Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Bước chuyển chiến lược trong điều hành kinh tế
Hà Nguyễn - 06/09/2019 08:51
 
Nhìn vào những phác thảo ban đầu của Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 2020, đã có thể thấy rõ một “bước chuyển chiến lược” trong điều hành kinh tế của Chính phủ.
Nghe bài viết này tại đây :
.
Muốn kinh tế tăng trưởng nhanh và bền vững, không thể không ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tái cơ cấu nền kinh tế.

Điểm lại các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội mấy năm gần đây, có thể thấy rõ bước chuyển chiến lược đó. Nếu như năm 2018, mục tiêu tổng quát là “tiếp tục bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế”, thì năm 2019, “thúc đẩy tăng trưởng” đã được “lùi” xuống phía sau, sau các mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tính tự chủ và sức cạnh tranh của nền kinh tế; sau cả mục tiêu tập trung cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.

Còn sang năm 2020, không chỉ đứng sau các mục tiêu trên, mà mục tiêu “thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững” còn đứng sau cả các mục tiêu như cải cách thể chế, khơi thông nguồn lực; phát triển bứt phá thị trường trong nước; đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án quan trọng quốc gia, công trình trọng điểm; phát huy vai trò của các vùng kinh tế trọng điểm...

Trên thực tế, điều đó không có nghĩa “tăng trưởng kinh tế” là không quan trọng, mà Chính phủ đã đặt các mục tiêu phát triển trong dài hạn lên hàng đầu, coi trọng chất lượng, hiệu quả của nền kinh tế hơn là các mục tiêu tăng trưởng trong ngắn hạn.

Muốn kinh tế tăng trưởng nhanh và bền vững, không thể không ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tái cơ cấu nền kinh tế.

Muốn kinh tế tăng trưởng nhanh và bền vững, không thể chỉ trông chờ vào các chính sách tài khóa hay tiền tệ, mà phải là cải cách thể chế, khơi thông được các nguồn lực trong xã hội, phải tạo được bước đột phá cho 3 đột phá chiến lược là thể chế, hạ tầng, chất lượng nguồn nhân lực… và bao gồm cả động lực đến từ đổi mới sáng tạo.

Nền kinh tế Việt Nam sau lần “Đổi mới thứ nhất”, đã đạt được những thành công vang dội, nhưng những động lực tăng trưởng đã tới hạn, nên cần có “Đổi mới lần hai” với những cải cách về thể chế, chính sách kinh tế mạnh mẽ để tạo ra động lực phát triển mới.

Điều này vừa được Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 8/2019 và dường như đang dần từng bước được cụ thể hóa trong việc xây dựng Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 2020.

Người đứng đầu Chính phủ cũng đã chỉ đạo rằng, phải tiếp tục đẩy mạnh cải cách thể chế trên nền tảng ổn định vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Bên cạnh đó, phải theo dõi chặt chẽ tình hình thế giới và trong nước để có đối sách phù hợp, kịp thời, hiệu quả, không để bị động, bất ngờ trong chỉ đạo, điều hành; vừa ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, vừa phải đưa ra các công cụ, giải pháp tạo thêm dư địa cho điều hành, thúc đẩy tăng trưởng trong bối cảnh nhiều nước đang áp dụng các gói kích thích kinh tế. Đồng thời, cần vận dụng các chính sách kinh tế vĩ mô linh hoạt để ứng phó với các diễn biến bất lợi của kinh tế thế giới và khu vực; tăng khả năng chống chịu của nền kinh tế trước những biến động khó lường của kinh tế và thương mại thế giới.

Như vậy, là vừa phải sẵn sàng các giải pháp để chủ động điều hành, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn, vừa phải chuẩn bị một cách căn cơ, nền tảng cho sự tăng trưởng và phát triển của nền kinh tế trong dài hạn. Đó là bước chuyển chiến lược quan trọng, giúp Việt Nam không chỉ thực hiện tốt các kế hoạch phát triển - kinh tế xã hội hàng năm, mà còn là các kế hoạch 5 năm và chiến lược 10 năm. Bước chuyển chiến lược này càng có ý nghĩa quan trọng hơn trong bối cảnh Việt Nam đang chuẩn bị xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm tới, để chuẩn bị cho một giai đoạn phát triển tiếp theo của Việt Nam.

Muốn trỗi dậy, kinh tế Việt Nam cần một hệ điều hành mới
Cỗ máy kinh tế Việt Nam không chỉ cần định hướng đúng, mà còn cần một “hệ điều hành mới”, cần cải cách thể chế mạnh mẽ hơn, để có...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư