Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 17 tháng 05 năm 2024,
Quy hoạch Đà Nẵng kiến tạo đô thị đáng sống chuẩn quốc tế
Bức tranh hạ tầng giao thông của một “siêu đô thị”
Hoàn Nhân - 25/11/2023 08:08
 
Quy hoạch TP. Đà Nẵng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt là cơ sở để nhiều dự án hình thành, đặc biệt là dự án trong lĩnh vực hạ tầng giao thông, hướng đến xây dựng Đà Nẵng trở thành một “siêu đô thị”.
Mạng lưới giao thông tại Đà Nẵng ngày càng được hoàn thiện và đổi mới nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội 	Ảnh: Huỳnh Văn Truyền
Mạng lưới giao thông tại Đà Nẵng ngày càng được hoàn thiện và đổi mới nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh: Huỳnh Văn Truyền

Quy hoạch bài bản, coi trọng đầu tư

Đà Nẵng sở hữu hệ thống hạ tầng giao thông đa dạng, gồm đường hàng không, đường bộ, đường sắt, đường biển và đường thủy nội địa. Hạ tầng giao thông đô thị được quy hoạch bài bản và hiện đại, các tuyến giao thông trọng điểm đã và đang được đầu tư kết nối với cao tốc Bắc - Nam.

Theo ông Nguyễn Cửu Loan, Phó chủ tịch thường trực, kiêm Tổng thư ký Hội Quy hoạch phát triển đô thị Đà Nẵng, hạ tầng giao thông ở Đà Nẵng có những thay đổi vượt bậc qua từng gia đoạn. Nếu như trước năm 1975, toàn Thành phố chỉ có 60 tuyến đường, năm 1997 có hơn 90 tuyến đường, thì từ năm 1997 đến nay đã hình thành hơn 1.200 tuyến đường, nhiều cây cầu bắc qua sông được xây dựng, kết nối giao thông thuận tiện. Mỗi tuyến đường hình thành lại tạo ra một khu phố mới văn minh, hiện đại…

“Đầu tư hạ tầng giao thông luôn được xác định là công việc cực kỳ quan trọng, qua nhiều thời kỳ lãnh đạo của Thành phố, bởi Đà Nẵng có vị trí, vai trò đặc biệt đối với nền kinh tế nước ta trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa”, ông Loan nhấn mạnh.

Giai đoạn 2020 - 2025, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Đà Nẵng được giao làm chủ đầu tư một số dự án xây dựng, cải tạo hạ tầng giao thông của Thành phố. Trong đó, một số dự án đã hoàn thành như: cải tạo đường Ngô Quyền và đường Ngũ Hành Sơn, cải tạo cụm nút giao thông phía Tây cầu Trần Thị Lý, tuyến đường Trục I Tây Bắc, đường ven sông Tuyên Sơn - Túy Loan…

Trong chuyến kiểm tra tiến độ triển khai Dự án Cảng Liên Chiểu vào ngày 11/11/2023, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định, việc đầu tư Cảng Liên Chiểu mang tầm nhìn dài hạn. Trước mắt xác định đây là cảng nước sâu loại 1, tiến tới cảng đặc biệt. Với vị trí rất quan trọng, đây sẽ là cửa ngõ quốc tế tại khu vực duyên hải miền Trung ra thế giới, điểm kết nối của Hành lang kinh tế Đông Tây đi qua 4 quốc gia.

Ông Nguyễn Minh Huy, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Đà Nẵng cho biết, các dự án được hoàn thiện sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của khu vực dự án đi qua nói riêng và của Thành phố nói chung, tạo các tuyến giao thông kết nối và giải quyết những điểm nóng về xung đột giao thông kéo dài nhiều năm qua.

“Xác định được tầm quan trọng và ý nghĩa như vậy, nên trong quá trình triển khai các dự án, dù gặp vướng mắc do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan, như năng lực của các tổ chức tư vấn thiết kế; công tác phối hợp giữa chủ đầu tư; công tác giải phóng mặt bằng; ảnh hưởng nặng nề của Covid-19, thiên tai, bão lụt; giá cả nguyên vật liệu xây dựng tăng cao…, nhưng Ban đã quyết tâm vượt qua khó khăn, sớm hoàn thành, đưa các dự án giao thông vào khai thác”, ông Huy chia sẻ.

Đối với các dự án còn lại, như cải tạo tuyến đường DT601, Dự án Tuyến đường vành đai phía Tây…, Ban Quản lý dự án sẽ ưu tiên tập trung mọi nguồn lực để tiếp tục tháo gỡ khó khăn, sớm hoàn thành để đưa vào khai thác trước năm 2025.

Tập trung nguồn lực hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông

Theo Quy hoạch TP. Đà Nẵng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Đà Nẵng sẽ xây dựng tuyến đường Vành đai phía Tây 1 nằm giữa đường Vành đai phía Tây và đường bộ cao tốc; nghiên cứu quy hoạch và xây dựng hầm chui xuyên qua sân bay kết nối phía Đông và phía Tây; bổ sung các tuyến đường mới kết nối từ cảng Liên Chiểu đến đường tránh Nam hầm Hải Vân, Khu công nghiệp Hòa Khánh đến ga đường sắt mới để tạo thành trục chính kết nối Đông - Tây…; nâng cấp, mở rộng các nút giao giữa đường tỉnh với các quốc lộ, cải thiện năng lực lưu thông và độ an toàn tại các nút giao. Trong đó, tập trung vào một số tuyến như ĐT 601, ĐT 602, ĐT 605 có lưu lượng giao thông lớn với hệ thống Quốc lộ 1, 14B, 14G.

Đồng thời, Thành phố sẽ xây dựng tuyến cao tốc Đà Nẵng - Thạnh Mỹ - Ngọc Hồi - Bờ Y kết nối với cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi; nâng cấp cao tốc La Sơn - Túy Loan, Quốc lộ 14B, Quốc lộ 14G đoạn qua địa phận Đà Nẵng, đường tránh Nam Hải Vân; xây dựng các nút giao thông khác mức kết nối các tuyến đường quốc gia vào hệ thống giao thông đô thị.

Đà Nẵng có vị trí quan trọng trong trục kết nối khu vực. Hành lang kinh tế Đông - Tây qua Quốc lộ 1A nối cảng Tiên Sa với Thừa Thiên Huế, Quảng Trị đến cửa khẩu Lao Bảo, nối liền Lào, Thái Lan và Myanmar đến Đà Nẵng. Đây là cửa ngõ phía Đông giúp tăng cường kết nối Đà Nẵng với các nước láng giềng ở khu vực Đông Dương. Bên cạnh đó, hành lang kinh tế Đông - Tây 2 nối liền Lào, Thái Lan và Myanmar đến Đà Nẵng qua quốc lộ 14B, 14D, nối cửa khẩu quốc tế Nam Giang, Quảng Nam.

Ông Nguyễn Cửu Loan đánh giá, lợi thế địa - kinh tế này của Đà Nẵng, cộng thêm những tiềm năng phát triển và lực lượng lao động có trình độ cao, đã tạo điều kiện thuận lợi hình thành một hành lang thương mại quan trọng nằm giữa 2 vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc và phía Nam.

Cùng với các tuyến đường bộ, Thành phố cũng ưu tiên đầu tư xây dựng tuyến đường sắt đô thị kết nối Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng với khu vực trung tâm; xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao và đường sắt thường quốc gia đi cùng hành lang, chạy song song đường bộ cao tốc về phía Đông; quy hoạch tuyến đường sắt Đà Nẵng - Kon Tum kết nối với tuyến đường sắt quốc gia Bắc - Nam tại ga Đà Nẵng mới sau năm 2030; xây dựng Ga Trung tâm logistics đường sắt tại khu vực xã Hòa Liên.

Ngoài ra, quy hoạch hệ thống bãi đỗ xe trung chuyển, chuyển tiếp giữa các loại hình giao thông, trong đó ưu tiên trung chuyển hệ thống giao thông công cộng với phương tiện giao thông cá nhân tại các khu vực đầu mối giao thông.

Theo quy hoạch, đến năm 2030, Đà Nẵng sẽ nâng cấp, mở rộng khu hàng không dân dụng, sân đỗ máy bay để nâng công suất lên khoảng 25 triệu lượt hành khách/năm và là trung tâm logistics chuyên dụng hàng không. Đến năm 2050, Đà Nẵng tiếp tục mở rộng khu hàng không dân dụng, sân đỗ máy bay để nâng công suất lên 30 triệu hành khách/năm với các phân khu chức năng đa dạng, dịch vụ chất lượng cao, kết nối với hầu hết các quốc gia trên thế giới.

Thành phố cũng quy hoạch các tuyến đường liên kết, kết nối từ mạng giao thông đường bộ, đường chuyên dùng vào các cảng, bến thủy nội địa đồng bộ với quy hoạch chi tiết sử dụng đất tại vị trí cảng, bến thủy nội địa, tập trung vào khu bến Liên Chiểu, bến Tiên Sa, khu bến Thọ Quang. Cảng Đà Nẵng là cảng chính ở miền Trung Việt Nam và là cảng lớn thứ 3 tại Việt Nam, bao gồm cảng Tiên Sa và cảng Sông Hàn.

Do vị trí chiến lược ở cuối Hành lang kinh tế Đông Tây, cảng Đà Nẵng có tiềm năng trở thành cảng chính phục vụ Lào và là một giải pháp thay thế cho các nước Thái Lan và Myanmar.

Cuối năm 2022, Đà Nẵng đã khởi công Dự án Cảng Liên Chiểu có diện tích 450 ha, gồm 8 bến container tiếp nhận tàu 30.000 - 200.000 DWT; 6 bến tổng hợp tiếp nhận tàu 30.000 - 100.000 DWT; 1.200 m bến thủy nội địa và 6 bến hàng lỏng, khí; công suất khai thác đạt 50 triệu tấn/năm vào năm 2050. Tổng mức đầu tư của Dự án là 3.426,3 tỷ đồng.

Ngoài ra, Đà Nẵng tiếp tục mở rộng mạng lưới vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt nhằm tăng mật độ bao phủ tuyến, tăng cường kết nối với các phương thức vận tải khác; khuyến khích phương tiện thân thiện môi trường, như xe buýt điện, xe buýt sử dụng nhiên liệu sạch (khí CNG, LPG)... Đặc biệt, Đà Nẵng sẽ xây dựng tuyến giao thông công cộng (đường sắt đô thị hoặc phương thức tương đương) kết nối với TP. Hội An (tỉnh Quảng Nam) và thị trấn Lăng Cô (tỉnh Thừa Thiên - Huế).

Ông Nguyễn Cửu Loan nhận định, sau khi các phân khu chức năng trong Quy hoạch Tổng thể TP. Đà Nẵng được phê duyệt, thì rất nhiều dự án sẽ hình thành, đặc biệt là dự án hạ tầng giao thông, hướng tới xây dựng Đà Nẵng trở thành một “siêu đô thị” trong tương lai.

“Theo Quy hoạch TP. Đà Nẵng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, mạng lưới giao thông đô thị Đà Nẵng sẽ có những thay đổi lớn với các dự án hạ tầng giao thông mới, trong đó có vai trò trung tâm logistics lớn. Đặc biệt, Đà Nẵng sẽ trở thành một ‘siêu đô thị’ và đương nhiên sẽ mang lại lợi ích kinh tế rất lớn”, ông Loan nhấn mạnh.

Đà Nẵng trên “đường đua” đô thị thông minh, đáng sống
Đến năm 2030, Đà Nẵng sẽ là đô thị sinh thái, hiện đại và thông minh, thành phố đáng sống. Mục tiêu này đã và đang được chính quyền và nhân...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư