Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Buộc công ty con của doanh nghiệp nhà nước phải áp dụng Luật Đấu thầu là không cần thiết
Khánh Linh - 24/05/2023 13:02
 
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP.HCM) không đồng tình với phương án đưa các công ty con của doanh nghiệp doanh nghiệp nhà nước vào phạm vi điểu chỉnh của Luật Đấu thầu.
m
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa, đoàn TP.HCM tranh luận tại phiên họp sáng 24/5

Là đại biểu có quyền tranh luận cuối cùng trong phiên thảo luận tại Hội trường về Dự thảo Luật Đấu thầu sáng 24/5, đại biểu Trương Trọng Nghĩa bày tỏ quan điểm không đồng tình với các ý kiến mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật Đấu thầu.

“Không phải cứ làm ra Luật Đấu thầu, làm một số vòng kim cô là mọi việc sẽ tốt. Vì yếu tố cuối cùng là con người”, ông Nghĩa chia sẻ quan điểm.

Liên quan đến doanh nghiệp nhà nước, vốn nhà nước, đại biểu Nghĩa nhắc lại khái niệm về doanh nghiệp nhà nước và sự phân biệt giữa doanh nghiệp có vốn đầu tư Nhà nước. Khái niệm doanh nghiệp Nhà nước đã được sửa đổi, quy định tại Luật Doanh nghiệp là doanh nghiệp có vốn Nhà nước trên 50% vốn điều lệ là doanh nghiệp nhà nước. Đây là đối tượng điều chỉnh của Dự thảo Luật Đấu thầu, ông Nghĩa nhấn mạnh.

Nhưng với doanh nghiệp Nhà nước có trên 50% vốn Nhà nước đi đầu tư vào doanh nghiệp khác, với tỷ lệ vốn có thể chỉ chiếm khoảng 50%, mà phải chịu áp dụng Luật Đầu thầu như đề nghị của nhiều đại biểu phát biểu trước đó, ông Nghĩa cho là cực đoan, không cần thiết.

Quan điểm của ông là doanh nghiệp chịu trách nhiệm về hiệu quả hoạt động cuối cùng của họ. Khi quyết định làm ăn, chọn đấu thầu hay không, trong đầu doanh nghiệp không chỉ có tiền, mà còn nhiếu yếu tố khác, như thời cơ, thời gian...

“Quen biết - như nhiều đại biểu nói - cũng là yếu tố có lợi, nếu không có tiêu cực, vì họ làm ăn với nhau quen rồi cũng là lợi thế. Chúng ta cứ suy nghĩ một cách cực đoan rằng, cứ quấn nhiều vòng dây vào thì sẽ tốt hơn. Nhưng siết chặt có thể bớt được tiền bạc, nhưng doanh nghiệp làm ăn còn có nhiều yếu tố khác chứ không chỉ tiền bạc”, đại biểu Trương Trọng Nhĩa nhấn mạnh quan điểm.

Ông đề nghị chọn phương án 1, theo Tờ trình của Chính phủ, nghĩa là chỉ áp dụng với doanh nghiệp nhà nước. Còn với doanh nghiệp do doanh nghiệp nhà nước đầu tư vào thì có nhiều quy định khác để quản lý.

“Để các doanh nghiệp hoạt động theo quy định của pháp luật. Ai tham nhũng, tiêu cực thì có cơ quan thanh tra, kiểm tra... bằng các công cụ, phương tiện khác, chứ không thể dùng Luật Đấu thầu để khắc phục nạn tham nhũng”.

Trong sáng nay, nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội chọn phương án mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật Đấu thầu, với lý do ở nơi đâu có sử dụng vốn, tiền ngân sách nhà nước thì ở đó phải có cơ chế phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cũng lo ngại, nếu áp dụng, sẽ ảnh hưởng đến quyền kinh doanh của doanh nghiệp sở hữu vốn hỗn hợp, trong đó có vốn của doanh nghiệp nhà nước...

Tranh luận phạm vi áp dụng Luật Đấu thầu, các đại biểu tiếp tục có ý kiến khác nhau
Có nên mở rộng phạm vi áp dụng Luật Đấu thầu đối với công ty con của doanh nghiệp nhà nước tiếp tục là nội dung gây tranh luận trong phiên...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư