Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 07 tháng 05 năm 2024,
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng: Được chất vấn là may mắn
Mạnh Bôn - 17/11/2014 11:51
 
() Trước khi trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) vào chiều nay, bên hành lang Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng đã chia sẻ với báo chí. “Được cử tri, ĐBQH chất vấn là may mắn với bất cứ thành viên Chính phủ nào, tôi cũng vậy!”, ông Hoàng nói.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Bộ trưởng Đinh La Thăng trả lời chất vấn trước quốc hội
Cử tri "kiểm đếm" nỗ lực của Chính phủ
Hé lộ danh tính nhiều TCTD sắp sáp nhập
Đẩy lùi tham nhũng, hay bị tham nhũng đẩy lùi?

Ông nói, được chất vấn là may mắn. Vậy hiểu “may mắn” ở đây thế nào? 

Không phải chỉ có riêng tôi mà thành viên Chính phủ nào cũng vậy, chúng tôi luôn luôn mong được tiếp thu, trao đổi, báo cáo với cử tri và ĐBQH về những vấn đề mà cử tri và ĐBQH quan tâm.

  Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng: Được chất vấn là may mắn  
  Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng  

Tôi cho rằng, chỉ có qua việc nắm bắt được ý kiến, trao đổi, thảo luận, đặc biệt là chất vấn tại mỗi kỳ  họp Quốc hội mới giúp cho mỗi thành viên Chính phủ nhận thức được rõ hơn, đầy đủ hơn những yếu kém, hạn chế trong lĩnh vực mình được giao trách nhiệm.

Qua mỗi lần chất vấn, từng thành viên Chính phủ và cả tập thể Chính phủ đưa ra các giải pháp khắc phục khó khăn, vươn lên hoàn thành nhiệm vụ, đáp ứng sự kỳ vọng, sự tin tưởng của cử tri và ĐBQH.

Đối với cá nhân, ông có luôn sẵn sàng trả lời chất vấn tại các kỳ họp Quốc hội không?

Thật lòng, với cá nhân, tôi luôn luôn mong muốn và luôn sẵn sàng được trả lời chất vấn tại tất cả các kỳ họp Quốc hội cũng như tại các phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Được Chính phủ, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chọn là một trong số ít người trả lời chất vấn, với tôi đó là sự may mắn. Bởi không phải lúc nào anh cũng có dịp, có cơ hội được trình bày, báo cáo với cử tri, với Quốc hội về những công việc mà ngành của anh đã làm, đang làm và sẽ làm.

Mỗi lần chất vấn, với tôi là cơ hội để đại diện cho ngành công thương báo cáo những gì đã làm được, nhưng cái chính là có cơ hội để báo cáo về những hạn chế, khuyến điểm mà qua ý kiến của cử tri, của ĐBQH để mình thấy rõ hơn để có biện pháp khắc phục.

Mỗi lần được chọn là người đăng đàn trả lời chất vấn, ông có bị áp lực gì không?

Tôi nói rằng được trả lời chất vấn là sự may mắn, chính vì vậy tôi chưa bao giờ thấy áp lực.

Cử tri rất quan tâm đến việc nhập khẩu công nghệ từ Trung Quốc. Nếu có câu hỏi đặt ra về vấn đề này thì ông giải thích thế nào?

Về cơ bản, Việt Nam hiện vẫn là quốc gia nhập khẩu công nghệ thông qua nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền cho các công trình, dự án đầu tư trên rất nhiều lĩnh vực, trong đó có cả lĩnh vực do ngành công thương phụ trách như điện, hóa chất, luyện kim…

Thẳng thắn mà nói không phải tất cả các trang thiết bị nhập khẩu, trong đó có xuất xứ từ Trung Quốc đều là công nghệ cũ, lạc hậu, không phù hợp mà trên thực tế chúng ta đã xây dựng khá nhiều có trình có trình độ công nghệ tiên tiến, kỹ thuật cao như Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, Nhà máy Phân đạm Phú Mỹ, Nhà máy Phân đạm Cà Mau, Nhà máy Phân bó DAP Hải Phòng, một số nhà máy sản xuất xăng sinh học, các nhà máy điện… Sòng phẳng mà nói, các nhà máy này sử dụng công nghệ rất tiên tiến, thiết bị máy móc, dây chuyền sản xuất hiện đại rất hiện đại.

Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn có không ít doanh nghiệp, dự án sử dụng công nghệ lạc hậu, chưa đáp ứng được yêu cầu. Tôi cũng muốn nói thêm rằng, các dự án nhập khẩu công nghệ lạc hậu, thiết bị máy móc cũ kỹ phần lớn nằm ở khu vực doanh nghiệp tư nhân; doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ.

Ông lý giải thế nào về thực trạng này?

Cũng dễ lý giải thôi. Doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ có vốn ít nên không có điều kiện nhập khẩu công nghệ tiên tiến, hiện đại. Bên cạnh đó, họ cũng muốn tranh thủ thời gian để xây dựng nhanh và đưa dự án vào khai thác sớm nên có hiện tượng dễ dãi trong việc nhập khẩu và đánh giá chất lượng công nghệ, thiết bị.

Chính phủ đã có giải pháp gì để hạn chế nhập khẩu công nghệ lạc hậu, thưa ông?

Đứng trước thực trạng nhập khẩu công nghệ lạc hậu, máy móc, thiết bị đã qua sử dụng không đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế, Chính phủ đã có rất nhiều chỉ đạo trong quản lý chất lượng máy móc, công nghệ thiết bị. Chính phủ đã giao trách nhiệm cho Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành các tiêu chuẩn, quy định về chất lượng máy móc, thiết bị nhập khẩu.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành tiêu chuẩn máy móc, thiết bị theo đó quy định cụ thể loại nào được phép nhập khẩu, loại nào không được phép nhập khẩu, loại nào phải nhập khẩu mới và loại nào được phép nhập thiết bị, máy móc đã qua sử dụng.

Nhưng thưa ông, quy định về nhập khẩu thiết bị, máy móc đã qua sử dụng do Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành đã phải dừng lại trước sự phản ứng của doanh nghiệp?

Đúng là sau khi Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành quyết định hạn chế nhập khẩu một số máy móc, thiết bị đã qua sử dụng đã gặp phải phản ứng của doanh nghiệp.

Doanh nghiệp cho rằng, việc hạn chế nhập khẩu này không phù hợp với xu thế chung của thế giới. Trên thế giới, ngay cả các nước có nền khoa học công nghệ phát triển vẫn cho phép sử dụng thiết bị, công nghệ, máy móc đã qua sử dụng. Trước sự phản ứng của doanh nghiệp, mới đây, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành quyết định tạm dừng không thực hiện quyết định này.

Theo quan điểm của tôi, dù là tạm dừng hay tiếp tục thực hiện, chúng ta phải hết sức kiên quyết trong việc nhập khẩu và sử dụng thiết bị công nghệ lạc hậu. Bởi những loại thiết bị, công nghệ này nếu không kiểm tra, giám sát thật kỹ sẽ mang lại nhiều hậu quả như năng suất, chất lượng sản phẩm thấp; gây ô nhiễm môi trường; tiêu thụ nguyên, nhiên vật liệu rất cao; khả năng cạnh tranh của sản phẩm làm ra từ thiết bị lạc hậu thấp.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư