỉ ở mức khoảng 17% tổng chi ngân sách.

Bên cạnh đó, tình trạng người dân chủ yếu cất giữ vàng trong nhà, gửi ngoại tệ ở nhà băng mà ít đưa vào lưu thông… cũng khiến Bộ trưởng Bùi Quang Vinh quan ngại. Điều này, theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, chứng tỏ nền kinh tế chưa khai thác tốt nguồn lực tài chính trong dân chúng, chưa biết tận dụng, khai thác nguồn lực tài chính để tạo ra của cải cho xã hội.

“Lạm phát đã ở mức rất thấp rồi, nhưng tiền vẫn không bung ra. Chưa bao giờ tiền dành cho đầu tư phát triển lại ở mức thấp như hiện nay (tương đương 17% tổng chi ngân sách nhà nước). Ngân sách Trung ương chi cho đầu tư phát triển quá thấp so với nhu cầu. Chi thường xuyên chiếm tới khoảng 70% tổng chi ngân sách, phần còn lại mới chi cho đầu tư phát triển và trả nợ. Không có tiền đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông khiến hàng hóa khó lưu thông, sản xuất khó phát triển thì làm sao phát triển kinh tế mạnh được, lấy gì để tăng thu ngân sách”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh trăn trở.

Phân tích thêm về điều này, Bộ trưởng cho rằng, Việt Nam đang vi phạm ba nguyên tắc trụ cột của nền kinh tế. Đó là, tăng chi lương cao hơn tốc độ tăng năng suất lao động; tốc độ tăng cho chi an sinh xã hội cao hơn tốc độ tăng thu ngân sách; tốc độ tăng chi thường xuyên cao hơn tốc độ tăng chi cho đầu tư phát triển.

Trước nhiều ý kiến cho rằng, để đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng kinh tế, năm 2015 cần phải nới lỏng chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn, đứng trên góc độ cá nhân, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho rằng, đến thời điểm này, các động lực phát triển đã tới hạn, tức là đã hết động lực phát triển, vì vậy cần phải có cơ chế, chính sách mới để phát triển.

“Nền kinh tế tăng trưởng vẫn dựa chủ yếu vào vốn, xuất khẩu tài nguyên thiên nhiên dưới dạng thô và lao động giá rẻ. Các nước đang phát triển, chậm phát triển thì dựa vào 3 động lực này. Nhưng 3 động lực này của chúng ta giờ đã cạn kiệt, nếu không thay đổi về chất thì không thể có mức tăng trưởng kinh tế 7 - 8%, may lắm chỉ giữ mức hiện nay, thậm chí còn tụt dần. Như vậy, chúng ta cần đổi mới thể chế để tìm ra những động lực mới. Phải thực hiện tốt 3 đột phá đã được đề ra: thể chế kinh tế; cơ sở hạ tầng; chất lượng nguồn nhân lực. Những việc này không chỉ làm trong năm 2015 mà phải làm thường xuyên, liên tục, mạnh mẽ trong thời gian dài”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nhấn mạnh. 

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư