Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 03 tháng 02 năm 2025,
Các cơ sở giáo dục tinh gọn như thế nào trong năm 2025?
Hưng Anh - 03/02/2025 14:27
 
Được ví như một cuộc cách mạng khi trong năm 2025 ngành GD&ĐT đã, đang và sẽ sắp xếp, tinh gọn lại tổ chức bộ máy từ cấp Bộ đến các cơ sở giáo dục các cấp. Các công việc đang được triển khai khẩn trương, dứt khoát.

Tinh gọn bộ máy cấp Bộ

Sau khi nhà nước có chủ trương chuyển giáo dục nghề nghiệp từ Bộ LĐ-TBXH về Bộ GD&ĐT quản lý, Chính phủ đã có dự thảo nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ GD&ĐT.

Ở cấp quản lý cao nhất, Bộ GD&ĐT cho biết, năm 2025, Bộ triển khai tinh gọn tổ chức bộ máy; đồng thời bố trí, sắp xếp công chức, viên chức, người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động; chủ động các phương án tiếp nhận nhân sự, các đơn vị về Bộ quản lý.

Từ năm 2025 Bộ GD&ĐT dự kiến cơ cấu tổ chức của Bộ là 19 đơn vị, giảm 4 đơn vị so với hiện nay. Ảnh: LH

Theo dự thảo nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ GD&ĐT, dự kiến cơ cấu tổ chức của Bộ là 19 đơn vị, giảm 4 đơn vị so với hiện nay.

5 vụ không còn gồm: Vụ Giáo dục thể chất, Vụ Giáo dục dân tộc, Vụ Giáo dục thường xuyên, Vụ Cơ sở vật chất, Vụ Khoa học công nghệ và môi trường.

Tinh gọn 2 cơ sở giáo dục đại học lớn nhất nước

Với các cơ sở giáo dục, hai đại học lớn nhất nước là Đại học quốc gia Hà Nội và Đại học quốc gia TP.HCM theo chủ trương chung của Trung ương và Chính phủ cũng đang tinh gọn bộ máy.

Đại học Quốc gia Hà Nội dự kiến giảm 35-40% các ban, phòng và 15% biên chế; lãnh đạo Trường Đại học Ngoại ngữ đã báo cáo dự kiến giảm 44% đầu mối đơn vị... Ngoài ra, đơn vị này cũng sẽ tự chủ 100% từ năm 2026.

Đại học Quốc gia Hà Nội dự kiến giảm 35-40% các ban, phòng và 15% biên chế. 

Đối với các đơn vị trực thuộc, Đại học Quốc gia TP.HCM đã sáp nhập Trung tâm Đại học Pháp vào Viện đào tạo quốc tế; sáp nhập Trung tâm khảo thí tiếng Anh vào Trung tâm khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo; sáp nhập Trung tâm quản lý nước và biến đổi khí hậu vào Viện môi trường và tài nguyên; hợp nhất 3 đơn vị gồm Viện Đào tạo quốc tế, Trung tâm Đào tạo tiền tiến sĩ và Viện Quản trị đại học thành Viện Đào tạo - Nghiên cứu quản trị, sau đó đổi tên thành Viện Phát triển năng lực lãnh đạo ĐH Quốc gia TP.HCM; chuyển Viện John Von Neumann về Trường Đại học Khoa học Tự nhiên quản lý.

Đối với các ban chức năng, Ban Đại học và Ban sau đại học được hợp nhất thành Ban Đào tạo; sáp nhập Ban Thi đua - Khen thưởng vào Ban Tổ chức cán bộ.

Giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM cũng cho hay, trong giai đoạn 2025-2030, đơn vị này tiếp tục sắp xếp, tinh gọn bộ máy, giảm 36% đầu mối quản lý bên trong, tăng số đơn vị tự chủ tài chính từ 66% lên 92%, đồng thời giảm số nhân sự hưởng lương ngân sách nhà nước xuống còn 8% - tức chỉ còn khoảng 500 người.

Việc sáp nhập đáp ứng nhiều yêu cầu

Việc tinh gọn bộ máy và sáp nhập được giải thích đáp ứng nhiều yêu cầu như: Giảm đầu mối quản lý để hoạt động hiệu lực, hiệu quả; Tăng số lượng đơn vị tự chủ tài chính để giảm phụ thuộc ngân sách nhà nước, giảm số người nhận lương từ ngân sách; Đảm bảo các hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học và phục vụ cộng đồng được ổn định, liên tục, đạt hiệu quả cao nhất.

Ví dụ Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - thành viên của Đại học Quốc gia Hà Nội sẽ giảm số lượng đơn vị đầu mối từ 46 (gồm 16 đơn vị hành chính, 18 đơn vị đào tạo, 10 trung tâm nghiên cứu, hợp tác đào tạo, 2 đơn vị khác) xuống còn 30, tương ứng với mức cắt giảm 34,7%.

Đại học Quốc gia TP.HCM cũng cho hay, trong giai đoạn 2025-2030, đơn vị này tiếp tục sắp xếp, tinh gọn bộ máy, giảm 36% đầu mối quản lý bên trong, tăng số đơn vị tự chủ tài chính từ 66% lên 92%, đồng thời giảm số nhân sự hưởng lương ngân sách nhà nước xuống còn 8% - tức chỉ còn khoảng 500 người.

Trường Đại học Giao thông Vận tải TP.HCM cũng xóa bỏ cơ cấu trung gian, giải thể 45 bộ môn để phù hợp với quy định của Luật Giáo dục đại học; sáp nhập các khoa chuyên môn, hình thành các viện quản lý đào tạo, giảm từ 14 khoa còn 7 viện; bỏ mô hình giáo vụ (từ 14 đầu mối) chuyển sang bộ phận tư vấn đào tạo thuộc Phòng Đào tạo. 

Với việc kiện toàn này, Trường Đại học Giao thông vận tải TP.HCM giảm 11 đầu mối bên trong (từ 39 còn 28 đầu mối), đạt tỷ lệ tinh giản gần 30%. Lãnh đạo trường này cho hay, thời gian tới, nhà trường tiếp tục tái cơ cấu, tinh gọn bộ máy quyết liệt hơn nữa.

Không chỉ tinh gọn, một số trường đại học, cao đẳng cũng được sáp nhập.

Cuối năm 2024, Thủ tướng Chính phủ quyết định sáp nhập Trường CĐ Y tế Hải Dương trực thuộc UBND tỉnh Hải Dương vào Trường ĐH Kỹ thuật Y tế Hải Dương trực thuộc Bộ Y tế; Trường CĐ Sư phạm Nghệ An cũng được phê duyệt sáp nhập Trường ĐH Kinh tế Nghệ An; đồng thời Trường ĐH Kinh tế Nghệ An được đổi tên thành Trường ĐH Nghệ An, thuộc UBND tỉnh Nghệ An.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư