Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 01 tháng 05 năm 2024,
Bộ Y tế yêu cầu cấp bách phòng, chống bệnh dại
D.Ngân - 15/03/2024 11:07
 
Ngày 15/3, Bộ Y tế có công văn gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống dại.

Theo báo cáo của hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm Bộ Y tế, từ năm 2022 đến nay bệnh dại có xu hướng gia tăng, trong đó có nhiều tỉnh, thành phố có bệnh dại lưu hành trong nhiều năm và có số ca tử vong do dại cao.

Tiêm vắc-xin là biện pháp quan trọng để phòng chống bệnh dại.

Từ đầu năm 2024 đến nay, tình hình bệnh dại gia tăng đột biến với 22 trường hợp tử vong, cao hơn gấp đôi so với cùng kỳ 2023 (10 trường hợp).

Đặc biệt, gần đây xuất hiện các trường hợp có thời gian ủ bệnh ngắn, từ 10-15 ngày, trong đó nhiều trường hợp là trẻ em dưới 5 tuổi, bị chó, mèo cắn ở vùng đầu, mặt, gây thương tích nặng ở khu vực gần thần kinh trung ương.

Nguyên nhân chủ yếu gây tử vong do dại trên người là do người bị động vật nghi dại cắn không tiêm phòng kịp thời, nhận thức của người dân về sự nguy hiểm của bệnh dại cũng như các biện pháp phòng bệnh còn hạn chế.

Bên cạnh đó, công tác quản lý đàn chó, mèo ở một số địa phương còn lỏng lẻo; tỷ lệ chó, mèo nuôi được tiêm vắc-xin phòng dại còn thấp, chỉ đạt khoảng 50% tổng đàn dẫn đến gia tăng số ca bệnh dại trên động vật.

Theo báo cáo từ Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triên nông thôn, năm 2023 ghi nhận 347 ca bệnh dại trên động vật tại 31 tỉnh, thành phố; từ đầu năm 2024 đến nay ghi nhận 45 ca tại 22 tỉnh, thành phố, tăng 6 ca và tăng gấp đôi số tỉnh, thành phố có dịch so với cùng kỳ năm 2023.

Trước tình hình gia tăng bệnh dại trên người và động vật tại nhiều nơi, để tăng cường công tác phòng, chống bệnh dại, Bộ Y tế đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm chỉ đạo các đơn vị, địa phương thực hiện đầy đủ, hiệu quả các nội dung trong Chương trình quốc gia phòng, chống bệnh dại, giai đoạn 2022-2030 ban hành kèm theo Quyết định số 2151/QĐ-TTg ngày 21/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ.

Chủ động giám sát chặt chẽ các trường hợp bị chó, mèo nghi dại cắn để hướng dẫn tiêm phòng theo hướng dẫn của Bộ Y tế và xử lý ổ dịch kịp thời. Tăng cường công tác phối hợp liên ngành y tế và thú y để giám sát, phát hiện sớm các trường hợp bị động vật nghi dại cắn.

Đảm bảo đủ và tăng cường khả năng tiếp cận của người dân với vắc-xin phòng dại, huyết thanh kháng dại, đặc biệt tại các khu vực có nguy cơ cao; bố trí mỗi huyện có ít nhất 1 điểm tiêm, ở những nơi địa bàn rộng và địa hình khó khăn xem xét bố trí thêm điểm tiêm phòng.

Tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế ở các điểm tiêm vắc-xin phòng dại về các kỹ năng tư vấn, xử trí các trường hợp bị động vật cắn.

Đẩy mạnh công tác truyền thông về sự nguy hiểm của bệnh dại; kịp thời chia sẻ thông tin để người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh và vận động người dân kịp thời đến cơ sở y tê để khám, tư vấn và tiêm vắc-xin phòng dại, huyết thanh kháng dại, nhất là tại các địa phương có trường hợp tử vọng do dại và có tỷ lệ tiêm phòng trên chó, mèo thấp.

Tăng cường công tác truyền thông trong trường học cho trẻ em, học sinh; truyền thông đại chúng, truyền thông trực tiếp và truyền thông qua hệ thống tuyên truyền cơ sở tại vùng sâu, vùng xa, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống và lưu ý việc không chữa bệnh dại bằng các biện pháp chưa được Bộ Y tế công nhận.

Bố trí kinh phí để triển khai đồng bộ, hiệu quả các hoạt động phòng, chống bệnh dại trên người và động vật và huy động sự tham gia của các ban, ngành, đoàn thể và cộng đồng, xã hội trong công tác phòng, chống bệnh dại.

Liên quan đến việc tiêm phòng dại, thông tin từ VNVC cho biết, trong 2 tháng đầu năm 2024, Hệ thống tiêm chủng này ghi nhận số người đến tiêm vắc-xin dại dự phòng và sau khi bị cắn tăng 300%. Trong đó, các tỉnh miền Đông và Bắc Trung Bộ có tỷ lệ tăng cao nhất.

Bác sĩ Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC cho biết, dại là bệnh truyền nhiễm cấp tính, do virus lây truyền từ động vật sang người thông qua vết cắn, cào, liếm vào vết thương hở, ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương. Một khi phát bệnh, tỷ lệ tử vong gần 100% và hiện vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu.

Dại có thời gian ủ bệnh phức tạp, có thể chỉ từ 7-10 ngày hoặc kéo dài đến vài tuần, thậm chí vài năm, phụ thuộc vào tình trạng và vị trí vết cắn.

Vết thương càng gần hệ thần kinh trung ương như đầu, mặt, cổ hoặc đầu mút các chi như ngón tay, ngón chân, bộ phận sinh dục… có thời gian ủ bệnh càng ngắn.

Bệnh dại có thể hung dữ và thể liệt, trong đó thể hung dữ phổ biến hơn với 80% ca mắc. Dấu hiệu điển hình của thể hung dữ là sợ nước, sợ gió, ánh sáng, rối loạn tri giác, co giật toàn thân, co thắt cơ hô hấp, sặc, khó thở, ngưng tim, hôn mê, tử vong nhanh trong vòng 2-4 ngày kể từ khi khởi phát.

Với thể liệt, bệnh nhân bị tê liệt toàn bộ cơ thể, rối loạn tiểu và đại tiện, liệt tay, chân và tử vong ngay khi liệt cơ hô hấp. Người mắc bệnh dại thể liệt vẫn tỉnh táo hoàn toàn và đau đớn cho đến lúc tử vong.

Trẻ em là đối tượng nguy cơ dễ bị các động vật như chó, mèo tấn công và gây mắc bệnh dại cao hơn.

Bác sĩ Chính lý giải trẻ em bản tính hiếu động, thường xuyên chơi với chó mèo và có những tương tác như đùa giỡn, khiêu khích, kéo đuôi hoặc tiếp cận chó lạ khiến chúng nổi giận tấn công. Hơn nữa, trẻ em có cơ thể thấp nên khi bị chó cắn thường sẽ bị ở đầu, mặt, cổ nhiều hơn là người lớn.

Mặt khác, trẻ cũng chưa ý thức về bệnh nên giấu vết thương, không thông báo cho gia đình, làm lỡ cơ hội điều trị. Năm 2023, Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) từng tiếp nhận hai bé trai 8 tuổi và 13 tuổi ở Đắk Nông bị chó cắn tử vong. Trước đó, hai bé bị chó cắn nhưng không báo, gia đình chỉ phát hiện được khi hai bé phát bệnh và chó chết bất thường.

Tình trạng trẻ em bị chó cắn xảy ra ở nhiều quốc gia trên thế giới, không riêng Việt Nam. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ thống kê có 4.5 triệu trường hợp chó cắn xảy ra mỗi năm. 1/5 trong số đó phải nhập viện, phần lớn trẻ em. Viện Y tế Quốc gia Mỹ ước tính tỷ lệ bệnh nhi nhập viện cấp cứu do chó cắn cao nhất trong số các bệnh, với chi phí y tế hàng năm khoảng 252 triệu USD.

Do đó, trẻ em thường xuyên tiếp xúc với động vật nhưng thiếu sự giám sát của người thân và các đối tượng có nguy cơ mắc bệnh dại cao có thể tiêm vắc-xin dự phòng dại trước khi bị cào, cắn.

Các nhóm nguy cơ cao gồm, khu dân cư lưu hành bệnh dại, ít được tiếp cận đầy đủ và kịp thời với điều trị sau phơi nhiễm; người thường xuyên tiếp xúc với động vật có nguy cơ cao lây nhiễm bệnh (bác sĩ thú y, nhân viên phòng thí nghiệm, người xử lý, giết mổ động vật, kiểm lâm…); người di chuyển đến các khu vực có nguy cơ cao mắc bệnh dại hoặc các khu vực xa xôi, khó tiếp cận điều trị dự phòng.

Bệnh dại trên người hoàn toàn có thể điều trị dự phòng bằng vắc-xin hay huyết thanh kháng dại. Hiện nhận thức của người dân về bệnh ngày càng cao. Bên cạnh nhiều người chủ động chích ngừa ngay khi bị vật nuôi cắn/cào, nhiều người còn chủ động tiêm trước khi phơi nhiễm (trước khi bị cắn/cào)

Việc tiêm dự phòng vắc-xin dại trước phơi nhiễm có nhiều lợi ích vì chỉ cần tiêm 3 mũi, khi có vết thương do bị vật nuôi cắn, cào chỉ cần tiêm thêm 2 mũi và không cần tiêm huyết thanh. Trường hợp chưa tiêm dự phòng vắc-xin dại, người dân cần tiêm 5 mũi và có thể phải tiêm huyết thanh tùy theo tình trạng vết thương.

Ngoài ra, tiêm ngừa vắc-xin dại còn là cách bảo vệ trước một nguồn lây bệnh là động vật hoang dã như khỉ, dơi, chuột, chồn, cáo, cầy, sóc, thỏ…

Đây là một nhóm động vật có thể lây bệnh dại nhưng chưa được quan tâm cảnh báo. Bệnh lây từ các loài động vật này sang người thông qua tiếp xúc khi đi rừng, du lịch, trekking và các hành vi như giết mổ, ăn thịt thú rừng. 

Vắc-xin dại thế hệ mới không chứa các tế bào thần kinh, không gây ảnh hưởng đến trí nhớ và sức khỏe của người tiêm, đáp ứng miễn dịch cao sau khi tiêm đủ liều. 

Xử trí khi bị vật nuôi cắn, cào. Các bước xử trí khi bị chó mèo hoặc vật nuôi, động vật hoang dã cắn, cào, liếm vào vết thương hở như sau:

Sơ cứu tại chỗ: Xối rửa vết thương bằng xà phòng với nước hoặc nước sạch dưới vòi nước trong vòng 15 phút để rửa trôi virus. Sau đó tiếp tục sát trùng vết thương với cồn 45-70% hoặc cồn iod hoặc povidone - iodine (nếu có).

Nếu vết thương chảy máu, không nên nặn máu, chà xát, đắp lá, làm dập nát vết thương. Che vết thương bằng băng gạc y tế, không băng kín hoặc khâu kín vết thương. Đến cơ sở tiêm chủng để được tư vấn và tiêm vắc-xin càng sớm càng tốt

Bên cạnh đó, ngoài tiêm vắc-xin dại, tùy vào tình trạng vết thương và lịch sử tiêm chủng, bác sĩ sẽ chỉ định tiêm ngừa thêm vắc-xin uốn ván.

Nguyên do là bào tử của trực khuẩn uốn ván thường tồn tại trong môi trường bên ngoài như đất, bụi bẩn, cống rãnh, phân người, phân súc vật và có thể lây nhiễm cho con người qua mọi loại vết thương hở.

Các loài động vật thường có thói quen đào bới đất cát và tiếp xúc với vi khuẩn uốn ván nên có thể truyền mầm bệnh qua người thông qua các vết cắn, cào. Mặt khác, người có vết thương vẫn có thể bị lây nhiễm uốn ván khi vui chơi, sinh hoạt thường ngày.

Uốn ván là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính, có tỷ lệ tử vong cao do hệ thần kinh bị tổn thương gây co cứng cơ, suy hô hấp. Tiêm phòng uốn ván là cách dự phòng bệnh hiệu quả cao và tiết kiệm chi phí điều trị.

Người lớn nên dự phòng uốn ván bằng cách tiêm ba liều cơ bản, sau đó tiêm nhắc mỗi 10 năm một lần. Trường hợp có vết thương lớn sau khi chủng ngừa đầy đủ trong 5-10 năm, chỉ cần một mũi tiêm, không cần huyết thanh.

Nếu khoảng cách từ liều tiêm cuối cùng đã quá 10 năm, người dân phải tiêm nhắc một mũi dù vết thương nhỏ, sạch. Đối với vết thương lớn, nguy cơ mắc bệnh cao, người dân cần một mũi vắc-xin, kết hợp huyết thanh kháng độc tố uốn ván.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư