Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 28 tháng 08 năm 2024,
Các bệnh về da tăng do thời tiết
D.Ngân - 27/08/2024 09:17
 
Các ca bệnh da và móng do nấm, vi khuẩn như nấm da, nấm móng, kẽ ngón tay, chân, viêm da mủ, viêm da kích ứng, viêm nang lông… khi thời tiết mưa nắng đan xen tăng khoảng 30% so với các tháng mùa khô.

Việt Nam là quốc gia nhiệt đới, khu vực miền Nam nắng nóng quanh năm, từ tháng 5 đến tháng 11 vào mùa mưa khiến độ ẩm tăng cao càng thuận lợi cho sự phát triển của nấm, vi khuẩn trong môi trường.

Ảnh minh họa.

Thời tiết nắng nóng gay gắt rồi đổ mưa lớn bất chợt, nhiệt độ thay đổi đột ngột từ nóng sang lạnh trong thời gian ngắn là kiểu khí hậu tương đối khắc nghiệt, có hại cho da, khiến da nhạy cảm hơn. Mưa lớn kèm thêm ngập lụt, nguồn chất thải, rác, bụi bẩn… bị hòa lẫn, ứ đọng làm tăng nguy cơ làn da phải tiếp xúc tác nhân gây bệnh.

Khi trời nắng nóng, cơ thể tiết nhiều mồ hôi điều hòa thân nhiệt nhưng bị lưu lại lâu trên da, khiến da ẩm ướt kéo dài, vệ sinh kém cộng với môi trường nhiều yếu tố nguy cơ làm tăng nguy cơ nhiễm nấm, viêm da.

Công nhân vệ sinh môi trường, xe ôm, thợ hồ, người bán hàng rong, nông dân, người già, trẻ em, người thừa cân, béo phì, người có sẵn các bệnh da mạn tính… dễ mắc bệnh da thời điểm này nhất.

Trẻ nhỏ đổ mồ hôi nhiều khiến các vùng như bẹn, mông, nách, các nếp gấp ở cổ, khoeo tay chân kém thông thoáng, ẩm ướt càng dễ nhiễm nấm, rôm sảy, mụn, chốc, viêm da. Đặc biệt, các bệnh này gây ngứa nhiều, trẻ khó kiểm soát được cơn ngứa sẽ gãi làm nặng thêm tình trạng bệnh.

Mỗi ngày, chuyên khoa da liễu - thẩm mỹ da của một cơ sở y tế đa khoa trên địa bàn TP.HCM tiếp nhận 25-30 ca bệnh da và móng do nấm, vi khuẩn khi thời tiết mưa nắng thất thường, ngập lụt.

TS.Đặng Thị Ngọc Bích, phụ trách chuyên khoa Da liễu- Thẩm mỹ da, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM cho biết, nếu không điều trị kịp thời, da trẻ có thể sưng tấy đỏ, tạo mủ, chảy dịch, bội nhiễm (nhiễm thêm vi khuẩn, virus khác), hoại tử da, dễ tạo sẹo, tăng sắc tố. Nặng hơn có thể ảnh hưởng toàn thân, gây tình trạng nhiễm trùng, nhiễm độc máu, viêm cầu thận…

Các trường hợp bị nấm da, viêm da tuy không nguy hiểm đến tính mạng nhưng triệu chứng ngứa nhiều, da loang lổ, không điều trị đúng thương tổn sẽ lan tỏa, có thể gây chàm hóa (viêm da cơ địa mạn tính) ảnh hưởng đến tâm lý và chất lượng sống của người bệnh.

Tùy từng tình trạng của mỗi người bệnh, bác sỹ da liễu sẽ chỉ định loại thuốc tại chỗ hoặc toàn thân phù hợp với loại nấm, vi khuẩn người bệnh mắc phải.

Người bệnh cần tái khám theo đúng lịch hẹn của bác sĩ để điều chỉnh thuốc phù hợp theo từng giai đoạn bệnh. Khi có các triệu chứng bất thường trên da (nhất là sau khi dính mưa, lội nước ngập), như nổi mảng đỏ, mụn trên da, da khô ngứa; hoặc móng tay chân dày sừng, đổi màu; bong da và ngứa kẽ ngón, lòng bàn tay, bàn chân… nên tới cơ sở y tế có chuyên khoa da liễu để được chẩn đoán và điều trị đúng bệnh.

Người bệnh không nên tự đoán bệnh, tự mua thuốc hoặc dùng đơn thuốc của người khác, đắp lá cây hay lể mụn khiến bệnh nặng hơn, thậm chí biến chứng do dùng sai thuốc.

Các bệnh nấm da, viêm da dễ tái nhiễm do điều kiện khí hậu nhiệt đới. Do đó, bác sỹ Bích khuyến cáo người bệnh cần tránh tiếp xúc với nguồn nước, đất bẩn, các hóa chất, giữ da và móng luôn khô thoáng.

Người dân ở vùng thường xuyên ngập lụt nên đi ủng cao su, đeo găng tay cao su khi tiếp xúc với các nguồn nước bẩn. Nếu phải lội nước mưa thì về nhà phải vệ sinh cơ thể ngay với sữa tắm diệt khuẩn, thấm khô kẽ chân, tay, phơi khô giày dép, áo mưa trước khi tái sử dụng.

Người bị nhiễm nấm da, viêm da nên giặt riêng quần áo, chăn mền; thường xuyên vệ sinh khẩu trang, nón bảo hiểm… và phơi đồ dưới ánh nắng mặt trời để tia cực tím trong ánh nắng diệt nấm và bào tử nấm. Các dụng cụ cắt móng tay của người bệnh nấm cũng cần dùng riêng và vệ sinh bằng xà phòng.

Đôi khi nấm da ở người xuất hiện do bị lây truyền từ vật nuôi như chó, mèo thông qua tiếp xúc trực tiếp. Điều trị nấm cho vật nuôi giúp phòng tránh nhiễm bệnh.

Với trẻ em, nhất là trẻ sơ sinh, ngoài luôn giữ cho da trẻ khô thoáng, phụ huynh có thể dùng thêm kem, phấn rôm chứa kẽm để chống hăm, nấm.

Tại Hà Nội, theo TS.Phạm Thị Minh Phương, Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Da liễu Trung ương, gần đây, Bệnh viện Da liễu Trung ương tiếp nhận khá nhiều trường hợp bệnh nấm bàn chân, nấm móng chân, nấm bẹn... viêm da do nhiễm trùng. Bệnh nhân tăng lên so với mùa khô 30%.

Một điều đáng cảnh báo là hiện bệnh nhân hay có thói quen tự điều trị, nghe theo lời bạn bè mách sử dụng các loại thuốc khác nhau, nhưng thực tế bệnh lý về da rất phong phú, mỗi loại bệnh có thuốc khác nhau. Vì thế, nhiều người điều trị sai đắp lá, ngâm lá, hoặc đến viện khám khi có biến chứng bởi dùng tuýp thuốc không rõ nguồn gốc.

Bên cạnh đó, một số người thích ngâm, đắp lá nhưng không biết khi đó sẽ làm kích ứng, da khô, nứt nẻ, thậm chí loét. Nếu bệnh nhân không được điều trị sẽ tiến triển nặng lên, sẽ dẫn tới tai biến do như ngứa, loét, chảy dịch, sưng nóng đỏ.

Về hướng xử trí, bác sỹ Phương nhấn mạnh, khi gặp vấn đề về da người dân cần tìm chuyên gia da liễu để xử trí sớm. Người dân cần thay đổi thói quen trong mùa mưa lũ như không nên đi tất ẩm, giày ẩm, làm viêm kẽ do nấm, vi khuẩn; phải có thói quen vệ sinh thân thể sạch sẽ hằng ngày; không nên đi khám lung tung, cần đi khám đúng, điều trị đúng.

Để phòng bệnh ngoài da, người dân ở vùng lũ lụt cần chú ý vệ sinh môi trường sạch sẽ, bảo đảm sát khuẩn chân tay, cơ thể, sử dụng phương tiện bảo hộ như ủng, găng tay cao su khi tiếp xúc với các nguồn nước bẩn để tránh tiếp xúc với các yếu tố gây bệnh.

Nếu phải lội nước mưa thì về nhà phải làm sạch, phải chấm khô kẽ chân, tay, giày dép phơi khô thì hãy sử dụng lại.

Phòng, chống bệnh về da sau mưa lũ
Bệnh hay gặp nhất trong và sau mưa lũ là nấm da. Bệnh do các chủng nấm có mặt trong đất, hoặc từ người khác lây sang.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư