Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 24 tháng 12 năm 2024,
BSH: Tân binh sàn UPCoM sắp “về tay” hãng bảo hiểm Hàn Quốc đang kinh doanh ra sao?
Thanh Thuỷ - 23/07/2023 12:59
 
Bảo hiểm Sài Gòn - Hà Nội là doanh nghiệp thứ 11 của ngành bảo hiểm lên sàn và sắp “về một nhà” với DB Insurance. Trong phiên đầu chào sàn, không cổ phiếu BHI nào được chuyển nhượng.

Cổ phiếu bảo hiểm thứ 11 lên sàn: Trắng thanh khoản phiên đầu tiên

Theo quyết định của Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội, toàn bộ 100 triệu cổ phiếu của Tổng công ty Bảo hiểm Sài Gòn - Hà Nội chính thức giao dịch trên sàn UPCoM với mã BHI từ ngày 21/7. Giá tham chiếu trong phiên mở cửa là 12.000 đồng/cổ phiếu. Với biên độ dao động 40%, cổ phiếu BHI có thể giao dịch trong khoảng 7.200 - 16.800 đồng.

Ghi nhận trong phiên giao dịch đầu tiên, dù dư mua lớn, cổ phiếu BSH không được chuyển nhượng do cạn cung.

BHI là cổ phiếu thứ 11 của ngành bảo hiểm đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán. Hầu hết nhóm này đều đang giao dịch ở hai sàn niêm yết HoSE và HNX. Riêng nhóm đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM còn 2 doanh nghiệp khác gồm AIC (Bảo hiểm Hàng Không) và BLI (Bảo hiểm Nhà Rồng).

Trước thời điểm quyết định lên sàn, vào giữa tháng 6, thông tin đáng chú ý là một nhóm 21 cổ đông sở hữu cổ phần Tổng công ty Bảo hiểm Sài Gòn - Hà Nội  bao gồm 19 cá nhân và 2 tổ chức đã ký kết hợp đồng chuyển nhượng 75 triệu cổ phiếu (tương đương với 75% cổ phần) cho DB Insurance Co., Ltd. Nhóm cổ đông này đã gửi và không cần chào mua công khai.

Thực tế, định chế tài chính từ Hàn Quốc này đang có những bước đi sâu hơn vào thị trường bảo hiểm Việt Nam. Trước đó, tháng 2 vừa qua, thông tin từ Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Hàng không (VNI) cho biết, DB Insurance sẽ nhận chuyển nhượng 75% cổ phần của VNI sau khi được sự chấp thuận của Bộ Tài chính và hoàn tất các thủ tục theo quy định của pháp luật. VNI hiện đã giao dịch trên sàn chứng khoán với mã AIC.

Từ năm 2015, DB Insurance đã mua thành công 30 triệu cổ phần PTI (tương ứng 37% vốn điều lệ) để hiện diện tại Việt Nam. Tại đây, DB Insurance không là cổ đông lớn nhất, sau khi cổ đông lớn Tổng công ty Bưu điện Việt Nam thoái vốn 22,67% nhóm cổ đông liên quan đến Công ty cổ phần Chứng khoán VNDirect đang nắm giữ khoảng 42,33%. Tuy nhiên, nhóm DB Insurance vẫn đang có quyền phủ quyết tại PTI.

Tại Hội nghị Sơ kết kinh doanh 6 tháng đầu năm & triển khai kế hoạch kinh doanh 6 tháng cuối năm 2023 vừa tổ chức hôm 21/7, ông Kim Kang Wook, Giám đốc bảo hiểm DBI Việt Nam cũng đã xuất hiện tại sự kiện này. Tuy vậy, thương vụ M&A tại BSH vẫn là câu chuyện ở tương lai. Ở thời điểm hiện tại, doanh nghiệp bảo hiểm này có ba cổ đông lớn gồm Chứng khoán SHS (9,98%), CTCP Đầu tư và tư vấn tài chính quốc tế (9,83%) và Tập đoàn T&T (9,95%). Tính đến tháng 6/2023, số lượng cổ đông của BSH là 3.371 nhà đầu tư, gồm 3.364 cá nhân và 7 tổ chức.

1/3 tài sản là khoản đầu tư cổ phần, phần lớn ở doanh nghiệp “nhà” T&T

Cập nhật kết quả kinh doanh tại Hội nghị sơ kết vừa qua, BSH ghi nhận kết quả tổng doanh thu phí bảo hiểm đạt 1.549,9 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2023, tăng 6% so với cùng kỳ. Công ty hiện đã hoàn thành 40,9 % kế hoạch doanh thu phí năm 2023. Trong đó nghiệp vụ bảo hiểm tài sản kỹ thuật và hàng hoá  tăng trưởng 18,6%; bảo hiểm xe cơ giới tăng trưởng 3%; bảo hiểm con người tăng trưởng 7%. Tỷ lệ bồi thường ô tô giảm 3,54% so với cùng kỳ. 

Kế hoạch kinh doanh năm 2023 đặt ra mục tiêu tăng trưởng doanh thu cao nhưng hạ thấp đáng kể lợi nhuận. Bảo hiểm BSH đặt kế hoạch kinh doanh với tổng doanh thu bảo hiểm đạt 3.777 tỷ đồng, tăng 21,1%. Trong đó doanh thu bảo hiểm gốc tăng 21,6% lên 3.700 tỷ đồng. Tuy nhiên, mục tiêu lợi nhuận trước thuế của Bảo hiểm BSH lại giảm 1 nửa, từ gần 27 tỷ xuống còn hơn 13 tỷ đồng. Trước đó, theo báo cáo tài chính quý I được công bố, Lợi nhuận trước thuế của Bảo hiểm BSH cũng giảm 27% so với quý I/2023, đạt gần 10,8 tỷ đồng.

Tính đến hết quý I/2023, Bảo hiểm BSH đã hoàn thành 17,8% kế hoạch bảo hiểm gốc và 83,1% kế hoạch lợi nhuận.

Năm 2022 là năm đầu tiên BSH lần đầu vượt mốc 3.000 tỷ đồng doanh thu phí bảo hiểm gốc, tăng 13,12% so với năm liền trước. Trong đó, tăng trưởng mạnh nhất là mảng bảo hiểm tài sản kỹ thuật - hàng hoá. Doanh thu phí bảo hiểm gốc tăng nhưng doanh thu thuần hoạt động kinh doanh bảo hiểm vẫn giảm do hoa hồng nhượng tái bảo hiểm thấp hơn cùng kỳ. Trong khi đó, doanh thu tài chính năm 2022 đạt 161 tỷ đồng, cao gấp đôi năm trước nhờ lãi kinh doanh chứng khoán.

“Kinh doanh chứng khoán là kênh đầu tư rất hiệu quả của BSH và mang lại lợi nhuận lớn”, bản công bố thông tin của BSH gửi đến các nhà đầu tư trước thềm cổ phiếu giao dịch trên sàn UPCoM nêu.

Các khoản đầu tư tài chính chiếm tỷ trọng lớn tại doanh nghiệp bảo hiểm này. Tuy vậy, khoản đầu tư cổ phiếu ngắn hạn đến cuối quý I/2023 xấp xỉ 115 tỷ đồng. Phần chính lại nằm tại các khoản dài hạn (góp vốn vào đơn vị khác) trị giá 1.248 tỷ đồng, tương đương 1/3 quy mô tổng tài sản.

Danh mục khoản đầu tư tài chính dài hạn của BSH tại ngày 30/6/2022.

Theo số liệu chi tiết trong báo cáo tài chính bán niên năm 2022, khoản đầu tư tài chính dài hạn của BSH chiếm 48% tổng tài sản. Trong đó, hai khoản góp vốn có giá trị lớn nhất là Tổng công ty Rau quả Nông sản - CTCP (267 tỷ đồng) và Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam - CTCP (232 tỷ đồng). Cả hai doanh nghiệp này đều có tỷ lệ sở hữu lớn Tập đoàn T&T - cổ đông lớn của BSH.

Bảo hiểm DB (Hàn Quốc) mua 75% cổ phần Bảo hiểm BSH
Thương vụ dự kiến diễn ra theo phương thức khớp lệnh và/hoặc thỏa thuận thông qua hệ thống giao dịch UPCOM sau khi nhận được chấp thuận của...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư