Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 27 tháng 11 năm 2024,
Cách nào thu hút doanh nghiệp về khu công nghiệp dược TP.HCM
Hoài Sương - 20/09/2024 10:05
 
Hạ tầng, chính sách ưu đãi, hình thành trung tâm nghiên cứu… là những vấn đề doanh nghiệp dược quan tâm khi xây dựng kế hoạch dài hạn đầu tư vào Khu công nghiệp dược TP.HCM.

UBND TP.HCM vừa phê duyệt Đề án Phát triển công nghiệp dược đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đây là bước khởi động quan trọng để sớm lập khu công nghiệp y dược tập trung đầu tiên của cả nước.

Ông Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết, theo Đề án, khu công nghiệp chuyên ngành y dược sẽ được xây dựng tại Khu công nghiệp Lê Minh Xuân 2 (Bình Chánh), diện tích 338 ha. Tại đây có trung tâm nghiên cứu phát triển và đổi mới sáng tạo về lĩnh vực y dược, các cơ sở sản xuất kinh doanh sản phẩm y dược và sản phẩm phụ trợ thuộc phân khúc kỹ thuật cao, trung tâm giao dịch sản phẩm.

Dự kiến, khu công nghiệp này sẽ hoàn thiện hạ tầng và đưa vào hoạt động từ năm 2030. Các chính sách hỗ trợ đặc biệt được kỳ vọng thúc đẩy, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đưa sản phẩm ra thị trường trong thời gian sớm nhất.

Theo ông Đinh Anh Hào, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần AIKYA, với ngành y dược hiện nay, các vấn đề được doanh nghiệp quan tâm là thị trường, công nghệ sản xuất và nhân sự. TP.HCM là trung tâm khoa học kỹ thuật, kinh tế lớn nhất cả nước, nếu có một khu công nghiệp dược thì sẽ rất thuận lợi khi đầu tư.

Hiện ngành dược của TP.HCM còn nhiều nhược điểm. Các nhà máy dược phẩm trên địa bàn đa số sản xuất các mặt hàng generic thông thường mang tính trùng lặp. Nhiều nhà máy sản xuất cùng một loại hoạt chất. Nguồn nguyên liệu chủ yếu nhập khẩu từ Ấn Độ và Trung Quốc. Hầu hết nhà máy chưa phát huy hết công suất, nhất là các nhà máy của doanh nghiệp có vốn nhà nước.

Do đó, PGS-TS. Phạm Khánh Phong Lan, chuyên gia trong lĩnh vực dược cho rằng, TP.HCM cần  xem xét, cân nhắc kỹ lưỡng nên đầu tư và tập trung khuyến khích phát triển những điểm mạnh.

Ông Lê Ngọc Long, Giám đốc điều hành Công ty dược phẩm BPPharma thẳng thắn, doanh nghiệp vẫn cân nhắc có nên đầu tư vào khu công nghiệp dược ở TP.HCM hay không, bởi còn phải xem những chính sách cụ thể.

Theo ông Long, Dự thảo Luật Dược mới đã bỏ qua vấn đề nền tảng của phát triển công nghiệp dược, đó là hình thành trung tâm nghiên cứu thuốc độc lập. Kinh nghiệm cho thấy, các nhà máy, doanh nghiệp lập trung tâm riêng lẻ sẽ dẫn đến manh mún, không phát triển mạnh được.

Không chỉ cần có trung tâm nghiên cứu thuốc độc lập, nhiều doanh nghiệp dược cho rằng, TP.HCM cần xây dựng các trung tâm kiểm nghiệm tương đương sinh học (tương đương biệt dược gốc) đạt chuẩn quốc tế. Vì hiện nay các trung tâm của Việt Nam chưa đạt chuẩn và không được quốc tế công nhận. Một loại thuốc sản xuất ở Việt Nam cần chứng minh tương đương sinh học để xuất khẩu thì phải ra nước ngoài kiểm định, rất tốn kém. Đây cũng là nền tảng cơ bản để phát triển nền công nghiệp dược.

Ông Nguyễn Văn Được, Tổng giám đốc Công ty cổ phần GSV Việt Nam mong muốn, khu công nghiệp dược của TP.HCM được đầu tư hạ tầng bài bản, hệ thống xử lý nước thải hiện đại, có sự kết nối thuận tiện với các khu vực lân cận và có sự hỗ trợ tối đa về thuế, phí…

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư