Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Đề án dạy ngoại ngữ tốn 5.000 tỷ đồng không đạt mục tiêu!
Hữu Tuấn - 16/11/2016 11:59
 
Trả lời chất vấn của Đại biểu về Đề án dạy học ngoại ngữ tiêu tốn 5.000 tỷ đồng, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định: "Không đạt mục tiêu!"

Đại biểu Dương Minh Ánh (Hà Nội) chất vấn bộ trưởng: "Đề án dạy học ngoại ngữ đưa ra mục tiêu là đến năm 2020 là đa số sinh viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng có trình độ ngoại ngữ tốt, đáp ứng yêu cầu làm việc, giao tiếp. Nhưng đến nay sau gần 8 năm thực hiện, đã tiêu tốn 5.000 tỷ đồng, nhưng nhiều mục tiêu chưa đạt được như mong muốn.

Với nhiều hạn chế và bốn nhóm giải pháp mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nêu, Bộ trưởng có khẳng định với những giải pháp đó thì dự án này có đạt được mục tiêu như mong muốn hay không? Hay số phận của nó cũng giống như 5 dự án không đạt hiệu quả mà Chính phủ báo cáo Quốc hội lần này?".

Dự án dạy ngoại ngữ tiêu tốn 5.000 tỷ đồng nhận được sự quan tâm của Đại biểu Quốc hội. Ảnh minh họa
Dự án dạy ngoại ngữ tiêu tốn 5.000 tỷ đồng nhận được sự quan tâm của Đại biểu Quốc hội. Ảnh minh họa

Bộ trưởng  Phùng Xuân Nhạ đáp: “Đại biểu hỏi đề án này có đạt mục tiêu không, tôi trả lời ngay là không! Vì dạy và học ngoại ngữ có tính chất lâu dài, đây là nhiệm vụ không chỉ trước kia, bây giờ mà còn tiếp tục liên quan đến nhiều nhóm đối tượng khác nhau. Để đạt mục tiêu như đề án mong muốn cần thời gian và chi phí rất lớn. Khi xây dựng đề án đưa ra lộ trình và quyết tâm cao, nhưng thực hiện gặp vấn đề về chuẩn bị, thời gian, kinh phí, nhưng chúng tôi nhận trách nhiệm, là khi xây dựng đề án phải hết sức thiết thực, khả thi, bám sát thực hiện".

Theo Bộ trưởng, khi xây dựng đề án thì Bộ  đặt quyết tâm cao, nhưng khi thực hiện thì cũng gặp nhiều vấn đề, trong đó có việc triển khai, rồi kinh phí. Gần đây Bộ đã tiến hành rà soát, trước hết là về mặt cách tiếp cận, sau đó rồi mới đến mục tiêu.

Vì vậy đề án Đề án tập trung đến khắc phục những vấn đề khó nhất của từng tổ chức, cá nhân. Theo đó, chương trình nội dung phải thống nhất, biên soạn hệ thống, trong đó tính hội nhập quóc tế chứ không phải biên soạn theo năng lực các thầy các cô. Tập trung đào tạo cho giáo viên, vì trước đây khâu này chưa chuẩn bị kỹ nên khi thực hiện gặp khó khăn.

Phương thức để tổ chức giảng dạy không nhất thiết phải có bằng cấp mà ai cũng có quyền và được hưởng thành quả hội nhập, được học. Do đó, phương thức được thiết kế phù hợp, đặc biệt nhấn mạnh xã hội hoá, là tâm điểm tạo ra môi trường, động lực. Với cách tiếp cận đó đã điều chỉnh lại và sắp tới trình Chính phủ. Cũng cần thấy rằng giai đoạn đầu thực hiện đề án đã đạt được nhiều kết quả.

"Thời gian vừa qua chúng ta chưa xem trọng đúng mức công tác đào tạo thầy cô dạy ngoại ngữ. Chúng tôi đang điều chỉnh đề án theo hướng như vậy, tới đây sẽ trình Chính phủ quyết định. Chúng tôi nhấn mạnh đến yếu tố xã hội học tập, học tập suốt đời, cho mọi người dân, chứ không chỉ là dạy cho sinh viên", 

"Thưa Quốc hội là với Singapore, Malaysia thì họ mất 38 năm để đạt trình độ trung bình cả nước có thể giao tiếp tiếng Anh. Muốn dạy học sinh tốt, có trình độ tốt, thì phải có đội ngũ giảng viên, giáo viên trình độ cao", Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng Bộ Công thương giải trình về "5 dự án đắp chiếu tiêu tốn 30.000 tỷ"
Ngày 3/11, ông Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Công thương đã giải trình với Quốc hội về "5 dự án đắp chiếu tiêu tốn 30.000 tỷ" gây bức xúc...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư