Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu "hai chính sách rất quan trọng" cho Khu thương mại tự do Đà Nẵng
Nguyễn Lê - 07/06/2024 13:56
 
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng hồi âm sự quan tâm đặc biệt của nhiều đại biểu về khu thương mại tự do Đà Nẵng trong phiên thảo luận sáng 7/6 của Quốc hội.
.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng báo cáo giải trình.

Với Khu thương mại tự do Đà Nẵng, ngoài các chính sách ưu đãi về thuế hay đất đai, lao động, nguồn lực thì có 2 chính sách rất quan trọng, đó là phân cấp triệt để về thủ tục hành chính và cho phép các tập đoàn lớn được thành lập văn phòng ở đây mà không cần phải có dự án.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đề cập nội dung trên khi hồi âm sự quan tâm đặc biệt của nhiều đại biểu về khu thương mại tự do Đà Nẵng trong phiên thảo luận sáng 7/6 của Quốc hội.

Ủng hộ cho Đà Nẵng thí điểm khu thương mại tự do, song nhiều đại biểu cho rằng cần quy định cụ thể hơn để đảm bảo tính khả thi cao.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, khu thương mại tự do là một mô hình mới đối với Việt Nam nhưng đối với quốc tế không có gì mới cả. Họ đã thành lập nhiều và lâu, có nơi, như đại biểu nêu, đã có từ 70 năm trước.

Theo dự thảo thì đây là một khu chức năng, có ranh giới địa lý xác định, được thành lập để thực hiện thí điểm các cơ chế, chính sách nhằm mục tiêu thu hút đầu tư, thu hút tài chính, thu hút thương mại, thu hút du lịch và các dịch vụ chất lượng cao.

Bộ trưởng cũng nhấn mạnh bối cảnh cạnh tranh thu hút đầu tư hiện nay, dòng đầu tư nước ngoài hiện đang sụt giảm rất nhiều và số còn lại đang có xu hướng dịch chuyển về Mỹ và các nước phát triển, một số còn lại đang phân chia và cạnh tranh giữa các nước trong khu vực. Nước nào tạo được môi trường đầu tư tốt, dòng đầu tư đó sẽ về, không thì họ đi nước khác.

“Hiện nay Việt Nam đang cạnh tranh rất mạnh với Malaysia, Indonesia hay Thái Lan, Trung Quốc. Trung Quốc lập các khu thương mại tự do với một phương châm không cầu toàn. Riêng khu thương mại tự do của Thượng Hải 12 năm họ sửa 6 lần, càng ngày càng mở, càng ngày càng cạnh tranh, có cái gì mới, cái gì hay là họ làm chứ không cầu toàn”, Bộ trưởng nói.

Người đứng đầu ngành kế hoạch và đẩu tư cho biết, hiện nay ngoài các chính sách ưu đãi về thuế hay đất đai, lao động, nguồn lực thì có 2 chính sách thấy rất quan trọng. Thứ nhất là đột phá về thủ tục hành chính.

Ông nêu ví dụ, ở Thượng Hải (Trung Quốc), một nhà máy ô tô của Tesla quy mô 2-3 tỷ USD, từ khi khởi công đến khi đưa vào khai thác sử dụng chỉ có 11 tháng. Một trung tâm thương mại mấy trăm triệu USD từ khi khởi công đến khi hoàn thành đưa vào khai thác cũng chỉ mất 68 ngày.

“Tại sao người ta lại làm được như vậy? Vẫn là thủ tục hành chính. Lần này Đà Nẵng có đề xuất và chúng tôi rất ủng hộ là phải thí điểm đưa cơ chế thật đột phá về thủ tục hành chính vào đó, là một cửa tại chỗ và manh dạn phân cấp triệt để, chứ không nửa vời là cái này vẫn đưa về bộ này, cái này vẫn đưa về bộ kia, vẫn phải xin thủ tục này, thủ tục kia. Ủy quyền lại cho Đà Nẵng và ủy quyền lại cho Ban Quản lý quyết định thì tất cả mọi thứ sẽ nhanh, như vậy sẽ tạo được môi trường rất tốt để thu hút đầu tư”, Bộ trưởng Dũng nói rõ.

Chính sách thứ hai Bộ trưởng đề cập, đó là cho phép các tập đoàn lớn được thành lập văn phòng ở đây mà không cần có dự án.

“Những nhà đầu tư lớn lập văn phòng là đương nhiên người ta đã có đóng góp, đương nhiên người ta vào đây không phải để chơi, người ta cũng sẽ lập dự án sau đó, chúng ta lại ràng buộc ngay lúc đầu thì sẽ mất cơ hội”, ông Dũng giải thích.

Liên quan đến chính sách phát triển lĩnh vực vi mạch bán dẫn cho Đà Nẵng, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh, đây là một lĩnh vực rất quan trọng đối với Việt Nam.

“Có lẽ đây là một cơ hội ngàn năm có một, chúng tôi cứ hay nói như thế, chúng ta có thể nhanh chóng đuổi kịp, tiến cùng và vượt lên, tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu chính là ở lĩnh vực này”, Bộ trưởng phát biểu.

Theo Bộ trưởng, Đà Nẵng hiện nay đang hội tụ đủ các điều kiện này, đang tham gia cùng với Đề án đào tạo 50.000 kỹ sư bán dẫn. Cùng với Hà Nội, TP.HCM Đà Nẵng cũng tiên phong đi đầu, 13 năm liền đứng đầu trong công nghệ thông tin.

“Với quyết tâm của Thành phố chúng tôi cho rằng không có lý do gì chúng ta không ủng hộ Đà Nẵng”, Bộ trưởng nói.

Hồi âm một số ý kiến liên quan đến các ngành nghề, lĩnh vực đầu tư, ông Dũng nói bên cạnh nhà đầu tư chiến lược thì Đà Nẵng còn xác định thêm đối tác chiến lược. Khác với nhà đầu tư chiến lược, đối tác chiến lược có thể là chưa cần hoặc không cần phải có dự án nhưng lại có đóng góp trong ngành vi mạch bán dẫn và có thể tham gia đào tạo, có thể tham gia nghiên cứu phát triển, có thể tham gia vào các phòng thí nghiệm.

Chia sẻ quan điểm của một số đại biểu, Bộ trưởng cũng cho rằng trong thời gian thí điểm là 5 năm, tất cả các địa phương đáp ứng được các điều kiện, tiêu chuẩn để thành lập các khu thương mại tự do thì Chính phủ xem xét cho phép thành lập và khi thành lập thì được áp dụng các cơ chế như của Đà Nẵng.

Singapore đề xuất xây dựng phòng thí nghiệm ngành bán dẫn tại Việt Nam
Đề xuất xây dựng phòng thí nghiệm cho ngành bán dẫn tại các cơ sở giáo dục Việt Nam là một trong 2 kế hoạch mà Đại học Quốc gia Singapore (NUS)...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư