Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 28 tháng 04 năm 2024,
Cà Mau chọn hướng phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí kết hợp trải nghiệm
Huy Tự - 05/07/2023 21:51
 
Mục tiêu của ngành du lịch tỉnh Cà Mau là phát triển thành ngành kinh tế quan trọng vào năm 2025 và trở thành ngành kinh tế mũi nhọn vào năm 2030, theo định hướng quy hoạch đã đề ra.

Tìm hướng đi phát triển bền vững cho du lịch sinh thái cộng đồng

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau, ngành du lịch 6 tháng đầu năm 2023 của tỉnh có nhiều chuyển động khởi sắc. Công tác truyền thông, quảng bá kích cầu du lịch được đẩy mạnh đồng thời cùng với nhiều hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch, thương mại thuộc Chương trình Sự kiện “Cà Mau - Điểm đến 2023” được tổ chức quy mô lớn, trang trọng, việc khai thác chuyến bay thương mại Cà Mau – Hà Nội, Tàu cao tốc Cà Mau – Nam Du – Phú Quốc,… đã tạo điều kiện kích cầu, thu hút khách du lịch trong và ngoài tỉnh đến Cà Mau.

Từ đầu năm đến nay, tỉnh đã đón hơn 1.160.000 lượt khách, tăng 36% so cùng kỳ 2022; đạt 66,6% so kế hoạch năm 2023. Tổng thu du lịch ước đạt 1.520 tỷ đồng, tăng gần 33% so cùng kỳ 2022; đạt gần 77% so kế hoạch năm 2023.

Trên cơ sở kết quả đạt được, ngành du lịch Cà Mau tiếp tục tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ trọng tâm của năm 2023, trong đó lưu ý các hoạt động, sự kiện lớn như: Festival Tôm – Cà Mau 2023; Giải Đất Mũi Marathon – Cà Mau 2023, nhất là tập trung phát triển du lịch sinh thái cộng đồng tại các địa phương trong tỉnh.

Du khách trải nghiệm tour xuyên rừng Mũi Cà Mau bằng ca nô

Cà Mau hiện có 25 điểm du lịch sinh thái cộng đồng đã đi vào hoạt động và một số điểm mới đã được hướng dẫn, hỗ trợ đưa vào thực hiện, quản lý.

Trong 5 năm trở lại đây, các hộ làm du lịch theo hình thức này đã được kết nối trong tour, tuyến phục vụ du khách. Thông qua đó, người dân đã bắt đầu được hưởng lợi từ hoạt động du lịch cộng đồng như: giải quyết việc làm cho lao động nhàn rỗi, tiêu thụ lượng lớn sản phẩm nông - lâm sản, nghề truyền thống... Nhiều lao động của vùng nông thôn tham gia vào dịch vụ du lịch tại cộng đồng, tạo việc làm ổn định và chuyển dịch thời gian nông nhàn sang các ngành nghề, dịch vụ phục vụ phát triển du lịch.

Hiện có nhiều tour tuyến khai thác du lịch của tỉnh được đầu tư nâng cấp như: khai thác có hiệu quả tuyến du lịch xuyên rừng Mũi Cà Mau (trải nghiệm, khám phá rừng nguyên sinh, bãi bồi lấn biển thêm rừng, nơi sinh sản của các loài thuỷ sản nước mặn...); triển khai thực hiện Ðề án Làng Văn hoá du lịch Ðất Mũi; khai thác sản phẩm trải nghiệm hệ sinh thái rừng ngập ngọt thuộc hệ thống Vườn Quốc gia U Minh Hạ gắn với trải nghiệm đời sống thường nhật của người dân dưới tán rừng, tìm hiểu nghề gác kèo ong, kinh nghiệm đi rừng, khai thác sản vật...

Theo ông Trần Hiếu Hùng, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau, ngành du lịch của tỉnh đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, nhưng so với tiềm năng hiện có thì kết quả chưa được như mong muốn, chưa tương xứng với thế mạnh sẵn có, cần nhanh chóng xây dựng chương trình hỗ trợ phát triển du lịch sinh thái cộng đồng một cách tổng thể, từ việc đánh giá tài nguyên, hỗ trợ phát triển sản phẩm, thị trường cho đến xúc tiến, quảng bá du lịch mang tính chuyên nghiệp, phát triển gắn liền với bền vững. Du lịch sinh thái cộng đồng đã và đang hứa hẹn sẽ trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn sự quan tâm đối với du khách, đặc biệt là thị trường khách quốc tế, nếu có sự phối hợp chặt chẽ, sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, sở, ngành, chính quyền địa phương, nhà đầu tư và cả cộng đồng.

Theo ông Nguyễn Văn Hôn, Giám đốc Công ty TNHH MTV Thương mại - Dịch vụ - Xây dựng - Du lịch Hoàng Hôn, chủ điểm du lịch cộng đồng Hoàng hôn, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau cho rằng: "Du lịch Cà Mau đang tận dụng tốt cơ hội và đang tăng tốc khi lượng khách về Cà Mau tăng vượt bật, để níu chân du khách dài ngày và sẽ quay trở lại Cà Mau thêm nữa, tỉnh, huyện và các đơn vị làm du lịch phải cùng bắt tay đầu tư bài bản các sản phẩm du lịch đặc vùng Đất Mũi, đi liền với đó là kế hoạch nhất quán chuyển đổi ngành nghề các ghe thuyền, ngư dân đánh bắt thủy hải sản không hiệu quả chuyển sang làm du lịch và đào tạo thêm nghiệp vụ du lịch cho các đối tượng này, nhằm có nguồn nhân lực tại chỗ đáp ứng nhu cầu phuc vụ cho lượng khách du lịch đang tăng tốc du lịch Cà Mau hiện nay". 

Đầu tư phát triển, tạo điều kiện hỗ trợ về kinh doanh du lịch sinh thái

Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau Trần Hiếu Hùng cho biết, UBND tỉnh Cà Mau cũng vừa phê duyệt Đề án Phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí Vườn quốc gia U Minh Hạ đến năm 2030, với tổng kinh phí thực hiện khoảng 1.458 tỷ đồng, trong đó có 1.400 tỷ đồng vốn xã hội hóa.

Theo Đề án vừa phê duyệt, mục tiêu của Cà Mau nhằm phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và giải trí ở Vườn quốc gia U Minh Hạ một cách bền vững, gắn với bảo tồn, phát triển hệ sinh thái rừng tràm và đa dạng sinh học của vùng đất U Minh Hạ; giữ gìn cảnh quan, bảo vệ môi trường; bảo đảm hài hòa tương tác giữa khai thác phát triển du lịch với bảo vệ giá trị tài nguyên thiên nhiên.

Trên cơ sở phương án quản lý rừng bền vững được phê duyệt, Vườn quốc gia U Minh Hạ tổ chức thực hiện đề án phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí tại 2 phân khu chức năng, gồm: Phân khu dịch vụ hành chính và một phần phân khu phục hồi sinh thái với tổng diện tích hơn 1.300 ha.

Đề án còn xây dựng các tuyến du lịch, gồm các tuyến nội bộ kết nối các khu chức năng du lịch và các tuyến kết nối các khu, điểm du lịch ở khu vực như khu du lịch Hòn Đá Bạc, khu du lịch sinh thái Sông Trẹm, các hộ du lịch cộng đồng và kết nối các khu, điểm du lịch khác trong, ngoài tỉnh.

Mục tiêu của Đề án Phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và giải trí ở Vườn Quốc gia U Minh Hạ hướng tới phát triển bền vững, gắn với việc bảo tồn hệ sinh thái rừng tràm và đa dạng sinh học của vùng đất U Minh Hạ; giữ gìn cảnh quan, bảo vệ môi trường; đảm bảo hài hòa tương tác giữa khai thác phát triển du lịch với bảo vệ giá trị tài nguyên thiên nhiên.

Vườn quốc gia U Minh Hạ có diện tích hơn 8.200 ha, thuộc một trong hai hệ sinh thái rừng đặc thù ở vùng sông nước Cà Mau. Nơi đây có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng.

Tại Chương trình “Cà phê kết nối doanh nghiệp tỉnh Cà Mau năm 2023” vào đầu tháng 7/2023 vừa qua, lãnh đạo tỉnh Cà Mau có buổi cà phê cuối tuần với các doanh nghiệp trong tỉnh để gặp gỡ, trao đổi thông tin với doanh nghiệp nhằm chia sẻ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp.

Đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch cũng có nhiều ý kiến xoay quanh vấn đề sản xuất, kinh doanh du lịch trên đất lâm phần, cho rằng chính quyền địa phương cần hỗ trợ các doanh nghiệp kinh doanh du lịch về hạ tầng giao thông nông thôn. Cụ thể là xác định quy mô kinh doanh của các hộ dân, đồng thời hướng dẫn từng nơi làm dự án, cập nhật thông tin hàng năm và có sự điều chỉnh hợp lý.

Lãnh đạo tỉnh Cà Mau cũng đề nghị lãnh đạo, ngành chức năng các huyện U Minh, Trần Văn Thời cần quan tâm, rà soát lại các hộ kinh doanh du lịch cộng đồng khu vực này, từ đó hỗ trợ pháp lý cho bà con, chỉ đạo đối với chính quyền địa phương xác định quy mô kinh doanh của các hộ dân, đồng thời hướng dẫn từng nơi làm dự án, cập nhật thông tin hàng năm và có sự điều chỉnh hợp lý.

Đồng thời cũng nhắc nhở các hộ kinh doanh du lịch cộng đồng cần lưu ý đến việc bảo tồn nguồn lợi cá đồng, lươn đồng, nghề ăn ong, các loại rau đồng vùng ngọt,… phát triển ngành du lịch gắn với việc bảo tồn để phát triển bền vững và hiệu quả, vừa phát triển kinh tế, tạo sinh kế hiệu quả, vừa bảo vệ rừng và môi trường sinh thái.

Kết hợp Diễn đàn Kết nối sản phẩm OCOP ĐBSCL với sự kiện Festival Tôm

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa thống nhất để Cà Mau tổ chức lồng ghép Diễn đàn Kết nối sản phẩm OCOP vùng Đồng bằng sông Cửu Long vào sự kiện Festival Tôm tỉnh Cà Mau năm 2023, đồng thời giao Cục Thuỷ sản làm đầu mối, góp phần nâng tầm con tôm Việt, tạo sức hút đầu tư và quảng bá du lịch cho Cà Mau.

Theo UBND tỉnh, việc lồng ghép này là nhằm tập trung nguồn lực thực hiện, đảm bảo mang lại kết quả thiết thực và hạn chế việc tổ chức nhiều sự kiện có tính chất tương đồng trong năm. Đây cũng là động thái quan trọng để kích hoạt ngành du lịch Cà Mau tăng tốc phát triển.

Việc tổ chức Festival Tôm tại Cà Mau được dự kiến tổ chức vào dịp cuối năm nay, là dịp để các nhà đầu tư, khách du lịch tìm hiểu về nghề nuôi và năng lực chế biến tôm xuất khẩu - ngành hàng chủ lực của tỉnh. 

Hiện, các sản phẩm được chế biến từ con tôm trở thành mặt hàng OCOP đặc sắc của địa phương, nổi tiếng cả nước, là sản phẩm quà tặng hấp dẫn, như bánh phồng tôm, tôm khô… 

Cà Mau được biết đến là địa phương có sản lượng khai thác và nuôi trồng, năng lực và công nghệ chế biến, xuất khẩu tôm đứng đầu cả nước. Trong đó, tôm sinh thái dưới tán rừng ngập mặn, với diện tích trên 50.000 ha tại 2 huyện: Năm Căn, Ngọc Hiển được xem là đặc trưng, lợi thế tạo dựng nên thương hiệu con tôm Cà Mau nói riêng và Việt Nam nói chung trên thị trường thế giới khi đến nay đã đạt được nhiều chứng nhận uy tín của quốc tế.

Cùng với đó, có khoảng 300.000 ha nuôi tôm trên đất trồng lúa đạt tiêu chuẩn sạch, sinh thái, mang lại sự tin dùng cho chế biến xuất khẩu, tăng lợi thế cạnh tranh trên thương trường, nâng cao thu nhập và đời sống của người nuôi tôm…

Du lịch được xác định là ngành kinh tế quan trọng của Cà Mau
Ông Trần Xuân Trường, Trưởng phòng Du lịch, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau cho biết, dịp Lễ 30/4 và 1/5 vừa qua, lượng du khách về Cà...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư