Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 22 tháng 12 năm 2024,
Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Các địa phương cũng phải có trách nhiệm với ô nhiễm sông Nhuệ, sông Đáy
Kỳ Thành - 30/10/2018 10:50
 
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, việc xử lý ô nhiễm môi trường trên các dòng sông hiện nay còn có trách nhiệm của các địa phương, nhưng hiện nay cơ chế phối hợp chưa hiệu quả.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà

Ngay đầu phiên chất vấn kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà là người đầu tiên đăng đàn trả lời câu hỏi của Đại biểu Trần Tất Thế, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam về vấn đề tại kỳ họp thứ 3, vị đại biểu này đã chất vấn về vấn đề xử lý môi trường trên sông Nhuệ, sông Đáy.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng, việc giải quyết, cải thiện môi trường của các dòng sông Nhuệ, sông Đáy,  sông Tô Lịch là mong muốn của đại biểu, nhân dân và cả bản thân Bộ trưởng. "Tôi nói là sau 5 năm để dòng sông này trở lại như xưa, xanh đẹp là có những điều kiện", Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói.

Theo Bộ trưởng, trước hết, về quan điểm xử lý, như lần trước đã nêu, để xử lý môi trường các dòng sông, đặc biệt là các sông liên tỉnh là cần phải xử lý tại nguồn, người gây ô nhiễm phải chịu trách nhiệm xử lý. Trên thực tế các dòng sông này, đã có thống kê là liên quan đến các địa phương, đặc biệt như Hà Nội là nguồn nước chưa xử lý đặc biệt là nước thải sinh hoạt, từ Hòa Bình chảy về Hà Nam, cho thấy trách nhiệm là các địa phương.

Hà Nội đã có đề án tổng thể về xử lý ô nhiễm môi trường các sông Nhuệ, sông Đáy. Tuy nhiên đến nay, cơ chế phối hợp chưa hiệu quả, đặc biệt là chưa bố trí được nguồn lực.

"Thứ ba là sử dụng công nghệ nào xử lý đối với nước thải sinh hoạt trong điều kiện chưa thu gom, xử lý tập trung. Từ góc độ này, tôi đã có khuyến nghị là cần bố trí, đánh giá các nguồn thải và lựa chọn các mô hình để xử lý", người đứng đầu Bộ Tài nguyên và Môi trường nêu.

Theo ông Hà, công nghệ hiện nay không phải là khó, thực tế Thành phố Hà Nội đã có 2-3 mô hình xử lý trên từng đoạn sông và các làng nghề, tập trung vào nước thải sinh hoạt. Với mô hình này, nếu tính toán chi phí từ nhà nước mà trong đó có sự tham gia từ các đối tượng là người dân làng nghề sản xuất, chúng ta hoàn toàn có thể thu hút để xã hội hóa việc xử lý.

Vướng mắc hiện nay là có nhiều doanh nghiệp muốn tham gia nhưng việc lựa chọn đối tác công - tư, các quy trình thủ tục đấu giá không khác nhiều so với quy trình thủ tục như sử dụng vốn nhà nước, làm chậm việc thu hút nguồn lực xã hội hóa.

Bên cạnh đó, cần làm rõ trách nhiệm của nhà nước trong đầu tư hạ tầng và xác định các doanh nghiệp có công nghệ và năng lực để xử lý. Cùng với đó là xem xét cơ chế để tính chi phí xử lý, trong đó có nhà nước, người dân và vẫn có lợi nhuận cho doanh nghiệp.

Theo Bộ trưởng Hà, đây là việc mà trong thời gian tới, bên cạnh những mô hình đã có là Ban chỉ đạo về bảo vệ môi trường lưu vực, cần gắn trách nhiệm của các địa phương và tiến hành xã hội hóa, trên cơ sở đó mới có thể giải quyết được.

Phát biểu ngay sau phần trả lời của ông Trần Hồng Hà, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân lý giải, trách nhiệm giải quyết môi trường của sông Đáy, sông Nhuệ thì Chính phủ, mà cụ thể là Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ chịu trách nhiệm giải quyết từ nguồn lực trung ương và những giải pháp quản lý nhà nước của Bộ. Nhưng các địa phương có 2 dòng sông chảy qua cũng phải chịu trách nhiệm bảo vệ môi trường và cơ chế phối hợp.

“Tôi đề nghị Bộ trưởng về rà soát lại trách nhiệm của Bộ, của các địa phương như thế nào, Bộ đã làm tròn trách nhiệm nhưng các địa phương chưa phối hợp tốt, chưa chung tay với Chính phủ để bảo vệ dòng sông này”, Chủ tịch Quốc hội nói.

Cần vay 600 tỷ đồng xử lý ô nhiễm lưu vực sông Đồng Nai, sông Nhuệ, sông Đáy
Ngày 10/12, Ban chỉ đạo Dự án "Quản lý ô nhiễm các KCN thuộc lưu vực sông Đồng Nai, Nhuệ-Đáy" (VIMP) đã tổ chức họp tổng kết năm 2015.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư