Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng: Ngành thuế không ai sốc khi thua kiện doanh nghiệp
Ngọc Doanh - 23/10/2015 08:00
 
Sau khi Công ty TNHH Phú Nhuận (Maseco) và Công ty cổ phần Thương mại Phú Lễ được Tòa án Nhân dân TP.HCM tuyên thắng cuộc trong 2 vụ kiện cơ quan thuế, Bộ trưởng Bộ Tài chính, ông Đinh Tiến Dũng cho rằng, việc này không gây sốc trong ngành, đồng thời cho thấy, hoạt động của ngành thuế đã được công khai hơn, quan hệ giữa bên nộp thuế và bên hành thuế đã thể hiện sự dân chủ.

Ông bình luận gì về việc Cục Thuế TP.HCM và Thanh tra Bộ Tài chính bị “thua cuộc” sau phán quyết của Tòa án Nhân dân TP.HCM?

Đây là việc hoàn toàn bình thường và có lẽ phán quyết đó không khiến ai trong ngành bị “sốc”.

Trước hết, có thể thấy rằng, ngành thuế đang hàng ngày làm việc với trên 800.000 doanh nghiệp và trên 20 triệu đối tượng phải nộp thuế, nên số vụ việc như trên là rất cá biệt.

Thứ hai, khi thực thi công vụ, sai ít, sai nhiều, thậm chí sai hẳn đều có thể xảy ra, điều quan trọng là, khi thấy sai thì phải nhận thức được bản chất của cái sai đó và có được phương án để sửa.

Mặt khác, chính những vụ kiện như vậy sẽ có lợi đối với ngành thuế. Đó là một bài học để các nhân viên hành thu tránh được sai sót tương tự trong tương lai.

Bộ trưởng Bộ tài chính, ông Đinh Tiến Dũng
Bộ trưởng Bộ Tài chính, ông Đinh Tiến Dũng

Có vẻ như Bộ trưởng bình thản trước sự việc mà giới truyền thông và những người nộp thuế đang rất quan tâm?

Tôi không bình thản, nhưng như trên đã nói, số lượng vụ như vậy là rất ít. Hơn thế, nếu lỗi xuất phát từ ý thức cố tình làm khó doanh nghiệp của người hành thu, khi họ nắm vững các quy định mà cố tình vận dụng sai thì đó là một sự sự việc nghiêm trọng. Nhưng nếu vụ việc phức tạp, được quy định bởi nhiều quy định tồn tại trong các bộ luật khác nhau, thì bản chất của sự việc chính là năng lực và chất lượng công việc của người hành thuế.

Trong trường hợp thứ nhất, nếu chứng minh được, các đối tượng hành thu chắc chắn sẽ bị xử lý nghiêm. Với trường hợp thứ hai, mặc dù ngành thuế vẫn thường xuyên tổ chức tập huấn nâng cao trình độ của người hành thu, nhưng những việc như vậy cũng là khó tránh. Biết được mình sai và tìm ra được giải pháp, theo tôi, là điều có lợi cho cả ngành thuế và người nộp thuế.

Theo tôi, những phán quyết của cơ quan bảo vệ pháp luật cho thấy, sự công bằng, dân chủ, công khai trong công tác thuế đã được thể hiện rõ và với tinh thần thượng tôn pháp luật, bên sai, dù là người nộp thuế, doanh nghiệp, thậm chí là cơ quan nhà nước, đều phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Vậy là chất lượng đội ngũ hành thu đang có vấn đề, thưa Bộ trưởng?

Có thể thấy, với 40.000 nhân viên, trong quá trình ngành thuế đang được hiện đại hóa về phương thức thu thuế, với việc chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm cũng khiến có người còn phân vân, có những người chưa thể bắt kịp tiến trình đổi mới. Vì thế, theo tôi, đó cũng là chuyện không khó lý giải và trong một chừng mực nào, chúng ta phải chấp nhận đó là cái giá phải trả cho quá trình đổi mới. Nhưng tôi nhắc lại, sự việc trên là rất cá biệt.

Trong vụ việc với Công ty TNHH Thương mại Phú Nhuận, thì nguyên nhân lại xuất phát từ sự phức tạp của các quy định pháp luật về thuế. Bộ trưởng có ý kiến gì về vấn đề này, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế đang hội nhập sâu rộng như hiện nay?

Nếu nhìn một cách tổng thể, theo kết quả đo giờ của Ngân hàng Thế giới (WB), thời gian thực hiện các thủ tục thuế đã giảm từ 537 giờ năm 2013, xuống còn 117 giờ hiện nay. Điều đó cho thấy nỗ lực của ngành thuế và tất nhiên là của các cán bộ ngành thuế. Để có kết quả trên, việc đầu tiên là chúng tôi nghiên cứu đưa ra quy trình thực hiện nghĩa vụ thuế hợp lý nhất.

Vừa qua, Việt Nam đã nỗ lực thực hiện cải cách thủ tục hành chính về thuế, theo đó, ban hành 1 thông tư sửa 7 thông tư, 1 nghị định sửa 4 nghị định và ban hành 1 luật sửa 5 luật và những đổi mới đó đều được Quốc hội thông qua. Ngoài ra, chúng ta đang tiếp tục cắt giảm quy trình hành thu sao cho hợp lý nhất, để việc thu thu thuế đạt hiệu quả cao nhất, trong khi người nộp thuế được thực sự thụ hưởng những cải tiến đó.

Hiện nay, chúng ta đang trong quá trình cụ thể hóa Hiến pháp 2013, nên cần phải rà soát, điều chỉnh hàng loạt luật cho thống nhất và phù hợp với nhau. Trong hệ thống pháp luật về tài chính, nhìn chung, khi kết thúc năm 2015, sau khi 4 luật tiếp theo được thông qua tại kỳ họp cuối của Quốc hội khóa XIII, về cơ bản, chúng tôi hoàn thành quá trình điều chỉnh để vừa đáp ứng tinh thần cụ thể hóa của Hiến pháp năm 2013, vừa phù hợp với các cam kết hội nhập quốc tế.

Công việc của các bộ, ngành khác cũng sẽ tương tự như vậy để sau khi được Quốc hội thông qua là chúng ta hoàn tất quá trình tạo nên một hệ thống pháp luật ăn khớp với nhau theo tinh thần của Hiến pháp và phù hợp với các cam kết hội nhập. Cần phải nhắc lại rằng, đối tượng đầu tiên được thụ hưởng thành quả đó chính là các doanh nghiệp.

Tìm “thuốc” chữa nợ thuế
Chiều nay, 22/10, Quốc hội sẽ thảo luận tổ về kết quả thực hiện ngân sách nhà nước năm 2015, dự toán năm 2016. Một trong những nội dung quan...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư