Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 19 tháng 03 năm 2024,
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Phải có việc thách thức thì nhân tài thế giới sẽ về Việt Nam
Hồng Phúc - 22/07/2019 16:26
 
“Nhiều quan điểm về việc con người hay công việc trước. Nếu xét theo lịch sử loài người thì thường khi xuất hiện tình huống vĩ đại sẽ sinh ra người vĩ đại, khi có việc sẽ có người. Làm sao để người tài tụ hội về Việt Nam? Phải có việc thách thức, tạo ra giá trị thì nhân tài thế giới mới về đây”, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nói.

Trong buổi trao đổi cùng các doanh nghiệp công nghệ thông tin được tổ chức gần đây tại TP.HCM, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu: “Tại sao không nghĩ đến việc viết ra một mạng xã hội mới thay thế Facebook, vì triết lý của Facebook không phù hợp với thế giới nữa”, ngay khi các doanh nghiệp công nghệ thông tin đặt câu hỏi về vấn đề thu hút và giữ người tài.

Bộ trưởng cho biết, cân nhắc đầu quân vào Viettel khi tập đoàn này mới ra đời không phải là lựa chọn đầu tiên, thậm chí là lựa chọn cuối cùng của người tài thời ấy. Bởi nếu không ra nước ngoài học, làm việc thì họ cũng chọn vào những doanh nghiệp viễn thông ra đời trước, có bề dày khi đó. Nhưng, với các cá nhân chọn vào Viettel thì sau từ 5-10 năm, họ đều “được đánh giá rất cao trong ngành vì Viettel có nhiều bài toán khó hơn được đưa ra”.

Bộ trưởng Bộ TT&TT chia sẻ về ví dụ này nhằm thể hiện quan điểm, khi có việc đủ thách thức, tạo giá trị thì nhân tài thế giới sẽ quy tụ về Việt Nam. Việc đủ thách thức mà ông nhắc đến có thể là “viết ra một mạng xã hội mới thay thế Facebook” và cũng có thể là đưa công nghệ vào từng ngõ ngách, từ việc kinh doanh của hàng triệu hộ gia đình đến hàng trăm nghìn doanh nghiệp. 

Theo lời Bộ trưởng, đã đến lúc cần viết một mạng xã hội mới, thay đổi thế giới chứ không chỉ Việt Nam. Cũng như nghĩ đến việc tạo ra một công cụ tìm kiếm mới mà “Mẹ mình nhớ mang máng rằng được ăn bánh đúc ở đâu đấy năm 1937 dù cụ không gõ được mà chỉ nói rồi máy tính sẽ đưa ra câu trả lời. Rất nhiều điều vĩ đại có thể làm được nhưng nếu không tin, rồi ra trường chỉ đi làm lập trình, gia công với mức lương 2.000 USD/tháng thì mãi mãi ta chỉ có 2.000 USD".

.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng trao đổi cùng các doanh nghiệp công nghệ thông tin tại TP.HCM.

“Người Việt Nam khác người nước khác ở chỗ, để tự họ làm thì tốt hơn bảo họ phải làm. Cách đây 6 năm, tôi tiếp một vị trong tốp 3 người quản trị giỏi nhất của Mỹ, ông ấy bảo, với người thông minh, hãy nói về vấn đề nào cần giải giải quyết, chứ đừng nói giải quyết việc đó bằng cách nào”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói về một trong những đặc điểm rất quan trọng, cũng là lợi thế của người Việt là công việc bình thường rất chậm nhưng nước đến chân sẽ tìm ra giải pháp và "nhảy cực nhanh".

Bộ trưởng cũng đánh giá, chính các doanh nghiệp đưa công nghệ vào mọi ngõ ngách, đến việc hướng dẫn người dân nuôi tôm,… là những người góp phần thay đổi Việt Nam nhiều hơn việc chỉ “đi viết phần mềm cho người này người kia”. 

“Đất nước nào có nhiều vấn đề thì càng có nhiều cơ hội. Việt Nam là nước đang phát triển, có khát vọng lớn, dân đông và có nhiều bài toán để giải. Khoảng 80% bài toán ở các nước đều giống nhau nên nếu giải toán xuất sắc ở Việt Nam thì cũng có thể đi ra toàn cầu”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.

Nhằm góp phần thúc đẩy sự phát triển của cộng đồng khởi nghiệp tại Việt Nam, Bộ trưởng Bộ TT&TT cũng cho biết, Bộ đang chuẩn bị trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt về các chính sách, quy trình thủ tục cho sandbox. Sandbox được xem là khung thể chế thí điểm, cho phép một số ít doanh nghiệp thử nghiệm các công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới trong môi trường thực tiễn. Nhưng có phạm vi, thời gian xác định, dưới sự giám sát của các nhà quản lý.

"Doanh nghiệp nào muốn đi ra nước ngoài thì có thể đến Bộ TT&TT để chúng tôi cấp chứng nhận về những dự án đã làm tại Việt Nam. Khi muốn thử nghiệm gì liên quan đến chính quyền mà không biết liên hệ đầu mối nào thì đến gặp Bộ TT&TT để chúng tôi gỡ và trao đổi với các Bộ khác”, Bộ trưởng Bộ TT&TT khẳng định.

Khung pháp lý cho sandbox để ngăn việc “xé rào”
Tại Việt Nam, tuy kinh tế chia sẻ chưa phát triển mạnh như ở nhiều nước, nhưng một số doanh nghiệp nền tảng đang liên tục mở rộng về quy mô,...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư