Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Bộ trưởng Công Thương: Điều hành xuất khẩu gạo bảo đảm được yêu cầu quan trọng nhất
An Nguyên - 15/06/2020 11:33
 
Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, điều hành xuất khẩu gạo 5 tháng đầu năm 2020 đã bảo đảm được những yêu cầu quan trọng nhất, là an ninh lương thực và mua giá tốt cho nông dân.
.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh phát biểu tại nghị trường.

Đăng đàn trong phiên thảo luận toàn thể sáng 15/6 của Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã nói khá sâu về một vấn đề được đại biểu quan tâm về điều hành xuất khẩu gạo những tháng đầu năm.

Trước đó, khi thảo luận tại tổ, một số vị đại biểu cho rằng, công tác quản lý xuất khẩu gạo còn nhiều bất cập, ảnh hưởng đến quyền lợi của người nông dân.

Bộ trưởng cho biết, xuất khẩu gạo của Việt Nam trong 5 tháng đầu năm 2020 đạt 3,06 triệu tấn, tăng 11,08% so với cùng kỳ năm 2019, kim ngạch đạt 1,48 tỷ USD, tăng 25,44% so với cùng kỳ năm 2019.

"Mặc dù có sự gián đoạn nhất định trong những ngày cuối tháng 3, đầu tháng 4 năm 2020 nhưng xét tổng thể, công tác điều hành xuất khẩu gạo 5 tháng đầu năm 2020 đã bảo đảm được những yêu cầu quan trọng nhất", người đứng đầu ngành công thương khẳng định.

Những yêu cầu quan trọng nhất, sau đó được Bộ trưởng nêu ra là: bảo đảm được cân đối giữa xuất khẩu và tiêu dùng trong nước, bảo đảm tuyệt đối an ninh lương thực quốc gia. Hai, tiêu thụ hết thóc, gạo hàng hóa cho người nông dân với giá tốt (tăng hơn 25% so với năm 2019).

Về công tác điều hành xuất khẩu gạo thời gian qua, Bộ trưởng nêu rõ, yêu cầu đặt ra là phải bảo đảm an ninh lượng thực trong mọi tình huống, trong đó có những thời điểm rất phức tạp trước diễn biến của dịch bệnh Covid-19 ở Việt Nam.

Theo đó thì trong 2 tháng đầu năm 2020 xuất khẩu gạo đạt khoảng 930 nghìn tấn, tăng 31,7% so với cùng kỳ năm 2019. Đến ngày 15/ 3/2020, xuất khẩu đạt khoảng 1,3 triệu tấn, tăng 370 nghìn tấn so với cuối tháng 2/2020. Thời điểm này xuất hiện nhu cầu tăng dự trữ chiến lược tại nhiều quốc gia khiến giao dịch gạo hết sức sôi động, gạo bị hút rất mạnh ra khỏi Việt Nam, giá gạo trong nước và thế giới liên tục tăng.

Ông Tuấn Anh nhấn mạnh, vào thời điểm 23/3, khi Việt Nam đang phải đối diện với nguy cơ bùng phát dịch bệnh (là ngày ghi nhận số ca nhiễm Covid-19 cao nhất trong một ngày), tâm lý người dân có dấu hiệu không ổn định thì nguy cơ thiếu gạo cho tiêu dùng trong nước là có thực. Cùng với đó là diễn biến phức tạp của thời tiết do biến đổi khí hậu và nhuận hai tháng Tư âm lịch, có nguy cơ bùng phát các nhóm sinh vật, sâu bệnh gây hại cho lúa vụ Đông Xuân, là vụ rất quan trọng, quyết định 60% sản lượng lương thực của khu vực này.

"Do vậy, nếu xảy ra biến cố thì lượng gạo tại vùng ĐBSCL, dù được mùa, cũng sẽ không đủ dùng cho nhu cầu trong nước nếu tiếp tục cho phép xuất khẩu với tốc độ lên tới 25 nghìn tấn/ngày như 15 ngày đầu tháng 3", Bộ trưởng giải thích.  

Trước tính huống cấp bách nêu trên, Bộ Công Thương đã trình bày 2 biện pháp được Luật Quản lý ngoại thương cho phép áp dụng để kiểm soát hoạt động xuất khẩu gạo, gồm "cấp giấy phép xuất khẩu" và "tạm ngừng xuất khẩu" để Thường trực Chính phủ và các Bộ ngành thảo luận. Sau khi xem xét, đánh giá các khía cạnh, Thủ tướng Chính phủ đã kết luận thực hiện phương án tạm dừng xuất khẩu gạo đến hết tháng 5/ 2020 nhằm đảm bảo các mục tiêu, nguyên tắc điều hành xuất khẩu gạo, góp phần ổn định giá gạo trong nước.

Để xác định phương án điều hành xuất khẩu gạo cho tháng 5/2020, Bộ trưởng cho biết Bộ Công Thương đã thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành làm việc với một số cơ quan có liên quan. Sau khi tổng hợp ý kiến của các Bộ, ngành và các thành viên Đoàn kiểm tra liên ngành, Bộ Công Thương đã có văn bản báo cáo và Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ trực tuyến về giải pháp điều hành xuất khẩu gạo trong tháng 5 và cả năm 2020.

Tình hình được Bộ Công Thương đánh giá và được các Bộ ngành thống nhất là: đến cuối tháng 4 năm 2020, các yếu tố quan trọng nhất dẫn đến quyết định giãn tiến độ xuất khẩu gạo vào cuối tháng 3 đã có sự thay đổi đáng kể, theo hướng tốt lên.

Cụ thể, công tác phòng chống dịch Covid-19 của Việt Nam đã đạt được kết quả tích cực, dịch bệnh về cơ bản được khống chế dù nguy cơ lây nhiễm vẫn còn. Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng về giãn cách xã hội đã được nới lỏng, tất cả các tỉnh/thành phố đều đã được hạ thấp nhóm nguy cơ. Cả nước đã chuyển sang một giai đoạn mới, tạo điều kiện cho lưu thông hàng hóa, phát triển sản xuất kinh doanh. Tâm lý người dân đã ổn định trở lại, không còn hiện tượng mua gom, tích trữ nhu yếu phẩm như tại thời điểm cuối tháng 3.

Cơ sở nữa là về nguồn cung thóc gạo, vụ Đông Xuân tại khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung bộ đã ổn định và đang thu hoạch thuận lợi; vụ Đông Xuân tại khu vực Duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên về cơ bản đã thu hoạch xong và được mùa. Lượng gạo còn lại có thể xuất khẩu trong thời gian từ đầu tháng 5 tới giữa tháng 6 (thời điểm vụ Hè Thu thu hoạch rộ) là khoảng 1,3 triệu tấn.

Sau khi nghe báo cáo của Bộ Công Thương và ý kiến của các đại biểu dự họp, Thường trực Chính phủ đồng ý với đề xuất của Bộ Công Thương về việc từ ngày 1/5/2020 cho phép hoạt động xuất khẩu gạo trở lại bình thường theo quy định tại Nghị định số 107/2018/NĐ-CP.

"Như vậy có thể khẳng định ta đã đạt được mục tiêu giãn tiến độ xuất khẩu gạo để bảo đảm tuyệt đối an ninh lương thực quốc gia trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp nhất", người đứng đầu ngành công thương khẳng định.

Phát biểu sau đó, Đại biểu Nguyễn Thanh Xuân (Cần Thơ) nhận xét, Bộ trưởng mới nói về mặt tích cực, việc dừng xuất khẩu gạo cho thấy sự nóng vội, gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp, đề nghị cần đánh giá về trách nhiệm về điều hành xuất khẩu gạo. 

Bộ Công Thương lấy ý kiến Bộ Tài chính về điều hành xuất khẩu gạo
Bộ Công Thương gửi văn bản xin ý kiến Bộ Tài chính về phương án điều phối hạn ngạch và sử dụng 100.000 tấn gạo được tạm ứng trước theo...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư