Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 15 tháng 10 năm 2024,
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Một bản quy hoạch tốt sẽ giúp có con đường đi tốt nhất
Hà Nguyễn - 14/09/2022 11:52
 
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, một bản quy hoạch tốt sẽ giúp có được con đường đi tốt nhất, hiệu quả nhất, nhanh nhất để đạt được các mục tiêu phát triển đất nước.

Quy hoạch tốt sẽ có được con đường đi tốt nhất

Phát biểu tại Hội nghị Thẩm định Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng một lần nữa nhấn mạnh về nhiệm vụ “mới, rất quan trọng, khó khăn, phức tạp và chưa có tiền lệ, chưa có nhiều kinh nghiệm” khi lần đầu tiên lập quy hoạch tổng thể theo phương thức tích hợp.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị Thẩm định Quy hoạch tổng thể Quốc gia.

“Nhưng đây cũng là một cơ hội rất lớn để chúng ta đánh giá lại hiện trạng phát triển và tổ chức không gian phát triển của quốc gia một cách thực chất, tổng thể, qua đó cụ thể hóa đường hướng phát triển đất nước; định hình không gian phát triển, lộ trình phát triển và nguồn lực phát triển của quốc gia”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Theo Bộ trưởng, kinh nghiệm quốc tế cho thấy, mỗi quốc gia muốn phát triển nhanh, bền vững phải chọn con đường đi đúng, xác định được cách thức, nguồn lực, động lực và thời gian để đến đích.

“Công tác quy hoạch được xem như người công binh mở đường. Một bản quy hoạch tốt sẽ giúp chúng ta có được con đường đi tốt nhất, hiệu quả nhất và nhanh nhất để đạt được các mục tiêu phát triển đất nước đề ra tại Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội cả nước giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Phân tích rõ hơn về hình tượng “người công binh mở đường”, Bộ trưởng cho biết, nói như vậy là cũng để nhấn mạnh vai trò dẫn dắt phát triển, kiến tạo phát triển của Nhà nước trong mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, mà Đảng và nhân dân ta đã lựa chọn.

Theo Bộ trưởng, để làm tốt công tác quy hoạch, phương pháp tiếp cận phải đúng, đòi hỏi phải cầu thị, lắng nghe, tiếp thu mọi ý kiến đóng góp xác đáng, tham khảo kinh nghiệm tốt của quốc tế, tận dụng mọi nguồn lực, phát huy trí tuệ tập thể để xây dựng bản quy hoạch tốt nhất.

“Như hầu hết các thành viên Hội đồng thẩm định đã đánh giá, Quy hoạch tổng thể quốc gia đã được thực hiện một cách công phu, nghiêm túc, bài bản, cầu thị, huy động được sự tham gia đông đảo, hiệu quả của các Bộ, ngành, địa phương, các chuyên gia, nhà khoa học, các tổ chức quốc tế”, Bộ trưởng khẳng định.

Tập trung phát triển khung hạ tầng đất nước và các vùng động lực

Bày tỏ sự vui mừng khi về cơ bản, ý kiến của các thành viên, ủy viên Hội đồng thẩm định đã nhất trí với những nội dung quan trọng của Báo cáo Quy hoạch, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ chỉ đạo đơn vị tư vấn phối hợp với các Bộ, ngành và cơ quan liên quan tiếp  tục nghiên cứu tiếp thu, giải trình các ý kiến tham gia trong phạm vi của Quy hoạch tổng thể quốc gia để hoàn thiện hồ sơ Quy hoạch tổng thể quốc gia đạt chất lượng cao nhất, trình Chính phủ xem xét thông qua và trình Quốc hội quyết định vào kỳ họp thứ 4.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu tiếp thu ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học, các bộ ngành.

Theo Bộ trưởng, các thành viên, ủy viên Hội đồng thẩm định đã cơ bản thống nhất các quan điểm, mục tiêu phát triển, các nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm trong thời kỳ quy hoạch; cũng như các định hướng lớn về bố trí không gian phát triển các ngành, lĩnh vực quan trọng; các vùng động lực, các hành lang kinh tế…

Cụ thể, nhất trí với quan điểm, tư tưởng chủ yếu của Quy hoạch tổng thể quốc gia là phát triển có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào yếu tố hiệu quả trong giai đoạn đến năm 2030, sau đó dần phát triển hài hòa, bền vững, cân đối giữa các vùng miền, địa phương.

Cùng với đó, nhất trí với định hướng động lực tăng trưởng là cần tập trung phát triển vùng động lực tăng trưởng và cực tăng trưởng.

Cụ thể, phát triển vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, tập trung vào vùng lõi động lực tăng trưởng là Tam giác Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh. Trong đó, Thủ đô Hà Nội là cực tăng trưởng; Phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, tập trung vào vùng lõi động lực tăng trưởng là tứ giác TP.HCM - Bình Dương - Đồng Nai - Bà Rịa - Vũng Tàu, trong đó TP.HCM là cực tăng trưởng.

Đồng thời, nhất trí với việc định hình và sắp xếp thứ tự ưu tiên các hành lang kinh tế và vành đai công nghiệp, đô thị chính.

Theo đó, Quy hoạch tập trung hình thành các hành lang kinh tế theo trục Bắc - Nam và hướng Đông - Tây dựa trên các tuyến giao thông đường bộ cao tốc, đường sắt, kết nối các cảng biển, cảng hàng không quốc tế, cửa khẩu quốc tế, gắn với các đô thị, trung tâm kinh tế, cực tăng trưởng.

Đồng thời, ưu tiên hình thành và phát triển các vành đai công nghiệp, đô thị quanh Hà Nội và TP.HCM, gắn kết với các cửa ngõ quốc tế.

Theo Bộ trưởng, các thành viên Hội đồng Thẩm định cũng đã nhất trí với các đột phá phát triển hạ tầng.

Trước tiên, ưu tiên phát triển mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông, trong đó có giao thông đô thị Hà Nội và TP.HCM, năng lượng, viễn thông..., gắn với hình thành các hành lang kinh tế và xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại tại các vùng động lực (vùng lõi) và cực tăng trưởng của các vùng kinh tế trọng điểm.

“Đối với những ý kiến đề nghị bổ sung các nội dung chi tiết, cụ thể về định hướng phát triển và phân bố không gian các ngành, lĩnh vực, chúng tôi sẽ tiếp thu, nghiên cứu tối đa các ý kiến xác đáng, đồng thời đề nghị đưa vào nội dung các quy hoạch ngành quốc gia hoặc quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh do phạm vi khái quát và chiến lược của quy hoạch tổng thể quốc gia”, Bộ trưởng khẳng định và cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, phối hợp có hiệu quả của các bộ ngành, Văn phòng chính phủ, các Ủy ban của Quốc hội và các cơ quan có liên quan để sớm hoàn thiện hồ sơ Quy hoạch tổng thể quốc gia để trình Quốc hội.

Quy hoạch Tổng thể quốc gia: Hình thành đô thị tầm cỡ quốc tế có tính liên kết
Quy hoạch Tổng thể quốc gia xác định đến năm 2050, Việt Nam sẽ có 5 đô thị tầm cỡ quốc tế. Theo các chuyên gia, hệ thống đô thị này cần có...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư