Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 25 tháng 11 năm 2024,
Các tân Bộ trưởng chính thức nhậm chức: Những điều trông đợi
Bảo Duy - 11/04/2016 11:48
 
Bắt đầu từ tuần này, các vị bộ trưởng mới sẽ chính thức nhận nhiệm vụ. Kế hoạch bàn giao công việc đã có trong lịch công tác của nhiều lãnh đạo bộ, ngành.

Có thể không tránh khỏi một khoảng giao thoa nhiệm kỳ, nhưng hành động trách nhiệm và quyết liệt vì môi trường kinh doanh Việt Nam của các vị tân bộ trưởng, thủ trưởng ngành đang là điều được giới đầu tư - kinh doanh trông đợi nhất. Bởi, chỉ còn chưa đầy 3 tháng nữa, nếu các bộ, ngành không hoàn tất rà soát, ban hành đúng thẩm quyền khoảng 3.000 điều kiện kinh doanh thuộc diện sẽ hết hiệu lực vào ngày 1/7/2016 tới, môi trường kinh doanh Việt Nam có thể sẽ rơi vào tình trạng “không trọng lượng”.

Nguy cơ này là nhãn tiền, vì cho đến cuối tuần trước, báo cáo của Tổ công tác thi hành Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư cho thấy, công việc này vẫn diễn ra rất chậm chạp và không đúng yêu cầu của Luật Đầu tư.

Tất nhiên, để giải quyết dứt điểm những rối rắm trong “ma trận” điều kiện kinh doanh hiện tại, không chỉ trông đợi vào các vị tân bộ trưởng, nhưng giới đầu tư – kinh doanh tin rằng, các vị tân bộ trưởng nắm trong tay cơ hội tạo nên bước đột phá trong bối cảnh hiện tại..

Thứ nhất, công tác tập hợp, rà soát các quy định về điều kiện kinh doanh ở các bộ, ngành trong giai đoạn vừa qua khá giản đơn, phần lớn chỉ dừng lại ở tập hợp các thông tư có quy định về điều kiện kinh doanh và các quy định tương ứng về điều kiện kinh doanh. Yêu cầu quan trọng nhất là phân tích đánh giá tính cần thiết, tính phù hợp, tính hiệu lực và hiệu quả của các quy định trong quản lý nhà nước chưa thấy nhiều. Đặc biệt là chưa thấy bộ, ngành nào đề xuất chuyển sang áp dụng phương pháp tiếp cận mới và công cụ quản lý nhà nước theo hướng chuyển mạnh sang hậu kiểm và quản lý trên cơ sở đánh giá rủi ro thay cho các điều kiện kinh doanh hiện hữu.

Thứ hai, các dự thảo nghị định quy định về điều kiện kinh doanh phần lớn dựa vào các tập hợp điều kiện kinh doanh hiện hữu và tư duy cũ về quản lý nhà nước đối với ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, nên thực tế, các văn bản này nếu được ban hành chỉ là chuyển đổi một cách nâng cấp cơ học để thỏa mãn quy định về thẩm quyền ban hành. Nghĩa là, sẽ không có cửa để kỳ vọng cải thiện chất lượng các quy định về điều kiện kinh doanh.

Thứ ba, vẫn còn 16 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện trong danh mục 267 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện chưa được các bộ, ngành ban hành điều kiện. Rồi cả chục thông tư mới của một số bộ, ngành ban hành sau ngày Luật Đầu tư có hiệu lực, đã quy định thêm điều kiện kinh doanh mới...

Đó là chưa kể nhiều ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện thuộc thẩm quyền quản lý của nhiều bộ, ngành khác nhau, nhưng lại chưa có sự phối hợp rõ nét giữa các bộ có liên quan trong soạn thảo, kiến nghị ban hành quy định về điều kiện kinh doanh cũng như trong quản lý nhà nước đối với các ngành nghề kinh doanh tương ứng...

Rõ ràng, ở góc độ môi trường kinh doanh và sự trông đợi trước mắt của giới đầu tư – kinh doanh vào những thay đổi lớn về điều kiện gia nhập thị trường trong vòng 3 tháng tới, công việc và trách nhiệm của các vị tân bộ trưởng sẽ rất nặng nề, đòi hỏi quyết tâm và trách nhiệm rất lớn.

Nhưng cũng phải khẳng định rằng, nêu chậm trễ trong thay đổi tư duy, nhận thức, chần trừ trong hành động từ các vị tân bộ trưởng, thì môi trường đầu tư - kinh doanh không thể thay đổi theo đúng cam kết đã được ghi trong luật. Quyền tự do kinh doanh của người dân trong Hiến pháp 2013 cũng lại rơi vào trạng thái “sẽ được thực thi”... Khi đó, rất có thể, kỳ vọng lớn về những cải cách đột phá của môi trường đầu tư kinh doanh Việt Nam  sẽ biến thành thất vọng.

Danh sách đầy đủ Bộ máy lãnh đạo Chính phủ, Nhà nước, Quốc hội
Danh sách bộ máy lãnh đạo Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội từ các chức danh cao nhất như Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư