Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 11 tháng 02 năm 2025,
Các yếu tố tác động giá vàng trong tuần này
Vân Linh - 10/02/2025 11:45
 
Giá vàng quốc tế neo ở mức cao nên vàng SJC trong nước khó quay đầu sau ngày vía Thần Tài đầu năm mà chỉ giảm nhẹ. Các dự báo đưa ra, khả năng kim quý vàng còn nóng.

Vàng được dự báo sẽ tiếp tục 

SJC niêm yết giá mua vào với giá 87,5 triệu đồng, bán ra 90,5 triệu đồng trong sáng ngày 10/2. PNJ cũng giữ giá mua vào 86,8 triệu đồng, bán ra 90,3 triệu đồng... Giá vàng miếng SJC mua vào thấp hơn bán ra duy trì ở mức 3,5 triệu đồng mỗi lượng vào sáng 10/2.

Trên thị trường quốc tế, giá vàng neo ở mức cao 2.870 USD/ounce trong sáng cùng ngày. Sở dĩ giá vàng quốc tế tiếp tục tăng do căng thẳng địa chính trị dai dẳng, lo ngại về lạm phát mới, chính sách thích ứng của các ngân hàng trung ương toàn cầu và nhu cầu vật chất mạnh mẽ. Tâm lý thị trường đặc biệt bị ảnh hưởng bởi những diễn biến chính sách gần đây của Mỹ, đặc biệt liên quan đến quan hệ thương mại quốc tế.

Vàng vẫn được xem là "hầm trú ẩn an toàn"

Nhu cầu trú ẩn của nhà đầu tư trước các chính sách mới của Tổng thống Mỹ Donald Trump là nguyên nhân chính khiến giới phân tích tin tưởng vào sức tăng của vàng. Giới phân tích tài chính cho rằng, lo ngại về thuế nhập khẩu và lạm phát đang dâng cao nên vàng vẫn sẽ là kênh đầu tư an toàn. 

Ngày 1/2, ông Trump ký sắc lệnh áp thuế 25% với hàng hóa Canada, Mexico và 10% với hàng hóa Trung Quốc. Nhưng đến ngày 3/2, ông thông báo hoãn áp thuế với Mexico và Canada sau khi đạt thỏa thuận siết hoạt động buôn lậu và nhập cư với hai nước này. Trong khi đó, thuế với Trung Quốc vẫn có hiệu lực từ ngày 4/2, khiến Bắc Kinh lập tức dùng biện pháp tương tự để trả đũa.

Trong tuần qua, giá vàng giao ngay thế giới đã tăng hơn 2%. Đây là tuần thứ 6 liên tiếp kim loại quý đi lên, do căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc leo thang, khiến nhà đầu tư đổ xô mua vàng trú ẩn. Thậm chí, trong phiên 7/2, giá có thời điểm lập đỉnh mới tại 2.886 USD. Giá vàng đã lên mốc cao kỷ lục 6 trong 7 phiên gần nhất.

Khảo sát cuối tuần rồi của Kitco với các chuyên gia phân tích, nhà đầu tư, giám đốc ngân hàng cho thấy 88% người được hỏi dự báo giá tuần tới tăng, chủ yếu do bất ổn quanh thuế nhập khẩu và lạm phát của Mỹ và không ai lựa chọn giá giảm, và 12% cho rằng giá đi ngang.

Colin Cieszynski - chiến lược gia thị trường tại SIA Wealth Management và Adrian Day - Giám đốc Adrian Day Asset Management cũng lạc quan vào kim loại quý và có nhận định rằng, các động lực của giá vàng trong năm qua vẫn còn nguyên. Thị trường rồi sẽ phải dừng lại và điều chỉnh, nhưng chưa phải bây giờ.

Các yếu tố tác động giá vàng

Ngoài chính sách thuế quan, trong tuần này, các nhà đầu tư còn quan tâm đến việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sắp tăng lãi suất. Cơ quan này đã giảm lãi 3 lần năm ngoái khi lạm phát Mỹ hạ nhiệt, nhưng giữ nguyên trong cuộc họp tháng trước để đánh giá thêm tình hình.

Một khi lãi suất USD giảm thêm sẽ có lợi cho vàng, vì lãi suất giảm sẽ khiến sức khỏe đồng đôla Mỹ suy yếu. Chỉ số USD Index hiện vẫn duy trì ở mức cao trên 108 điểm. Vì thế, thị trường sẽ theo sát cuộc điều trần của Chủ tịch Fed ông Jerome Powell trước Thượng viện và Hạ viện Mỹ. Đồng thời, nhà đầu tư cũng sẽ đón nhận chỉ số giá tiêu dùng (CPI) Mỹ, chỉ số giá sản xuất (PPI), doanh số bán lẻ tháng 1/2025 và số đơn xin trợ cấp thất nghiệp tuần qua... Các số liệu này đều có khả năng tác động lên thị trường vàng.

Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, trọng tâm chính của thị trường vàng hiện nay vẫn là sự bất ổn liên quan đến chính sách thuế quan của Tổng thống Trump. Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) dự đoán rằng, trong năm 2025, các yếu tố kinh tế vĩ mô và chính sách từ chính quyền mới của Mỹ sẽ tiếp tục củng cố sức hấp dẫn của vàng. Ngoài ra, nhu cầu đầu tư vào vàng của các quốc gia và các ngân hàng trung ương trên thế giới sẽ còn gia tăng, góp phần duy trì đà tăng giá của kim loại quý này.

Nhà phân tích thị trường tại WGC - Joseph Cavatoni cho rằng, xu hướng mua vàng của các ngân hàng trung ương trên thế giới vẫn sẽ mạnh mẽ, do gánh nặng nợ chính phủ ngày càng tăng và sự thay đổi trong chính sách tài chính toàn cầu.

Trong khi đó, Ngân hàng Goldman Sachs cũng đưa ra dự báo cho rằng, giá vàng thế giới có khả năng tiếp tục lên tới 3.000 USD/ounce do sự bất ổn từ các chính sách của Mỹ và nhu cầu phòng ngừa rủi ro của những nhà đầu tư. Bất ổn kinh tế toàn cầu và nguy cơ suy thoái. Lãi suất hạ nhiệt khiến vàng trở thành tài sản hấp dẫn hơn so với các kênh đầu tư khác.

Mặc dù không được liên thông và có nhiều thời điểm lạc nhịp, giá vàng SJC trong nước thường cao hơn quốc tế, song thực tế cũng cho thấy, giá vàng trong nước thường chịu tác động bởi giá vàng quốc tế. Năm 2024 thị trường đã chứng kiến giá vàng miếng SJC tăng mạnh nhất trong 14 năm khi vượt ngưỡng 91 triệu đồng/lượng, theo Hiệp hội Kinh doanh Vàng Việt Nam (VGTA).

Vàng miếng SJC có biên độ tăng tối đa khoảng 24% (trong khi vàng quốc tế tăng 27% trong năm 2024), do chính sách can thiệp của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nhằm kiểm soát ổn định thị trường. Còn đối với vàng nhẫn trơn lập kỷ lục hơn 90 triệu đồng/lượng, tăng trên 40% so với đầu năm. Tuy nhiên, giá vàng trong nước đang ở mức cao, giới chuyên gia khuyến nghị các nhà đầu tư nên thận trọng, lựa chọn thời điểm hợp lý để mua vào, tránh mua vàng ở vùng giá đỉnh và vội bán ra khi giá điều chỉnh, nhằm tối ưu lợi nhuận. Giá vàng thế giới đã tăng 27% trong năm 2024.

WGC cũng vừa công bố Báo cáo Xu hướng Nhu cầu Vàng năm 2024, ghi nhận tổng lượng tiêu thụ vàng toàn cầu đạt 4.974,5 tấn, tăng gần 1% so với năm 2023 và đạt mức cao nhất kể từ năm 2011. Trong đó, Việt Nam tiếp tục giữ vị trí số một Đông Nam Á về tiêu thụ vàng với 55,3 tấn trong năm 2024, giảm so với năm 2023 (55,5 tấn). Đứng sau Việt Nam là Thái Lan (48,8 tấn), Indonesia (47,3 tấn) và Singapore (13,3 tấn). Nhu cầu vàng trang sức tại Việt Nam trong năm qua giảm 13% xuống 13,2 tấn, do giá vàng tăng cao khiến người tiêu dùng hạn chế chi tiêu cho mặt hàng này. Tuy nhiên, nhu cầu đối với vàng miếng, vàng thỏi và vàng xu lại tăng mạnh 4%, đạt 42,1 tấn, cao nhất kể từ năm 2016.

Một xu hướng đáng chú ý là người Việt có xu hướng chuyển từ vàng miếng, vàng thỏi sang mua vàng nhẫn để tích trữ. Mặc dù vàng nhẫn được phân loại là trang sức, nhưng thực tế, chúng được mua với mục đích đầu tư nhiều hơn. Đó cũng chính là lý do khiến mặt hàng vàng nhẫn trở nên khan hiếm, nhất là trong dịp Thần Tài vừa qua khi nhu cầu mua vàng nhẫn gia tăng. 

Giá vàng thế giới cao nhất mọi thời đại khi dòng tiền tìm về nơi trú ẩn an toàn
Giá vàng đạt mức cao nhất mọi thời đại do dòng tiền tiếp tục đổ vào nơi trú ẩn an toàn trong bối cảnh bất ổn thương mại toàn cầu.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư