Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 07 năm 2024,
“Bổn cũ soạn lại”, ĐHĐCĐ Chứng khoán SBS tiếp tục phải chờ đến lần 3
Tùng Linh - 28/05/2024 14:52
 
Tỷ lệ số cổ phần có quyền biểu quyết tham dự đại hội trong lần thứ 2 chỉ vỏn vẹn 9,3%, không đạt đủ điều kiện 33% như quy định.

Công ty Cổ phần Chứng khoán SBS (mã SBS-sàn UPCoM) sẽ tổ chức cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2024 lần thứ ba vào sáng ngày 14/6/2024 tại Tp.HCM. Sau hai lần bất thành, cuộc họp chắc chắn diễn ra ở lần tới do không còn cần thoả mãn yêu cầu về tỷ lệ tham dự.

Trước đó, Chứng khoán SBS chỉ có 5 cổ đông, tương ứng tỷ lệ sở hữu hơn 5% đến dự tại lần họp đầu tiên tổ chức hôm 29/4. Ở lần thứ hai, tổ chức ngày 24/5, Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024 cũng không đủ điều kiện tổ chức khi chỉ có vỏn vẹn 3 nhà đầu tư tới dự, đại diện 9,3% số cổ phần có quyền biểu quyết.

Từ năm 2022 đến nay, cả bốn cuộc họp ĐHĐCĐ đều phải chờ tới lần thứ 3 mới có thể tổ chức. Tại cuộc họp gần nhất tổ chức đầu tháng 6/2023, tổng cộng cũng chỉ có 9 cổ đông trong tổng cộng 21.175 cổ đông tại thời điểm chốt quyền đăng ký tham dự đại hội tới dự. Tỷ lệ số cổ phần có quyền biểu quyết cũng chỉ hơn 15,2%.

Cơ cấu cổ đông phân tán nhiều năm qua đã khiến các cuộc họp của Chứng khoán SBS tổ chức khó khăn. Cũng phải nói thêm rằng, hơn mười năm trước, công ty chứng khoán này từng đứng đầu trong khối các công ty chứng khoán về quy mô vốn điều lệ, thậm chí có thừoi điểm nắm thị phần môi giới top đầu. Sacombank từng là cổ đông sáng lập, sở hữu tỷ lệ cổ phần chi phối. Tuy nhiên, kể từ năm 2011, Sacombank đã không còn là công ty mẹ của SBS. Báo cáo quản trị của SBS các năm qua cũng cho thấy,  Sacombank không còn là cổ đông lớn của SBS. Kinh doanh thua lỗ đã khiến cổ phiếu SBS này nhận án hủy niêm yết và rời sàn HOSE từ năm 2013. 

Dự kiến tại Đại hội năm nay, SBS sẽ tiếp tục trình đến ĐHĐCĐ tiếp tục xem xét phương án phát hành riêng lẻ trị giá tối đa 300 tỷ đồng với thời gian dự kiến phát hành từ nay đến hết năm 2025. Nắm trước, cổ đông đã thông qua phương án phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ lên thêm tối đa 500 tỷ đồng, dự kiến thực hiện trong năm 2023 đến năm 2025. Tuy nhiên, theo ban lãnh đạo công ty, do nhiều yếu tố khách quan, SBS chưa tìm được nhà đầu tư phù hợp, do đó vẫn chưa tiến hành được các phương án chào bán riêng lẻ trên.

Hiện SBS có quy mô vốn điều lệ lên tới 1.466 tỷ đồng. Tuy nhiên, với khoản lỗ luỹ kế hàng nghìn tỷ đồng xuất hiện từ năm 2011 và tiếp tục “dày hơn” các năm qua, vốn chủ sở hữu của SBS đến cuối năm 2023 chỉ còn vỏn vẹn 344 tỷ đồng.

Năm 2024, Chứng khoán SBS đặt mục tiêu thu về khoảng 120 – 140 tỷ đồng doanh thu thuần. Lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh kế hoạch khoảng 8 - 10 tỷ đồng. Trong khi doanh thu đi ngang, con số lợi nhuận trên khả quan hơn nhiều mức lãi chỉ hơn nửa tỷ đồng của năm 2023. Dù kỳ vọng sẽ có lãi nhiều hơn, với khoản lỗ luỹ kế “khủng”, SBS sẽ tiếp tục chưa thể chia cổ tức cho các cổ đông.

ĐHĐCĐ Cảng Đình Vũ: Đặt mục tiêu doanh thu 700 tỷ đồng, chia cổ tức 50%
Sáng 13/5, ĐHĐCĐ thường niên 2024 của Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Cảng Đình Vũ (DinhvuPort; HoSE: DVP) thông qua nhiều nội dung gồm đặt...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư