Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Các thương vụ M&A công nghệ tạo tiền đề cho đột phá mới
Tư Thuần - 04/11/2024 15:46
 
Ngành công nghệ đang chứng kiến các giao dịch mua bán và sáp nhập (M&A) sôi động, với các thương vụ giá trị lớn, có khả năng định hình lại tương lai của trí tuệ nhân tạo (AI), an ninh mạng và điện toán đám mây.

Kể từ đầu năm 2024 tới nay, các công ty công nghệ hàng đầu đang không ngừng mở rộng một cách chiến lược bằng việc thực hiện M&A để đảm bảo sự thống trị thị trường và đổi mới nhanh hơn. Từ thương vụ mua lại Juniper Networks trị giá 14 tỷ USD của HPE đến thương vụ sáp nhập trị giá 28 tỷ USD của Cisco với Splunk, làn sóng M&A này không chỉ định nghĩa lại các mô hình kinh doanh mà còn tạo tiền đề cho những đột phá công nghệ mới.

Dưới đây là một số thương vụ nổi bật. 

HPE mua Juniper Networks với giá 14 tỷ USD

Ngày 9/1/2024, Hewlett Packard Enterprise (HPE) - tập đoàn công nghệ Mỹ cho biết sẽ tiến hành mua lại Juniper Networks - một doanh nghiệp chuyên phát triển và sản xuất thiết bị mạng tại châu Âu với giá 14 tỷ USD tiền mặt.

Ngày 1/8, Liên minh châu Âu (EU) đã chấp thuận vô điều kiện thương vụ này với nhận định thương vụ sẽ không gây ảnh hưởng tiêu cực đến cạnh tranh trên thị trường Khu vực Kinh tế châu Âu.

Quyết định này đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong cuộc đua công nghệ toàn cầu, đặc biệt là trong lĩnh vực Trí tuệ Nhân tạo (AI). Với việc sở hữu Juniper Networks, HPE không chỉ mở rộng quy mô hoạt động và tăng cường vị thế trên thị trường mà còn có được những công nghệ để thúc đẩy sự phát triển của AI.

HPE mua Juniper Networks với giá 14 tỷ USD.

HPE ra đời vào năm 2015, sau khi tách ra từ tập đoàn Hewlett-Packard. Trong đó, HPE tập trung chủ yếu vào mảng máy chủ, hệ thống lưu trữ, các thiết bị mạng cũng như các phần mềm, dịch vụ doanh nghiệp và các dịch vụ nền tảng điện toán đám mây; công ty thứ hai là HP Inc, chuyên sản xuất máy tính cá nhân, máy in…

Juniper là một nhà cung cấp dịch vụ và cơ sở hạ tầng mạng truyền thông, cung cấp các thiết bị như router, switch, wifi, bảo mật mạng, hoạt động mạng doanh nghiệp hỗ trợ AI (AIOps) và công nghệ SDN. Đây là một trong những đối thủ chính của Cisco Systems Inc.

Theo giới phân tích, đây là một trong những thương vụ M&A lĩnh vực công nghệ lớn nhất tính theo giá trị thương vụ, đồng thời thương vụ giúp HPE củng cố vị thế của mình trong ngành công nghệ, đặc biệt trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI).

Cisco chi 28 tỷ USD mua lại Splunk

Tháng 3/2024, Cisco thông báo hoàn tất mua lại công ty an ninh mạng Splunk với giá 157 USD trên mỗi cổ phiếu bằng tiền mặt, tương ứng với việc đã chi khoảng 28 tỷ USD cho thương vụ này.

Công nghệ của Splunk giúp doanh nghiệp giám sát và phân tích dữ liệu để giảm thiểu rủi ro bị tấn công và giải quyết các vấn đề kỹ thuật nhanh hơn. Trong khi đó, Cisco được thành lập vào năm 1984, từ lâu đã là nhà sản xuất thiết bị mạng máy tính lớn nhất thế giới và đang đẩy mạnh hoạt động kinh doanh phần mềm, dịch vụ an ninh mạng, dịch vụ đám mây (Cloud)...

Cisco cho biết, các tính năng bảo mật của Splunk sẽ được bổ sung vào danh mục hiện có của Cisco, cung cấp các phân tích và phạm vi bảo mật hàng đầu từ thiết bị, ứng dụng cho đến dịch vụ đám mây. 

Cisco chi 28 tỷ USD mua lại Splunk.

Mức giá của thương vụ này đã khiến các nhà đầu tư choáng váng và theo nhà phân tích Dan Ives của Wedbush Securities, thương vụ này định giá Splunk gấp khoảng 6 lần doanh thu tài chính năm 2025 của Công ty.

Ngoài Splunk, trong năm 2023, Cisco cũng đã mua lại 4 công ty, tất cả đều tăng khả năng của Cisco trong việc phát hiện mối đe dọa, quản lý định danh và bảo mật điện toán đám mây. 

IBM mua lại HashiCorrp

International Business Machines (IBM) đã mua lại HashiCorp với giá 6,4 tỷ USD trong chiến lược mở rộng danh mục các sản phẩm phần mềm cung cấp trên nền tảng đám mây, trong bối cảnh nhu cầu tăng vọt do các ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) thúc đẩy.

Động thái này hỗ trợ biến động giá cổ phiếu của HashiCorp sau khi niêm yết (Công ty niêm yết năm 2021 nhưng giá cổ phiếu không có diễn biến tích cực) và củng cố vị thế dẫn đầu của IBM với tư cách là một trong những nhà cung cấp công cụ quản lý đám mây hàng đầu. Trước đó, năm 2019, IBM cũng đã mua lại Red Hat với giá 34 tỷ USD.

IBM mua lại HashiCorrp.

Thoma Bravo thâu tóm Darktrace với giá 5,3 tỷ USD

Tháng 4/2024, công ty an ninh mạng Darktrace của Anh cho biết đã chấp nhận đề xuất mua lại của công ty đầu tư tư nhân Thoma Bravo - đơn vị tập trung vào đầu tư lĩnh vực phần mềm với giá 5,3 tỷ USD. Thoma Bravo đã bày tỏ quan tâm thâu tóm Darktrace từ 2 năm trước đây vì đánh giá cao năng lực của công ty an ninh mạng này trong lĩnh vực AI.

Darktrace là doanh nghiệp đã niêm yết trên Sàn giao dịch chứng khoán London và là đơn vị tiên phong trong việc sử dụng các ứng dụng AI để vô hiệu hoá các đợt tấn công mạng và tự động hoá phản ứng trước các sự cố mạng. Công ty cho biết công nghệ của mình liên tục học hỏi và cập nhật kiến ​​thức về dữ liệu kinh doanh của tổ chức và áp dụng hiểu biết đó để giúp chuyển đổi hoạt động bảo mật sang trạng thái chủ động phục hồi mạng. Darktrace hiện đang cung cấp dịch vụ cho 9.400 khách hàng.

Thoma Bravo thâu tóm Darktrace với giá 5,3 tỷ USD.
Chăm sóc sức khỏe lên ngôi qua thương vụ M&A
Mua bán - sáp nhập (M&A) là “đòn bẩy chiến lược” giúp các tên tuổi lớn trong lĩnh vực y tế thực thi chiến lược mở rộng địa bàn kinh doanh...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư