Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 15 tháng 01 năm 2025,
Bùng nhùng vụ kiện nhập khẩu đường từ Lào: Không tìm được lối trong “rừng” chính sách
Thanh Hương - 15/12/2017 07:48
 
Cơ quan Hải quan đã nộp đơn kháng cáo toàn bộ bản án vụ nhập khẩu đường của Công ty Hoàng Nam Giang.
TIN LIÊN QUAN

Nhập khẩu đường từ Lào: Mỗi người hiểu một cách

Sự việc bắt đầu từ ngày 21/4/2017, Công ty Hoàng Nam Giang đăng ký tờ khai nhập khẩu tại Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Kỳ Hà để nhập khẩu kinh doanh mặt hàng đường mía (DCR sugar), với khối lượng 120 tấn, trị giá nguyên tệ là 60.000 USD, xuất xứ từ Lào với C/O form S và khai báo thuế xuất nhập khẩu là 2,5% (ưu đãi giảm 50% thuế suất thuế nhập khẩu ATIGA theo phụ lục của Nghị định 124/2016/NĐ - CP) và thuế giá trị gia tăng là 5%. Tổng số tiền thuế theo doanh nghiệp khai báo là 103,5 triệu đồng.

Công ty Hoàng Nam Giang đã không thể thông quan lô hàng 120 tấn đường nhập khẩu từ Lào.
Công ty Hoàng Nam Giang đã không thể thông quan lô hàng 120 tấn đường nhập khẩu từ Lào.

Sau khi kiểm tra thực tế lô hàng vào ngày 24/4/2017, cơ quan hải quan nhận thấy có vướng mắc về chính sách thuế đối với mặt hàng đường nhập khẩu từ Lào do chưa quy định rõ mức thuế áp dụng trong hạn ngạch hay ngoài hạn ngạch thuế quan tại Nghị định số 124/2016/NĐ - CP, nên đã đề nghị các cơ quan chức năng hướng dẫn.

Trong khi chờ hướng dẫn của cấp có thẩm quyền, cơ quan hải quan đề nghị doanh nghiệp tạm thời thực hiện khai bổ sung mức thuế suất ngoài hạn ngạch 80% đối với mặt hàng đường để thông quan theo quy định.

Số tiền thuế theo tính toán mức thuế suất nhập khẩu là 80% và giá tính thuế khai báo là 520 USD/tấn được xác định là 1,257 tỷ đồng, cao hơn 1,149 tỷ đồng so với mức thuế 2,5% mà doanh nghiệp đề nghị.

Tuy nhiên, Công ty không đồng ý khai bổ sung mức thuế 80%, do đang gặp khó khăn về tài chính và kiến nghị được tạm giải phóng hàng mới mức thuế suất 2,5%, đồng thời cam kết sẽ thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ về thuế sau khi có ý kiến chính thức của Bộ Tài chính.

Đối chiếu với quy định hiện hành, Chi cục chưa đủ cơ sở để giải phóng hàng, đồng thời tiếp tục hướng dẫn Công ty thực hiện nộp thuế, hoặc có bảo lãnh của tổ chức tín dụng để bảo lãnh số tiền thuế với mức thuế suất ngoài hạn ngạch (80%).

Ngày 22/5/2017, Bộ Tài chính có Công văn số 6579/BTC - CST gửi Bộ Công thương xin ý kiến, theo đó, lượng đường mà Công ty Hoàng Nam Giang đã nhập khẩu được xác định là nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan và áp dụng mức thuế suất ngoài hạn ngạch là 80%.

Ngày 30/5/2017, bằng Công văn số 4724/BCT - XNK, Bộ Công thương đã đồng ý với đề xuất của Bộ Tài chính tại Công văn số 6579/BTC - CST về việc hướng dẫn thuế nhập khẩu đường có xuất xứ từ Lào đối với trường hợp Công ty Hoàng Nam Giang.

Tiếp đó, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Kỳ Hà ban hành Quyết định số 24/QĐ - KH ấn định thuế đối với lô hàng 120 tấn đường mà công ty nhập khẩu từ Lào.

Tuy nhiên, doanh nghiệp không đồng ý và tiến hành khởi kiện Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cảng Kỳ Hà vì cho rằng, việc nhập khẩu 120 tấn đường từ Lào của doanh nghiệp hội đủ điều kiện quy định tại khoản 2, Điều 4, Nghị định 124/2016/NĐ - CP, nên được hưởng thuế suất bằng 50% thuế suất thuế nhập khẩu của Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN - thuế suất ATIGA. Trong năm 2017, thuế nhập khẩu đường ATIGA là 5%, nên thuế suất thuế nhập khẩu đường từ Lào về sẽ là 2,5%.

Doanh nghiệp yêu cầu Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Kỳ Hà bồi thường hơn 2,26 tỷ đồng phí lưu bãi, hư hỏng hàng hóa, đền bù hợp đồng… cho đối tác, vì Công ty không thực hiện đúng hợp đồng.

Sau khi xem xét các chứng cứ, Hội đồng Xét xử đã tuyên hủy Quyết định số 24/QĐ - KH của Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Kỳ Hà về việc áp thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; buộc Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Kỳ Hà thực hiện nhiệm vụ công vụ theo đúng quy định của pháp luật liên quan đến lô hàng 120 tấn đường của Công ty Hoàng Nam Giang nhập từ Lào theo mức thuế xuất quy định.

Đối với đơn kiện đòi bồi thường hơn 2,26 tỷ đồng, Hội đồng Xét xử đã yêu cầu tách riêng, để giải quyết bằng một vụ án dân sự khác theo quy định của pháp luật Tố tụng dân sự khi Công ty Hoàng Nam Giang có yêu cầu.

Ngay sau đó, Chi cục Hải quan cảng Kỳ Hà (tỉnh Quảng Nam) đã nộp đơn kháng cáo Bản án sơ thẩm số 75/2017/HCST, kháng cáo toàn bộ Bản án hành chính của Toà án Nhân dân tỉnh Quảng Nam liên quan đến vụ việc này.

Với quyết định áp thuế nhập khẩu đường với Công ty Hoàng Nam Giang là 80%, phía Tổng cục Hải quan cũng ra thông cáo cho rằng, cơ quan hải quan đã nhiều lần hướng dẫn, đề nghị Công ty thực hiện áp dụng mức thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch. Tuy nhiên, Công ty đã không chấp thuận hướng dẫn của cơ quan hải quan, nên hàng hóa tồn đọng tại cảng là thuộc trách nhiệm của Công ty.

Không quota có được hưởng thuế ưu đãi?

Cần phải nhắc lại rằng, Công ty Hoàng Nam Giang không trúng thầu và cũng không tham gia phiên đấu giá hạn ngạch nhập khẩu đường từ Lào về được Bộ Công thương tổ chức ngày 23/8/2017.

Phiên đấu giá quyền sử dụng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu năm 2017 (khối lượng 89.500 tấn đường có mã HS 1701) đã bán hết toàn bộ quyền nhập khẩu cho các thương nhân và doanh nhân thuộc diện được tham gia đấu giá theo quy định.

Liên quan đến việc Công ty Hoàng Nam Giang không tham gia đấu giá hạn ngạch nhập khẩu đường, từ góc độ doanh nghiệp tham gia, bà Dương Thị Tô Châu, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Mía đường Thành Thành Công cũng nhận xét rằng, nếu chiếu theo quy chế của cuộc đấu thầu hạn ngạch nhập khẩu đường từ Lào về Việt Nam và được hưởng mức thuế suất nhập khẩu ưu đãi là 2,5%, Công ty Hoàng Nam Giang không thuộc diện đối tượng tham gia.

Bộ Công thương, trong Văn bản số 11107/BCT - XNK ngày 24/11, góp ý kiến về áp dụng thuế suất với mặt hàng đường nhập khẩu từ Lào về Việt Nam cho hay, khi gia nhập WTO, Việt Nam đã bảo lưu được quyền áp dụng hạn ngạch thuế quan với 4 mặt hàng, trong đó có đường.

Cũng theo khoản 3, Điều 5, Thông tư 04/2014/TT - BCT, ngày 27/1/2014, để được hưởng mức thuế trong hạn ngạch thuế quan, thương nhân cần có giấy phép do Bộ Công thương cấp và nếu không có giấy phép sẽ áp dụng mức thuế ngoài hạn ngạch thuế quan.

Trong ATIGA, Việt Nam chỉ cam kết Lộ trình F (thuế suất 5%) với đường nhập khẩu theo hạn ngạch (có giấy phép của Bộ Công thương). Đường nhập khẩu không theo hạn ngạch sẽ phải chịu thuế theo lộ trình D (SL), tức là, chịu thuế ngoài hạn ngạch như cam kết tại WTO.

Cũng tại Phụ lục 1b, Hiệp định Thương mại giữa Việt Nam và Lào, mặt hàng đường (mã HS 1710) được hưởng ưu đãi giảm 50% thuế suất thuế nhập khẩu ATIGA khi nhập khẩu vào Việt Nam. Tại Phụ lục 1b cũng không đưa ra cam kết về bãi bỏ chế độ hạn ngạch quan thuế áp dụng cho đường nhập khẩu từ các nước nói chung và từ Lào nói riêng.

Tại điều 20, Hiệp định ATIGA, Việt Nam cũng được quyền duy trì hạn ngạch với đường tối đa là tới năm 2018 và mức  thuế suất 5% ưu đãi này chỉ được áp dụng với lượng đường nhập khẩu theo hạn ngạch, tức là có giấy phép của Bộ Công thương.

Dẫu vậy, Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh cũng cho rằng, bộ này không có thẩm quyền diễn giải điều ước quốc tế, cũng như đề xuất “Bộ Tài chính cần kiểm tra với các chuyên gia của bộ này đã chủ trì, đàm phán và xây dựng biểu cam kết của Việt Nam tại ASEAN”.

Nghĩa là, lúc này, quả bóng lại nằm trong chân Bộ Tài chính, nơi có Tổng cục Hải quan với Chi cục Hải quan Cảng Kỳ Hà là đơn vị liên quan trực tiếp tới vụ kiện của Công ty Hoàng Nam Giang.

Vụ việc cũng cho thấy, có rất nhiều cách hiểu khác nhau giữa các cơ quan chức năng lẫn doanh nghiệp trong cùng một vấn đề khi có quá nhiều quy định liên quan trong các văn bản pháp quy của Nhà nước.

Dĩ nhiên, người chịu thiệt nặng nề vẫn sẽ là doanh nghiệp khi không tìm được lối ra trong “rừng” chính sách.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư