Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Bơi trong thị trường tỷ đô, vàng nữ trang Việt vẫn ngày càng teo tóp
Thùy Liên - 04/12/2014 09:28
 
Vàng trang sức ngoại nhập đang chiếm lĩnh thị trường Việt Nam, dù sản xuất, chế tác vàng trang sức là nghề truyền thống của nước ta. Nhiều năm gần đây, doanh nghiệp (DN) vàng không những không mạnh lên, mà dường như lại đuối sức dần.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Thâu tóm vàng Agribank: Người bán chần chừ, người mua sốt sắng
Hiệp hội vàng phản đối tăng thuế xuất khẩu vàng trang sức
Mơ hồ quy định về chất lượng vàng
Doanh nghiệp vàng khát nguyên liệu nhập khẩu
"Thắt" vàng miếng, cần mở đường cho vàng trang sức

Tiềm lực tài chính yếu, nghèo nàn về mẫu mã

Theo báo cáo kết quả hoạt động của Tổng công ty Vàng Agribank (AJC), trong tháng 10/2014, AJC lỗ tới 606,7 triệu đồng. Lũy kế 10 tháng đầu năm 2014, Tổng công ty lỗ 1,59 tỷ đồng. Trước đó, năm 2013, Tổng công ty cũng lỗ tới 2,7 tỷ đồng. 

   
  Nhiều năm gần đây, doanh nghiệp vàng không những không mạnh lên, mà dường như lại đuối sức dần  

Theo một cổ đông của AJC, sự thua lỗ của AJC không có gì là khó hiểu, khi các cơ chế xin - cho không còn, nhu cầu vàng miếng của người dân giảm sút, trong khi các mẫu mã vàng trang sức của AJC “mười năm nay vẫn không hề thay đổi”.

Hiện tại, cả nước có khoảng 12.000 đơn vị sản xuất, gia công vàng trang sức được Ngân hàng Nhà nước cấp phép, song chỉ có rất ít DN (như DOJI, PNJ, SJC...) đầu tư lớn cho sản xuất vàng trang sức, các DN còn lại chủ yếu là gia công, quy mô nhỏ và ngày càng teo tóp.

Ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI cho biết, đầu tư vào vàng nữ trang không dễ ăn, bởi chi phí đầu tư tốn kém cả về máy móc công nghệ, hạ tầng lẫn mẫu mã, mạng lưới bán hàng… “Chính vì vậy, dù lao động Việt Nam có tay nghề khá, khéo tay, song vàng trang sức nước ta đang thua hàng ngoại nhập về sự sáng tạo mẫu mã thiết kế và giá thành sản phẩm”, ông Phú thừa nhận.

Theo tính toán của các DN vàng, để cạnh tranh ở lĩnh vực vàng trang sức, DN phải đầu tư một mạng lưới bán hàng rộng lớn để tăng độ phủ thương hiệu. Chi phí đầu tư một trung tâm vàng bạc đá quý lớn tại các thành phố như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng lên tới cả trăm tỷ đồng, trong khi các DN kinh doanh vàng không được tiếp cận vốn ngân hàng trong một thời gian dài. Hơn nữa, vòng quay vốn của vàng trang sức rất chậm (khoảng 6 tháng), nên nếu DN không có tiềm lực tài chính mạnh thì không thể tham gia cuộc chơi lâu dài. Đây là lý do tại sao  trên thị trường mới chỉ có ít thương hiệu vàng nữ trang có thể cạnh tranh.

Lo ngại trước các DN ngoại

Quy mô thị trường vàng nước ta ước khoảng 3 tỷ USD, trong đó tỷ trọng của vàng trang sức ngày càng tăng. Tuy nhiên, các DN lớn trong nước mới chiếm khoảng 20% thị phần vàng trang sức, 80% còn lại là sản phẩm của các DN  nhỏ và hàng ngoại nhập. Quan sát trên thị trường không khó để nhận thấy, vàng nữ trang nhập khẩu từ Trung Quốc (đa số là nhập lậu), Đài Loan, Hồng Kông… chiếm tỷ lệ lớn.

Ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA) nhận định, hiện vàng nữ trang Trung Quốc chiếm đến 10% thị phần của thị trường phía Nam và gần 20% thị phần của thị trường phía Bắc. 

Các doanh nghiệp vàng cho hay, vàng Trung Quốc giá rẻ có chất lượng thua xa vàng nữ trang trong nước, còn với loại chất lượng cao thì về giá cả, vàng trong nước hoàn toàn có thể cạnh tranh. Tuy nhiên, xét về mẫu mã, vàng nhập khẩu từ Trung Quốc và các nước khác đều hơn hẳn Việt Nam. 

Được biết, không chỉ xuất khẩu sản phẩm sang Việt Nam, mà hiện nhiều DN vàng nữ trang của Thái Lan, Hồng Kông, Đài Loan… đã sang để tìm hiểu thị trường Việt Nam và tìm đối tác trong nước để lập công ty liên doanh sản xuất vàng trong nước. Một số DN vàng nước ngoài đã thiết lập các đại lý, văn phòng đại diện ở Việt Nam.  

Trong khi sự cạnh tranh của đối tác ngoại đã vào tới tận cửa, thì các DN trong nước đang gặp vô vàn khó khăn do không được nhập khẩu nguyên liệu, mà phải mua nguyên liệu trôi nổi trong nước với giá cao và chất lượng không bảo đảm, còn sắp bị tăng thuế xuất khẩu lên 2% thay vì 0% hiện nay.

“Hiện tại, nhiều nước trên thế giới không chỉ áp dụng thuế xuất khẩu vàng trang sức 0%, mà còn cho nhập khẩu vàng nguyên liệu thoải mái với thuế nhập khẩu 0%. Vì vậy, ngay cả khi áp dụng thuế xuất khẩu 0%, DN vàng trang sức Việt Nam đã khó cạnh tranh với vàng nước ngoài, vì phải mua nguyên liệu với giá cao”, ông Đinh Nho Bảng, Phó chủ tịch, kiêm Tổng thư ký VGTA lo ngại.

Ngoài cơ chế chính sách, nội lực yếu và không chịu đầu tư bài bản cho dây chuyền thiết bị, đào tạo nhân lực của DN cũng là lý do khiến ngành chế tác vàng nữ trang Việt Nam đuối dần. Để nuôi lớn các DN vàng nữ trang, ngoài nỗ lực đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh của từng DN, Nhà nước cũng cần có những chính sách hỗ trợ, thích đáng nếu muốn ngành này phát triển.

Điều đầu tiên để ngành vàng trang sức phát triển là phải cho DN được nhập khẩu nguồn nguyên liệu để giảm giá thành, song khả năng này khó xảy ra, bởi Ngân hàng Nhà nước lo ngại vàng nhập khẩu sẽ không đi vào sản xuất vàng nữ trang, mà sẽ tái xuất vàng dưới dạng nữ trang trá hình.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư