Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Bộ trưởng Công an: Tách Luật Giao thông đường bộ "không chia luật, chia quyền"
Nguyễn Lê - 16/11/2020 18:19
 
Bộ trường Bộ Công an Tô Lâm hồi âm băn khoăn của đại biểu Quốc hội về cơ sở pháp lý và cơ sở thực tiễn để tách Luật Giao thông đường bộ thành hai luật.
.
Bộ trưởng Tô Lâm phát biểu trước Quốc hội.

Trước quá nhiều ý kiến đại biểu băn khoăn về cơ sở pháp lý và cơ sở thực tiễn để tách Luật Giao thông đường bộ (GTĐB) thành hai luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) và Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ (TTATGTĐB), Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm khẳng định "không chia luật, chia quyền".

Cả ngày 16/11 thảo luận về hai dự án luật nói trên, vấn đề nhiều đại biểu lo ngại nhất là khi tách ra sẽ dẫn đến sự chồng chéo trong trách nhiệm, có thể gây ra nhiều phiền hà cho dân, khó sắp xếp cả ngàn lao động của ngành giao thông khi chuyển việc đào tạo giấy phép lái xe qua ngành công an...

Cũng có một số vị đại biểu đồng tình với sự cần thiết phải tách thành hai luật, như đề xuất của Chính phủ.

Cuối phiên thảo luận buổi sáng, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể không hồi âm trực diện băn khoăn của đại biểu, ông nói "tôi nghĩ rằng chiều nay thành viên Chính phủ sẽ giải trình với Quốc hội một cách kỹ lưỡng hơn về lý do xin tách".

Cuối phiên thảo luận chiều cùng ngày về dự án Luật Bảo đảm TTATGTĐB, Bộ trưởng Tô Lâm nói: tại buổi thảo luận tổ và thảo luận tại hội trường đã có nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, rất đáng trân trọng. Ban soạn thảo sẽ tiếp thu, giải trinh nghiêm túc thấu đáo. Ông cho biết 1 số vấn đề lớn của dự án luật, ngày 5/11/2020 Chính phủ đã có báo cáo gửi đến các đại biểu Quốc hội, giải trình và tiếp thu đầy đủ.

Xung quanh ý kiến đại biểu có nên tách 2 luật trong Luật GTĐB hay không, Bộ trưởng cho biết lý do tách là xuất phát từ công tác trật tự ATGT, Bộ Công an với trách nhiệm quản lý nhà nước về trật tự an toàn xã hội, Chính phủ cũng xác định rõ đây là trách nhiệm của ngành công an, xác định TT ATGT là 1 bộ phận quan trọng của trật tự an toàn xã hội. Vì vậy Chính phủ cũng đã được Quốc hội, cơ quan của Quốc hội đồng ý cho đề xuất xây dựng dự thảo luật này.

"Trong báo cáo tác động cũng như trong báo cáo đề xuất đã nói rất rõ trách nhiệm về bảo đảm TT ATGT là của Bộ Công an' - Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bộ trưởng cũng khẳng định, nếu Quốc hội đồng ý ban hành luật Bảo đảm TTATGTĐB, giao trách nhiệm cho Bộ Công an thì sẽ không tăng biên chế, chi phí không tăng, không lãng phí, không tăng về thủ tục hành chính.

"Chúng tôi đã thảo luận rất kỹ trong tập thể Đảng ủy công an Trung ương, các cơ quan chuyên trách nhận trách nhiệm trước Đảng, trước Nhà nước, trước Quốc hội, nhân dân về vấn đề bảo đảm TTATGT trong đó vấn đề về trật tự, an toàn giao thông cho người dân" - ông nói.

Theo Bộ trưởng thì thực tế đây không phải tách luật, quá trình làm luật cùng với sự phát triển chung của mọi mặt xã hội thì càng ngày càng đi vào cụ thể, những vấn đề liên quan đến quyền con người, quyền công dân thì được cụ thể hóa. Và trên thực tế đã có nhiều luật, ban đầu từ 1 luật sau đó phát triển thành nhiều luật, ví dụ như là Luật Đầu tư, giờ có Luật Đầu tư, Đầu tư công, Hợp tác công tư,..hay Luật Tố cáo khiếu nại trước đây giờ có Luật tố cáo, Luật Khiếu nại. "Rất nhiều luật chuyên ngành càng đi vào cụ thể, chứ đây không phải là việc tách luật, chia quyền, chúng tôi thấy không có thứ đó" - Bộ trưởng khẳng định.

Vị trưởng ban soạn thảo dự án luật cũng cho biết, quá trình soạn thảo luật này đã nhận được rất nhiều ý kiến cử tri đề nghị với Luật bảo đảm TTATGTĐB phải phổ cập toàn xã hội, từ các cháu bé đến cụ già đều phải được tuyên truyền về luật này. Những người tham gia giao thông phải học, thi, sát hạch, phải thực hiện nghiêm túc những điều luật này. Thành ra cũng có đề nghị  soạn thảo dễ nhớ, dễ đọc, ngắn gọn, nếu dài là khó học thuộc, khó triển khai khi tổ chức thực hiện.

Nếu Luật Bảo đảm TT ATGT để chung với các luật khác: luật GTĐB, xây dựng hạ tầng, các quy định khác thì chúng tôi nghĩ quá dài. Cái này là thực tế phải xem xét, Bộ trưởng nói.

Ông khẳng định, hai luật này được Chính phủ, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, đặc biệt là hai Bộ Công an, Giao thông vận tải nhất trí cao là không làm ảnh hưởng lẫn nhau và không vi phạm Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Nghiên cứu kỹ lưỡng việc chuyển sát hạch, cấp giấp phép lái xe sang Bộ Công an
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị bổ sung đánh giá tác động việc chuyển nhiệm vụ quản lý đào tạo, sát hạch, cấp giấp phép lái xe từ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư