Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
TSMC có kế hoạch xây dựng nhà máy chip mới tại Mỹ và Nhật Bản
Nam Văn - 25/07/2021 16:48
 
TSMC có kế hoạch xây dựng nhà máy mới ở Mỹ và Nhật Bản, dựa trên sự gia tăng nhu cầu về chip cung cấp cho điện thoại thông minh, máy tính xách tay và ô tô hiện nay.

Taiwan Semiconductor Manufacturing Co. Ltd. (TSMC) cho hay, sẽ tiếp tục mở rộng năng lực sản xuất ở Trung Quốc, cũng như không loại trừ khả năng mở rộng "giai đoạn 2" của nhà máy trị giá 12 tỷ USD đang hoạt động tại Arizona (Mỹ).

Nhà sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất thế giới, hiện cũng là nhà cung cấp lớn của Apple cho biết, đang xem xét kế hoạch thành lập nhà máy chế tạo các tấm wafer (dùng trong công nghệ bán dẫn) với công nghệ đặc biệt, hay còn được gọi là fab (semiconductor fabrication plant) tại Nhật Bản.

Các nguồn tin cho hay, nhà máy này chủ yếu được sử dụng để sản xuất cảm biến hình ảnh cho Sony, khách hàng Nhật Bản lớn nhất của TSMC và sẽ hoạt động sớm nhất vào năm 2023.

Khoản đầu tư cho nhà máy Kumamoto tại Nhật Bản có thể thấp hơn nhiều so với con số 12 tỷ USD mà TSMC đang chi ra để xây dựng một cơ sở ở Arizona.

Mỹ hiện là thị trường chiếm hơn 60% doanh thu của các nhà sản xuất trong năm 2020, trong khi Nhật Bản chỉ chiếm chưa đầy 5%.

TSMC được xem là mấu chốt trong nỗ lực giải quyết tình trạng thiếu chip đang diễn ra toàn cầu do đại dịch, buộc các nhà sản xuất ô tô phải cắt giảm sản xuất và khiến cho các nhà sản xuất điện thoại thông minh, máy tính xách tay và thậm chí cả thiết bị điện tử bị thiệt hại tương đối nặng.

"Chúng tôi đang mở rộng sản xuất ra toàn cầu để duy trì và nâng cao lợi thế cạnh tranh và phục vụ khách hàng tốt hơn trong môi trường địa chính trị mới", Chủ tịch của TSMC, ông Mark Liu đã cho biết vậy.

"Mặc dù ban đầu các cơ sở sản xuất ở nước ngoài của chúng tôi chưa thể phù hợp với các chi phí hoạt động sản xuất giống như nhà máy tại Đài Loan, nhưng chúng tôi sẽ làm việc với các Chính phủ để giảm thiểu khoảng cách chi phí”, ông Liu nói.

Tuy không cung cấp chi tiết về kế hoạch của mình ở Mỹ và Nhật Bản, nhưng ông cũng nói thêm rằng, công ty đang làm việc để đảm bảo giá các tấm wafer phù hợp với việc chi phí bị tăng.

Lãnh đạo TSMC cũng cho biết, TSMC đang lên kế hoạch mở rộng công suất tại Nhà máy đặt ở Nam Kinh (Trung Quốc) do nhu cầu cấp thiết của khách hàng. Nhà máy này sử dụng công nghệ sản xuất tiên tiến nhất của hãng và sẽ đi vào sản xuất trong năm tới với công suất toàn bộ có thể đạt 40.000 tấm wafer/tháng vào giữa năm 2023.

Trung Quốc, EU, Nhật Bản và Mỹ đều đang nỗ lực tăng khả năng sản xuất bán dẫn trong bối cảnh lo ngại về an ninh quốc gia ngày càng tăng lên cũng như tình trạng thiếu hụt chưa từng có khiến chuỗi cung ứng trở nên mỏng manh hơn bao giờ hết.

Đài Loan hiện chiếm 60% thị phần thị trường gia công bán dẫn toàn cầu và TSMC là cái tên chủ chốt khi chiếm khoảng 54% doanh thu của thị trường toàn cầu về mặt hàng này.

Doanh thu từ tháng 4 đến tháng 6/2021 của TSMC đã tăng 28%, lên mức kỷ lục 13,29 tỷ USD. Trong quý III/2021, TSMC dự báo sẽ đạt doanh thu khoảng 14,6 tỷ USD - 14,9 tỷ USD, so với mức 12,1 tỷ USD của cùng kỳ năm 2020.

TSMC cho biết, tình trạng thiếu chip tự động sẽ giảm dần cho khách hàng của mình từ quý III.

Hồi tháng 4/2021, TSMC đã công bố kế hoạch đầu tư 100 tỷ USD trong 3 năm để đáp ứng nhu cầu đang tăng.

Khoản đầu tư này tăng đáng kể so với kế hoạch ban đầu của hãng là 25 - 28 tỷ USD để sản xuất chip tiên tiến năm nay. TSMC dự kiến dùng số tiền này để "tăng năng lực hỗ trợ sản xuất và nghiên cứu - phát triển các công nghệ bán dẫn tiên tiến" trước thực tế công nghệ viễn thông thế hệ thứ năm (5G) và các ứng dụng trí tuệ nhân tạo đang thúc đẩy nhu cầu toàn cầu về chip tiên tiến.

"Bước sang quý III, chúng tôi hy vọng doanh nghiệp của mình sẽ được hỗ trợ bởi nhu cầu mạnh mẽ đối với các công nghệ 5 nanomet và 7 nanomet hàng đầu trong ngành, được thúc đẩy bởi cả bốn nền tảng tăng trưởng, đó là điện thoại thông minh, HPC, IoT và các ứng dụng liên quan đến ô tô", Giám đốc tài chính Wendell Huang nói.

Các nhà phân tích cũng đánh giá triển vọng kinh doanh của TSMC trong các quý tới khá tốt do nhu cầu tăng mạnh về công nghệ nút nanomet 5 tiên tiến nhất của công ty cũng như nút nanomet 3 dự kiến sẽ đi vào sản xuất thử nghiệm vào cuối năm nay.

TSMC cho hay, trong quý II/2021, lợi nhuận của mình đã tăng 11% lên khoảng 4,81 tỷ USD so với một năm trước đó.

Cổ phiếu của TSMC, công ty niêm yết có giá trị thứ 11 trên thế giới, tăng khoảng 16% từ đầu năm tới nay đã khiến cho giá trị vốn hoá của TSMC đạt  567 tỷ USD.

Nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới sẽ rót 100 tỷ USD vào sản xuất chip công nghệ cao
Nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới TSMC (Đài Loan) tuyên bố sẽ đầu tư 100 tỷ USD vào sản xuất các sản phẩm chip cao cấp trong 3 năm tới để...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư