Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Các nhà sản xuất ô tô lo ngại tình trạng thiếu chip còn kéo dài
Lê Quân - 08/09/2021 07:52
 
Từ Ford, Volkswagen, đến Daimler vẫn đang phải vật lộn để đối phó với tác động của "cơn khát" chip toàn cầu.
Cơn khát chip toàn cầu khiến các hãng ô tô phải loại bỏ một số tính năng cao cấp trên xe. Ảnh: AFP
Cơn khát chip toàn cầu khiến các hãng ô tô phải loại bỏ một số tính năng cao cấp trên xe. Ảnh: AFP

Giám đốc điều hành của các hãng sản xuất ô tô lớn trên thế giới đánh giá rằng tình trạng thiếu Silic - thành phần cơ bản nhất của chip - là một vấn đề lớn.

Ông Herbert Diess - Giám đốc điều hành Volkswagen, ông Ola Kallenius - Giám đốc điều hành Daimler, và ông Gunnar Herrmann - Chủ tịch Ford châu Âu đều khẳng định với đài CNBC tại Triển lãm ô tô Munich hôm 6/9 rằng rất khó để xác định khi nào vấn đề thiếu hụt chip toàn cầu được giải quyết.

Volkswagen, nhà sản xuất ô tô lớn nhất châu Âu, đã mất thị phần tại Trung Quốc do thiếu chip. "Chúng tôi suy yếu vì thiếu chất bán dẫn", Giám đốc điều hành Volkswagen nói. "Chúng tôi bị ảnh hưởng ở Trung Quốc nhiều hơn so với các thị trường khác trên thế giới. Đó là lý do tại sao chúng tôi đang mất thị phần", ông Diess lý giải.

Đại diện của Volkswagen cũng cho biết các đồng nghiệp của ông tại Trung Quốc đang ra sức thúc đẩy nguồn cung chất bán dẫn và cho rằng việc thiếu chip là một "mối quan ngại thực sự lớn".

Volkswagen từng hy vọng tình hình thiếu chip sẽ được cải thiện sau kỳ nghỉ hè nhưng điều đó đã không xảy ra. Malaysia, nơi có nhiều nhà cung ứng cho Volkswagen, đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19 trong những tuần gần đây, khiến một số nhà máy phải đóng cửa.

Theo Giám đốc điều hành Volkswagen, vấn đề thiếu hụt chip sẽ bắt đầu lắng xuống khi các quốc gia kiềm chế được khả năng lây lan của Covid-19. Tuy nhiên, hãng xe Đức vẫn cho rằng tình trạng thiếu hụt chung về chất bán dẫn sẽ diễn ra trong một thời gian nữa.

"Chúng ta sẽ phải đối mặt với sự thiếu hụt chung về chất bán dẫn bởi internet vạn vật (IoT) đang phát triển quá nhanh nên sẽ để lộ ra những hạn chế mà chúng ta sẽ cố gắng khắc phục", ông Diess nói.

Trong khi đó, ông Gunnar Herrmann từ Ford châu Âu dự đoán tình trạng khát chip có thể tiếp tục kéo dài đến năm 2024, và lưu ý rằng rất khó xác định chính xác thời điểm chấm dứt tình trạng này.

Sự thiếu hụt chip trong ngành ô tô trở nên trầm trọng hơn khi các hãng lao vào cuộc đua phát triển xe điện. Đơn cử, một chiếc Ford Focus chạy xăng thường sử dụng khoảng 300 con chip, trong khi một trong những mẫu xe điện mới của Ford có thể "ngốn" tới 3.000 con chip.

Ngoài chip, giờ đây ngành ô tô thế giới còn phải đối mặt những thiếu hụt khác. Ông Herrmann cho biết Ford đang phải đối mặt với một "cuộc khủng hoảng mới" về nguyên liệu thô.

"Đó không chỉ là vấn đề chất bán dẫn", Chủ tịch Ford châu Âu nói, đồng thời nhấn mạnh Lithium, nhựa, và thép đều đang có nguồn cung tương đối thiếu. "Sự thiếu hụt hoặc khó khăn diễn ra ở khắp nơi", ông Herrmann lo ngại. Hệ lụy là giá ô tô sẽ tăng lên khi chi phí nguyên liệu thô tăng.

Giám đốc điều hành hãng xe Đức Daimler, ông Ola Kallenius lạc quan hơn với kỳ vọng sự gián đoạn cung ứng chip sẽ "chạm đáy" trong quý III này. "Đó có vẻ là quý sẽ bị ảnh hưởng đáng kể nhất bởi vấn đề này", ông Kallenius nói.

"Chúng tôi hy vọng rằng trong quý IV chúng tôi sẽ bắt đầu hoạt động trở lại", Giám đốc điều hành Daimler nói thêm. "Nhưng vẫn có một mức độ bất ổn mà chúng tôi phải đối phó trong hệ thống sản xuất của mình. Nó cần phải luôn linh hoạt".

Sự thiếu hụt chip đã giáng đòn lên ngành công nghiệp ô tô hơn mạnh hơn nhiều so với bất kỳ ngành nào khác. Các dây chuyền lắp ráp của nhiều hãng ô tô lớn đã phải ngừng hoạt động và nhiều ô tô được xuất xưởng mà thiếu đi những tính năng phụ thuộc vào chip.

Tại Anh, sản lượng ô tô giảm khoét đáy mới trong tháng 7, đánh dấu tháng 7 tồi tệ nhất của ngành này kể từ năm 1956.

Tập đoàn công nghệ Bosch, nhà cung cấp phụ tùng xe hơi lớn nhất thế giới, đánh giá rằng chuỗi cung ứng chất bán dẫn trong ngành công nghiệp ô tô không còn phù hợp với mục đích.

Harald Kroeger, một thành viên trong Hội đồng quản trị Bosch, bình luận trên đài CNBC vào tháng trước rằng chuỗi cung ứng chất bán dẫn đã tăng trưởng vọt lên trong năm ngoái khi nhu cầu chip để sản xuất nhiều mặt hàng, từ ô tô đến thiết bị chơi game cầm tay PlayStation và bàn chải đánh răng chạy điện, đều đã tăng lên.

Các giám đốc điều hành của những hãng lâu đời như Porsche, Skoda, và Seat đều tỏ ra sốt ruột với tình hình chất bán dẫn hiện nay. Ông chủ của Porsche, Oliver Blume, cho biết nguồn cung chip hạn chế đang gây ra sự chậm trễ trong dây chuyền sản xuất và ông hy vọng vấn đề sẽ sớm được giải quyết. "Chúng ta đang có vấn đề về chất bán dẫn và do đó thời gian chờ đợi lâu hơn bình thường", ông Blume nói về việc một số khách hàng đang đợi nhận xe hơn 6 tháng qua.

Theo ông Thomas Schafer, Giám đốc điều hành Skoda, hãng xe này đã bị "ảnh hưởng nặng nề" khi nhà máy chất bán dẫn ở Malaysia ngừng hoạt động. "Ngay cả khi vấn đề này được giải quyết, hy vọng trong 4-5 tuần tới, vấn đề thiếu hụt cơ bản vẫn có thể sẽ kéo dài sang năm 2022", ông Schafer nhận định.

"Cơn khát" chip toàn cầu có thể kéo dài đến năm 2023
Chip bán dẫn - yếu tố đầu vào thiết yếu cho các ngành, từ sản xuất thiết bị chơi game, máy giặt, đồng hồ báo thức - sẽ vẫn “khát” nguồn...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư