Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 21 tháng 12 năm 2024,
BP điều chỉnh chiến lược, thu hẹp chỉ tiêu sản lượng dầu mỏ
Đông Phong - 07/10/2024 16:35
 
Tập đoàn BP đã thu hẹp chỉ tiêu cắt giảm sản lượng dầu mỏ và khí đốt vào năm 2030 do CEO Murray Auchincloss điều chỉnh chiến lược chuyển đổi năng lượng để lấy lại niềm tin của nhà đầu tư, ba nguồn thạo tin của Reuters cho hay.
Logo của tập đoàn BP tại London ngày 12/5/2021. Ảnh: AFP
Logo của tập đoàn BP tại London ngày 12/5/2021. Ảnh: AFP

Nỗ lực lấy lại niềm tin của nhà đầu tư

Khi được công bố vào năm 2020, chiến lược chuyến đổi năng lượng của tập đoàn dầu khí Vương quốc Anh BP là tham vọng nhất trong ngành, với cam kết cắt giảm sản lượng 40% dầu mỏ và khí đốt đồng thời tăng nhanh tỷ trọng năng lượng tái tạo vào năm 2030.

Tuy nhiên, đến tháng 2 năm ngoái BP đã thu hẹp mục tiêu xuống mức giảm 25% và với mục tiêu này, họ sẽ sản xuất 2 triệu thùng mỗi ngày vào cuối thập kỷ.

Nắm quyền từ tháng 1, CEO Murray Auchincloss đã vật lộn để ngăn chặn đà trượt giá cổ phiếu BP vốn đã yếu kém hơn các đối thủ của mình, tính từ đầu năm đến nay. Với chiến lược hiện tại, BP được đặt dấu hỏi về khả năng tạo ra lợi nhuận.

BP vẫn tiếp tục nhắm mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. "Như ông Murray đã nói vào đầu năm... hướng đi vẫn như vậy - nhưng chúng tôi sẽ thực hiện như một công ty đơn giản hơn, tập trung hơn và có giá trị cao hơn", một người phát ngôn của BP cho biết.

Tương tự, Shell, đối thủ của BP, cũng đã thu hẹp chiến lược chuyển đổi năng lượng của mình kể từ khi CEO Wael Sawan nhậm chức vào tháng 1, đồng thời bán lại các doanh nghiệp năng lượng và năng lượng tái tạo và hủy bỏ các dự án bao gồm điện gió ngoài khơi, nhiên liệu sinh học và hydro.

Sự thay đổi tại cả tập đoàn dầu khí hàng đầu như BP và Shell diễn ra sau những nỗ lực tập trung trở lại vào vấn đề an ninh năng lượng châu Âu sau cú sốc giá năng lượng ở lục địa già.

BP đã đầu tư hàng tỷ USD vào các doanh nghiệp carbon thấp mới và cắt giảm mạnh đội ngũ thăm dò dầu khí của mình kể từ năm 2020.

Thế nhưng, các vấn đề về chuỗi cung ứng và chi phí và lãi suất tăng mạnh đã gây thêm áp lực lên lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp năng lượng tái tạo.

Reuters dẫn lời một nguồn tin cho biết, trong khi các đối thủ đã đầu tư vào dầu khí, thì BP đã bỏ bê hoạt động thăm dò trong vài năm qua.

Trở lại Trung Đông

Các nguồn tin của Reuters cho biết BP đang nhắm mục tiêu vào một số khoản đầu tư mới ở Trung Đông và Vịnh Mexico để tăng sản lượng dầu mỏ và khí đốt của mình.

Theo đó, BP đang đàm phán để đầu tư vào 3 dự án mới tại Iraq, bao gồm một dự án tại mỏ Majnoon. BP cũng nắm giữ 50% cổ phần trong một liên doanh vận hành mỏ dầu khổng lồ Rumaila ở miền Nam Iraq.

Vào tháng 8 vừa qua, BP đã ký một thỏa thuận với chính phủ Iraq để phát triển và thăm dò mỏ dầu Kirkuk ở phía Bắc, cũng bao gồm việc xây dựng các nhà máy điện và năng lượng mặt trời.

Không giống như các hợp đồng trong quá khứ đem về khoản lợi nhuận cực thấp cho các công ty nước ngoài, các thỏa thuận mới dự kiến giữa BP và Iraq sẽ bao gồm một mô hình chia sẻ lợi nhuận hào phóng hơn, các nguồn tin nói với Reuters.

Ngoài ra, tập đoàn dầu khí Anh cũng đang cân nhắc đầu tư vào việc tái phát triển các mỏ dầu ở Kuwait.

Tại Vịnh Mexico, BP đã thông báo sẽ tiếp tục phát triển khu mỏ phức tạp Kaskida và tập đoàn dầu khí Anh cũng có kế hoạch “bật đèn xanh” cho việc phát triển mỏ Tiber.

Chưa hết, BP cũng sẽ cân nhắc việc mua lại tài sản trong lưu vực đá phiến Permian trù phú để mở rộng công ty sản xuất kinh doanh trên đất liền của họ tại Mỹ. Đáng chú ý, trữ lượng của BP đã tăng thêm hơn 2 tỷ thùng kể từ khi mua lại doanh nghiệp này vào năm 2019.

CEO Auchincloss, người đã công bố chiến dịch tiết kiệm chi phí 2 tỷ USD vào cuối năm 2026, trong những tháng gần đây đã tạm dừng đầu tư vào các dự án điện gió ngoài khơi và nhiên liệu sinh học mới và cắt giảm số lượng dự án hydro carbon thấp xuống còn 10, từ con số 30.

Dẫu vậy, BP vẫn mua lại 50% cổ phần còn lại trong liên doanh điện mặt trời Lightsource BP cũng như 50% cổ phần trong công ty nhiên liệu sinh học Bunge của Brazil.

Tổng Thư ký OPEC: Ngành dầu mỏ toàn cầu cần đầu tư 500 tỷ USD mỗi năm
Ngày 22/5, Tổng Thư ký Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), ông Haitham Al Ghais cho rằng từ nay đến năm 2045, ngành dầu mỏ toàn cầu cần...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư