Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 04 năm 2024,
Cả nước đã xử lý 73 điểm đen, 179 điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông sau 9 tháng
Thanh Nga - 17/10/2019 16:24
 
Trong 9 tháng đầu năm, Bộ Giao thông vận tải đã hoàn thành thi công xây dựng và đưa vào khai thác 6 công trình giao thông quan trọng, tăng cường các giải pháp quản lý, bảo trì đường bộ nhằm đảm bảo giao thông an toàn thông suốt trên toàn bộ hệ thống quốc lộ. Đáng chú ý, đã xử lý 73 điểm đen, 179 điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông trên quốc lộ.

Theo báo cáo của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, từ đầu năm 2019 đến nay, Bộ Giao thông vận tải đã hoàn thành thi công xây dựng và đưa vào khai thác 6 công trình giao thông quan trọng như: cầu Vàm Cống, dự án thành phần 3 thuộc dự án Kết nối khu vực trung tâm đồng bằng Mê Kông, dự án cầu Đà Rằng...

Cầu Vàm Cống (bắc qua sông Hậu, tỉnh Đồng Tháp) đã hoàn thành và thông xe ngày 19/5/2019
Cầu Vàm Cống (bắc qua sông Hậu, tỉnh Đồng Tháp) đã hoàn thành và thông xe ngày 19/5/2019

Theo kế hoạch, từ nay đến hết năm 2019, dự kiến sẽ hoàn thành, đưa vào khai thác 15 dự án, điển hình như: Dự án đầu tư, xây dựng Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng, Dự án mở rộng nâng cấp và xây dựng 4 đoạn tuyến trên Quốc lộ 60 nối cầu Rạch Miễu đến cầu Cổ Chiên...

Đáng chú ý, công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông đối với các dự án được thi công trên đường đang khai thác cũng được Bộ Giao thông vận tải chú trọng, quan tâm chỉ đạo. Cụ thể, bộ này đã yêu cầu các ban quản lý dự án, các đơn vị tư vấn, nhà thầu tuân thủ nghiêm biện pháp thi công đã được duyệt, có phương án dự phòng để đảm bảo giao thông thông suốt, tránh ùn tắc giao thông.

Đồng thời, Bộ Giao thông vận tải cũng yêu cầu các cơ quan chức năng thường xuyên theo dõi các công trình, dự án thông qua công tác kiểm tra và phản ánh của người dân cũng như các phương tiện truyền thông để kịp thời xử lý, đưa ra các biện pháp khắc phục đối với các công trình, dự án xảy ra mất an toàn giao thông, chưa đảm bảo an toàn lao động và vệ sinh môi trường.

Bộ Giao thông vận tải đã chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường các giải pháp quản lý, bảo trì đường bộ nhằm đảm bảo giao thông an toàn thông suốt trên toàn bộ hệ thống quốc lộ (cầu, đường, bến phà, hầm đường bộ với tổng chiều dài hơn 24.000 Km). Đẩy mạnh triển khai rà soát, điều chỉnh hệ thống báo hiệu đường bộ theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ, xử lý các điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông. Theo đó, trong 9 tháng đầu năm, đã xử lý 73 điểm đen, 179 điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông trên quốc lộ; sơn kẻ 1.200 km vạch sơn đường; thay thế, điều chỉnh 1.800 cụm biển báo, lắp đặt 156 km hộ lan phòng hộ, làm 12 đường cứu nạn.

Đối với đường sắt, hiện cả nước có 4.040 vị trí lối đi tự mở, chiếm tỉ lệ 72,7% tổng số giao cắt. Trong 9 tháng, đã xóa bỏ 90 vị trí. Bên cạnh đó, cắm biển Chú ý tàu hỏa tại 3.105/4.040 vị trí, đạt 76,8% so yêu cầu; Thu hẹp lối đi tự mở tại 1475/2018 vị trí, đạt 73% so yêu cầu... Đồng thời, phối hợp với Đoàn Thanh niên đường sắt triển khai 4 đợt cảnh giới đảm bảo an toàn giao thông cao điểm vận tải tại 44 vị trí trên các tuyến đường sắt, phối hợp xây dựng 79 gờ giảm tốc...

Theo Phó chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, ông Khuất Việt Hùng, nhằm tăng cường bảo đảm trật tự an toàn giao thông và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2019-2021 và kế hoạch của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia với chủ đề “An toàn giao thông cho hành khách và người đi mô tô, xe máy”, các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục thực hiện quyết liệt một số nhiệm vụ được giao. Trong đó, Bộ Giao thông vận tải cần hoàn thành kế hoạch xử lý điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông trên mạng lưới quốc lộ năm 2019 và tiếp tục chỉ đạo các địa phương tập trung xử lý điểm đen trên mạng lưới tỉnh lộ và đường huyện. Đồng thời, bộ này cần tiếp tục hoàn thiện đề án “Xử lý các vị trí đường ngang, lối đi tự mở để đảm bảo an toàn giao thông đường sắt trên tuyến đường sắt quốc gia”.

“Bộ Giao thông vận tải cần triển khai công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành giao thông vận tải theo kế hoạch và đột xuất, trong đó tập trung vào các nội dung: công tác kiểm soát tải trọng phương tiện, hoạt động nghiệp vụ thanh tra chuyên ngành và xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông vận tải; công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ”, ông Hùng đề nghị.

Theo thống kê của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, trong 9 tháng đầu năm, cả nước xảy ra 12.600 vụ tai nạn giao thông, làm chết hơn 5.600 người, bị thương trên 9.600 người. Trong đó, riêng đường bộ xảy ra trên 12.500 vụ tai nạn, làm chết hơn 5.500 người, bị thương hơn 9.500 người; đường sắt xảy ra 121 vụ, làm chết trên 100 người, bị thương 41 người... So với cùng kỳ năm 2018, tai nạn giao thông trong 9 tháng qua giảm cả 3 tiêu chí với 567 vụ, 353 người chết và 700 người bị thương.
Tăng cường bảo đảm an toàn giao thông tại các vị trí giao cắt giữa đường bộ và đường sắt
Tổng công ty Đường sắt Việt Nam được yêu cầu phối hợp với các địa phương tổ chức cảnh giới hoặc chốt gác tại các đường ngang và lối...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư