Thứ Năm, Ngày 03 tháng 04 năm 2025,
Buôn lậu thuốc lá phức tạp, tinh vi hơn khi đối tượng sử dụng công nghệ, mạng xã hội
D.Ngân - 02/04/2025 20:13
 
Các đối tượng buôn bán thuốc lá nhập lậu lợi dụng sự bùng nổ của thương mại điện tử, mạng xã hội và công nghệ số để thực hiện nhiều hành vi vi phạm tinh vi, phức tạp.

Mặc dù các cơ quan chức năng đã triển khai hàng loạt biện pháp mạnh mẽ để ngăn chặn, nhưng tình hình vẫn chưa thể kiểm soát triệt để. Điều này phần lớn do các phương thức buôn lậu ngày càng tinh vi và khó phát hiện, tạo ra những thách thức mới trong công tác phòng chống.

Tổng biên tập Báo Tiền Phong, ông Phùng Công Sưởng phát biểu tại Tọa đàm.

Tại tọa đàm “Phòng, chống buôn lậu thuốc lá - nhiều thách thức đặt ra” do Báo Tiền Phong tổ chức ngày 2/4, các đại biểu đều chung quan điểm rằng tình trạng buôn lậu thuốc lá trong những năm qua vẫn diễn biến phức tạp, gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng đối với nền kinh tế và sức khỏe cộng đồng.

Buôn lậu thuốc lá diễn biến phức tạp

Theo thống kê từ Tổng Cục Hải Quan, thuốc lá lậu chủ yếu được vận chuyển từ các quốc gia láng giềng như Campuchia, Trung Quốc, Lào và một số quốc gia khác. Những loại thuốc lá này không chỉ được tiêu thụ tại các tỉnh biên giới Tây Nam mà còn lan rộng đến TP.HCM, Hà Nội và các tỉnh miền Trung. Trong năm 2024, lực lượng chức năng đã phát hiện và thu giữ hàng triệu bao thuốc lá lậu, với các nhãn hiệu phổ biến.

Những thương hiệu này có giá thành rẻ hơn rất nhiều so với các sản phẩm hợp pháp, khiến thuốc lá lậu dễ dàng chiếm lĩnh thị trường, đặc biệt là trong nhóm người tiêu dùng thu nhập thấp.

Bên cạnh các tuyến biên giới, các đối tượng buôn lậu hiện nay đã sử dụng nhiều phương thức mới như vận chuyển qua thương mại điện tử, tạo điều kiện cho việc tiêu thụ thuốc lá lậu trở nên khó kiểm soát hơn. Mặc dù các biện pháp kiểm soát tại cửa khẩu và khu vực biên giới đã được thắt chặt, sự phát triển của công nghệ số đã tạo ra những thách thức lớn cho công tác phòng chống.

Lợi nhuận lớn là yếu tố chính thúc đẩy các đối tượng buôn lậu tiếp tục thực hiện hành vi phạm pháp. Thuốc lá lậu có giá thành thấp hơn rất nhiều so với các sản phẩm chính thức, khiến người tiêu dùng dễ dàng bị lôi kéo, đặc biệt là những đối tượng có thu nhập thấp. Bên cạnh đó, các đối tượng buôn lậu không gặp khó khăn đáng kể trong việc vận chuyển và tiêu thụ thuốc lá nhờ vào việc thiếu sự kiểm soát chặt chẽ từ các cơ quan chức năng.

Nhu cầu sử dụng thuốc lá điếu vẫn còn rất lớn trong cộng đồng, đặc biệt là với các sản phẩm thuốc lá nhập lậu, vì giá thành rẻ hơn rất nhiều so với thuốc lá hợp pháp. Các chuyên gia cho rằng, mặc dù có sự thay đổi về xu hướng tiêu dùng, nhưng thuốc lá truyền thống vẫn giữ vị thế quan trọng trong thói quen của nhiều người.

"Người tiêu dùng vẫn ưu tiên thuốc lá điếu vì giá thành rẻ và dễ dàng tiếp cận", Trung tá Nguyễn Minh Tiến từ Phòng Cảnh sát Kinh tế, Công an TP. Hà Nội cho biết.

Việt Nam có đường biên giới dài với nhiều đường mòn lối mở, tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng buôn lậu thuốc lá. "Đặc điểm này khiến công tác kiểm soát biên giới gặp rất nhiều khó khăn, và các đối tượng có thể lợi dụng các kẽ hở này để vận chuyển và tiêu thụ thuốc lá lậu”, là quan điểm của ông Nguyễn Đức Lê, Cục Quản lý và Phát triển Thị trường trong nước, Bộ Công Thương.

Ngoài thuốc lá điếu truyền thống, thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng đang ngày càng trở nên phổ biến. Theo thông tin từ các cơ quan chức năng, trong năm 2024, hơn 240.000 sản phẩm thuốc lá điện tử và gần 10 tấn phụ kiện đã bị thu giữ, vượt qua số lượng thuốc lá điếu lậu. Điều này cho thấy xu hướng tiêu dùng đang chuyển dịch sang các loại thuốc lá thế hệ mới, dễ sử dụng và tiện lợi hơn.

Còn theo ông Phạm Quốc Đông, Phó chi cục trưởng Chi Cục Điều tra chống buôn lậu, Cục Hải quan, thuốc lá là mặt hàng có thuế suất cao, đặc biệt là thuế tiêu thụ đặc biệt, điều này làm tăng giá thành sản phẩm hợp pháp và tạo động lực cho các đối tượng buôn lậu. 

"Năm 2024, lực lượng chức năng đã thu giữ hơn 190.000 bao thuốc lá điếu nhập lậu, tuy nhiên số lượng thuốc lá điện tử thu giữ lại vượt trội hơn rất nhiều", ông Đông chia sẻ.

Thủ đoạn ngày càng tinh vi do yếu tố công nghệ, mạng xã hội

Cùng với sự phát triển của công nghệ, các đối tượng buôn lậu đã tìm cách lợi dụng các nền tảng thương mại điện tử và mạng xã hội để tiêu thụ thuốc lá lậu. "Thương mại điện tử giúp các đối tượng dễ dàng giao dịch và phân phối thuốc lá lậu mà không bị phát hiện, khiến công tác kiểm soát trở nên phức tạp hơn", ông Chí Nhân, Tổng thư ký Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam nhận định.

Ông Phạm Quốc Đông, Phó chi cục trưởng Chi Cục Điều tra chống buôn lậu, Cục Hải quan phát biểu tại Tọa đàm.

Cùng với các giải pháp phòng, chống thuốc lá điếu nhập lậu, hiện nay các lực lượng chức năng cũng đã và đang bước vào cuộc chiến mới đó là chống buôn lậu thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.

Thống kê của Cục Quản lý và Phát triển Thị trường trong nước, các vụ việc vi phạm về thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng vượt trội hơn rất nhiều so với thuốc lá điếu truyền thống.

Từ năm 2024 đến nay, với thuốc lá điếu truyền thống nhập lậu, lực lượng đã thu giữ, xử lý trên 190 ngàn bao; trong khi đó, số lượng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng thu giữ trên 240 ngàn sản phẩm các loại, cùng với khoảng gần 10 tấn phụ kiện, số tiền vi phạm hành chính hơn 6,6 tỷ đồng, trị giá hàng hóa vi phạm gần 29 tỷ đồng.

Tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV đã thông qua nghị quyết cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, chứa chấp, vận chuyển, sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, có hiệu lực từ 1/1/2025 với mức xử phạt cao nhất lên tới 400 triệu đồng nhằm bảo đảm sức khỏe cộng đồng, trật tự, an toàn xã hội. Thực tế, dù các cửa hàng kinh doanh sản phẩm thuốc lá thế hệ mới không còn bày bán công khai như trước đây, nhưng hoạt động mua bán sản phẩm trên vẫn rất sôi nổi trên các hội, nhóm mạng xã hội hoặc được bán lén lút tại nhà riêng.

Khi có nhu cầu mua, những tài khoản mạng xã hội của người bán sẽ hướng dẫn người mua inbox trực tiếp hoặc trao đổi qua số điện thoại hay zalo để giao dịch.

Đáng chú ý, khi thương mại điện tử và công nghệ số bùng nổ, các đối tượng buôn bán thuốc lá nhập lậu đã lợi dụng công nghệ để thực hiện nhiều hành vi vi phạm.

“Công nghệ phát triển, các đối tượng đã áp dụng AI, công nghệ để thực hiện hành vi buôn lậu, kinh doanh thuốc lá lậu với những thủ đoạn ngày càng tinh vi”, ông Phạm Quốc Đông chia sẻ thêm.

Để tăng cường hiệu quả công tác chống buôn lậu, các chuyên gia cho rằng cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng như công an, biên phòng, hải quan, và quản lý thị trường.

Ông Nguyễn Đức Lê cho rằng, ngoài việc tăng cường công tác kiểm tra và giám sát, các cơ quan chức năng cần tổ chức các đợt truy quét định kỳ và triệt phá các đầu mối lớn thay vì chỉ xử lý các vụ vi phạm nhỏ lẻ.

Cùng với việc tăng cường giám sát, việc áp dụng công nghệ hiện đại như AI, các hệ thống giám sát tự động tại biên giới và phân tích dữ liệu từ mạng xã hội là một giải pháp quan trọng trong việc phát hiện và ngăn chặn các hành vi vi phạm.

Một yếu tố không thể thiếu trong công tác phòng chống là tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng. Việc người tiêu dùng hiểu rõ tác hại của thuốc lá lậu đối với sức khỏe và sự phát triển của đất nước là vô cùng cần thiết. Các doanh nghiệp trong ngành thuốc lá cũng cần chủ động hỗ trợ cơ quan chức năng trong việc phát hiện và xử lý các vi phạm.

Cuộc chiến chống buôn lậu thuốc lá, đặc biệt là thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng, vẫn đang đứng trước nhiều thách thức. Tuy nhiên, với sự vào cuộc mạnh mẽ của các cơ quan chức năng, sự hỗ trợ của công nghệ, và sự tham gia tích cực của doanh nghiệp và cộng đồng, hy vọng rằng công tác phòng chống thuốc lá lậu sẽ ngày càng hiệu quả hơn.

Bàn giải pháp chống buôn lậu thuốc lá
Từ ngày 1/1/2024 đến nay, lực lượng Quản lý thị trường kiểm tra 996 vụ vi phạm liên quan đến thuốc lá, phát hiện vi phạm và xử lý 752 vụ, trị...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư