Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Các Cienco méo mặt lo việc hậu CPH
Anh Minh - 19/08/2014 07:38
 
Những vướng mắc về việc làm, tiền lương, nhân sự sau CPH đang khiến các Tổng công ty lớn ngành giao thông (Cienco) đau đầu.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
"Vật đổi sao dời" ở các cienco: Đối tác thành ông chủ
Các Cienco: Lãnh đạo cao cấp rục rịch ra đi
Hoàn tất cổ phần hóa Cienco cuối cùng
Nhà thầu Cienco8 và Vinaconex liên tiếp không đạt yêu cầu
Sabeco bức xúc vì "mang danh" cổ phần
Đại gia giao thông tấp nập lên chuyến tàu cổ phần hóa

Chiều qua (18/8), đích thân Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Đinh La Thăng đã chủ trì cuộc họp với các ông chủ của các Cienco, nhằm trao đổi về những thuận lợi, tháo gỡ khó khăn của doanh nghiệp này sau CPH.

  Các Cienco méo mặt lo việc hậu CPH  
  Các Cienco đang đau đầu với bài toán kép - xử lý lao động dư thừa và giữ chân người tài  

Ông Phạm Quang Dũng - Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty xây dựng Thăng Long cho biết: Công tác CPH Tổng Công ty đã diễn ra suôn sẻ, không vướng vấn đề gì, các tổ chức hoạt động bình thường. Nhưng sau CPH thì có chuyện cán bộ và công nhân viên thì đông mà công việc thì ít!

“ Dù rất cố gắng nhưng thu chỉ bù chi, năm nay cổ đông cũng không có cổ tức, so với mặt bằng thị trường thì thu nhập của cán bộ, công nhân viên Tổng Công ty Xây dựng Thăng Long thấp” - ông Dũng bày tỏ.

Theo ông Dũng, nếu không có thêm việc làm, không có nguồn thu và thu nhập của người lao động không tăng lên thì nguy cơ người giỏi sẽ ra đi và chỉ còn lại những người không làm được việc. Ông Dũng cho rằng, nhìn “bức tranh” tài chính mất cân đối như hiện nay, nếu không quản lý tốt sẽ rất khó khăn, giải quyết vấn đề con người là rất day dứt nhưng giải quyết bài toán kinh tế thì không thể…

Theo ông Nguyễn Thủy Nguyên hiện giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Vân tải thủy sau khi bỏ tiền vào đầu tư và nắm giữ cổ phần lớn nhất thì hiện số lao động dôi dư tại DN rất lớn, dôi dư lao động đi liền với tiền bồi thường, mà mỗi người phải bồi thường từ mấy chục đến vài trăm triệu thì là quá lớn.

Cũng liên quan đến vấn đề nhân sự sau CPH, ông Phạm Dũng - Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 1 (Cienco 1) - cho rằng, công ty mẹ thì không có vấn đề gì, nhưng mọi việc phát sinh xảy ra ở công ty con và công ty liên kết.

“Sau khi thoái vốn, cổ đông công ty ngoài mua được và vào điều hành đã làm thay đổi toàn bộ. Do không thống nhất được tổ chức quản lý và điều hành công ty nên đã có trường hợp Bí thư viết đơn xin nghỉ hưu sớm, Giám đốc thì xin nghỉ việc...”, ông Phạm Dũng cho hay.

“Tôi chia sẻ với những khó khăn các doanh nghiệp gặp phải khi chuyển đổi từ doanh nghiệp Nhà nước sang CPH, đây là những điều khó tránh khỏi và cần thời gian để thay đổi tâm lý, thay đổi quản trị, sắp xếp cơ cấu sản xuất. Tôi rất hiểu tâm lý của lãnh đạo hôm trước CPH xong được tặng bằng khen nhưng hôm sau phải ra đường chạy đôn chạy đáo. Quá trình tất yêu phải thực hiện. Vì thế, trách nhiệm của lãnh đạo Bộ GTVT và các cơ quan của Bộ là phải giúp đỡ các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, tạo mọi điều kiện công ăn việc làm cho doanh nghiệp và giúp doanh nghiệp phát triển sản xuất” - Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết.

Cũng theo Bộ trưởng Đinh La Thăng, suốt 30 năm là doanh nghiệp Nhà nước trong cả một cơ chế như thế, doanh nghiệp khó khăn mà vẫn quyết tâm CPH là đáng mừng. CPH phải gắn với tổng thể đề án tái cơ cấu, sắp xếp doanh nghiệp, phải thay đổi bản chất quản lý, quản trị doanh nghiệp, tư duy phải hoàn toàn khác!

Riêng về vấn đề người lao động, Bộ trưởng Đinh La Thăng yêu cầu các doanh nghiệp sau CPH dù thế nào cũng phải giải quyết chế độ cho người lao động ở mức độ cao nhất theo quy định của Nhà nước. 

Bộ GTVT hiện có 10 Tổng Công ty trực thuộc hoàn thành cổ phần hóa (CPH) và chuyển thành công công ty cổ phần trong 7 tháng vừa qua.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư