Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 27 tháng 09 năm 2024,
Bội chi tăng mạnh là do kỷ luật tài chính - ngân sách chưa nghiêm
Hàn Tín - 31/05/2015 08:09
 
Giữa tuần qua, Quốc hội đã thảo luận ở hội trường về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2013 - một năm được đánh giá là ngân sách bấp bênh nhất từ trước đến nay do kinh tế thế giới và khu vực diễn biến phức tạp, ảnh hưởng không nhỏ tới kinh tế trong nước, hoạt động sản xuất - kinh doanh gặp khó khăn, khiến tăng trưởng GDP chỉ đạt 5,42%, thấp hơn so với kế hoạch là tăng 5,5%.

Cuối năm 2012, Quốc hội giao nhiệm vụ thu ngân sách năm 2013 phải đạt tối thiểu 816.000 tỷ đồng, đến giữa năm 2013, Chính phủ dự kiến hụt thu 63.630 tỷ đồng, buộc Quốc hội phải nâng mức bội chi từ 4,8% GDP lên 5,3% GDP. Tại Kỳ họp Quốc hội thứ 7 (tháng 5/2014), Chính phủ báo cáo chỉ hụt thu 21.563 tỷ đồng. Nhưng cuối cùng, năm 2013, thu ngân sách nhà nước lại tăng 1,5% so với dự toán (tăng 12.348 tỷ đồng).

 

Tuy nhiên, theo ông Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, nếu phân tách một cách đầy đủ thì năm 2013, ngân sách nhà nước không hề tăng thu, mà ngược lại.

Cụ thể, số tăng thu là nhờ thu 29.100 tỷ đồng cổ tức và lợi nhuận còn lại sau khi trích các quỹ tại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước (nằm ngoài dự toán); các khoản thu khác, chủ yếu là thu phạt vi phạm hành chính, thu hồi vốn ngân sách từ các tổ chức kinh tế, thu hồi các khoản chi năm trước… tăng 14.565 tỷ đồng. “Nếu không kể các khoản thu đặc thù không nằm trong dự toán, thì thu ngân sách năm 2013 chỉ đạt 94,7% dự toán”, ông Hiển cho biết.

Thu ngân sách mặc dù gặp vô vàn khó khăn, nhưng đứng trước nhiều khoản không thể không chi, như hỗ trợ ngư dân đóng tàu đánh bắt xa bờ; đóng tàu, trang thiết bị cho cảnh sát biển, lực lượng kiểm ngư; thực nhiệm một số nhiệm vụ thực sự cấp bách về an sinh xã hội…, với tổng số chi lên tới 1.088.153 tỷ đồng, tăng 110.153 tỷ đồng so với dự toán, nên cuối cùng, bội chi đã nhảy vọt lên 6,6% GDP, với con số tuyệt đối là 236.769 tỷ đồng, vượt 41.269 tỷ đồng so với mức Quốc hội đã điều chỉnh.

Bộ trưởng Bộ Tài chính, ông Đinh Tiến Dũng khẳng định, các nhiệm vụ chi thường xuyên cơ bản hoàn thành dự toán. Ngay cả khoản chi cho giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ không đạt dự toán, nhưng theo ông Dũng, cũng “đã có tiến bộ hơn năm trước đó”. Cụ thể, chi cho lĩnh vực giáo dục - đào tạo chỉ đạt 94,6% dự toán, song vẫn tiến bộ hơn so với năm 2012 (đạt 93,5% dự toán). Tương tự, chi cho lĩnh vực khoa học - công nghệ chỉ đạt 85,3% dự toán, nhưng vẫn “tiến bộ” hơn năm 2012 (đạt 82,7% dự toán).

“Số chi cho hai lĩnh vực trên đạt thấp là do ngân sách bố trí nguồn để thực hiện các chế độ, chính sách mới ban hành, song một số chế độ, chính sách mới ban hành cần có thời gian tổ chức triển khai từ cơ sở (như chính sách hỗ trợ giáo dục mầm non, hỗ trợ giáo dục phổ thông ở vùng khó khăn…), nên chưa chi kịp trong năm”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng lý giải.

Ông Trần Quang Chiểu, đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định tỏ ra khá bất ngờ khi bội chi năm 2013 lên tới 6,6% GDP, thay vì mức 5,3% GDP (mức đã được Quốc hội điều chỉnh nâng từ 4,8% GDP lên 5,3% GDP). Theo ông Chiểu, việc bội chi tăng mạnh là do kỷ luật tài chính - ngân sách không nghiêm.

“Nhiều khoản thu không thực chất, tức là không phải do hiệu quả sản xuất - kinh doanh mang lại. Trong khi chi ngân sách quản lý lỏng lẻo, đặc biệt là khoản tăng chi giải ngân vốn đối ứng đối với dự án sử dụng vốn ODA không báo cáo Quốc hội kịp thời để điều chỉnh vốn, dẫn đến bội chi tăng”, ông Chiểu phát biểu và dự đoán, với tình hình này, năm 2014, bội chi chắc chắn không thể giữ được ở mức 5,3% GDP, thậm chí còn cao hơn mức 5,69% GDP như Chính phủ mới dự kiến.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cũng thừa nhận, công tác quản lý ngân sách nhà nước ở không ít đơn vị, địa phương còn một số tồn tại, hạn chế. Mặc dù vậy, Bộ Tài chính vẫn kiến nghị Quốc hội thông qua quyết toán ngân sách nhà nước 2013, với tổng số thu là 1.084.064 tỷ đồng (bao gồm cả nguồn năm 2012 chuyển sang, thu kết dư ngân sách địa phương, thu từ quỹ dự trữ tài chính…); tổng số chi là 1.277.710 tỷ đồng (bao gồm cả chuyển nguồn từ năm 2013 sang năm 2014); bội chi 236.769 tỷ đồng, bằng 6,6% GDP (không bao gồm kết dư ngân sách địa phương 43.123 tỷ đồng).

Chưa vội dùng tiền tăng thu ngân sách để trả nợ công
Theo báo cáo bổ sung tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2014, sẽ được trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9, ngân sách nhà...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư